Trung Quốc thúc giục Canada thả CFO Huawei Mạnh Vãn Chu

Thanh Tú - 16/10/2020 15:04 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc khẳng dịnh không theo đuổi chính sách ngoại giao cưỡng ép, đồng thời hối thúc Canada thả Giám đốc Tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu.

VNF
Việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ từ năm 2018 đã làm rạn nứt quan hệ giữa Bắc Kinh với Ottawa.

Việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ từ năm 2018 đã làm rạn nứt quan hệ giữa Bắc Kinh với Ottawa.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 13/10 cáo buộc Trung Quốc đã dùng “chính sách ngoại giao cưỡng ép” khi bắt giữ tùy tiện 2 công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig.

Đáp trả cáo buộc này, Đại sứ Trung Quốc tại Canada Cong Peiwu ngày 15/10 khẳng định Trung Quốc không hề theo đuổi chính sách ngoại giao cưỡng ép và khẳng định vụ bắt giam 2 công dân Canada không hề liên quan đến việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt.

Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, hai công dân Canada bị bắt là do nghi vấn tham gia các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia của nước này.

Cũng theo ông Cong, chính Canada mới là quốc gia sử dụng các biện pháp cưỡng ép để bắt giam bà Mạnh trong khi bà "không hề phạm luật Canada".

Ông Cong hối thúc Ottawa trả tự do tức thì cho bà Mạnh "để tạo điều kiện đưa quan hệ 2 nước trở lại con đường đúng đắn".

Bà Mạnh Vãn Chu đang được tại ngoại và sống ở Vancouver.

Bà Mạnh Vãn Chu, sinh năm 1972, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách tài chính (CFO) Tập đoàn Huawei. Bà Mạnh cũng là con gái của người sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi.

Bà Mạnh đã bị phía Canada bắt giữ ngày 1/12/2018 theo yêu cầu của chính phủ Mỹ với cáo buộc vi phạm các lệnh cấm vận đối với Iran.

Vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc bắt 2 công dân Canada và đến tháng 6/2020 truy tố tội gián điệp.

Các nước Phương Tây xem vụ bắt giữ 2 công dân Canada là đòn đáp trả của Trung Quốc sau vụ Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.

Ở động thái liên quan mới nhất, tại phiên điều trần kéo dài 3 ngày từ 28-30/9, phía luật sư của bà Mạnh cho rằng, những chứng cứ mà phía Mỹ cung cấp thiếu những nội dung quan trọng, có sự “ngụy tạo”, dễ dẫn đến phán đoán sai cho Tòa án. Luật sư của bà Mạnh khẳng định, đây là sự lạm dụng trình tự dẫn độ tư pháp Canada. Do đó, luật sư bà Mạnh yêu cầu Tòa án dừng ngay trình tự dẫn độ này.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp Canada cho rằng, Tòa án nên xem xét từ góc độ các điều kiện dẫn độ có đầy đủ hay không chứ không nên xem xét từ góc độ chứng cứ của phía Mỹ, đồng thời đề nghị Tòa án bác bỏ yêu cầu của luật sư bà Mạnh.

Kết thúc phiên điều trần lần này, Tòa án đã không đưa ra được phán quyết cuối cùng, các bên sẽ tiếp tục tham gia nhiều phiên điều trần khác trước khi Tòa ra phán quyết cuối về việc Mỹ và Canada có lạm dụng trình tự dẫn độ hay không vào tháng 2/2021.

Xem thêm >> Philippines dỡ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông, ‘mở đường’ cho Trung Quốc?

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác