Tài chính quốc tế

Philippines dỡ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông, ‘mở đường’ cho Trung Quốc?

(VNF) - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã chấp thuận việc dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Động thái được cho là sẽ mở đường cho việc nối lại công việc thăm dò ở các khu vực tranh chấp, bao gồm cả hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc.

Philippines dỡ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông, ‘mở đường’ cho Trung Quốc?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cụ thể, trong thông tin được công bố ngày 15/10 của Thông tấn xã Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã chấp thuận khuyến nghị của Bộ năng lượng nước này về việc dỡ bỏ các hạn chế đối với sản xuất dầu và khí đốt ở phía đông biển Đông.

Hãng tin nhà nước của Philippines cho biết động thái này sẽ mở đường cho việc nối lại việc thăm dò ở các khu vực tranh chấp, bao gồm cả hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi, chính phủ ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm “với thiện chí và sự quan tâm đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc, công ty Forum Ltd và Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC)”.

"Tôi cảm ơn Tổng thống đã chấp thuận khuyến nghị của Bộ Năng lượng. Chúng ta cần khai thác dầu khí để có thể giải quyết vấn đề an ninh năng lượng đất nước, đặc biệt trước nguy cơ suy giảm của mỏ khí đốt tự nhiên Malampaya”, Thông tấn xã Philippines dẫn lời Bộ trưởng Cusi.

Được biết, chính phủ Philippines đã thông báo với các nhà thầu dịch vụ về việc khôi phục ba dự án thăm dò dầu khí tại Biển Đông, vốn đã bị đình chỉ từ năm 2014 theo quyết định của cựu Tổng thống Benigno Aquino III vì tranh chấp lãnh thổ.

Ông Cusi cho rằng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm sẽ khiến các nhà thầu dịch vụ có nghĩa vụ pháp lý phải góp vốn vào các khu vực theo hợp đồng và thuê các kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Philippines.

Philippines hồi năm 2014 đã đệ đơn kiện chống lại Trung Quốc và áp đặt lệnh tạm hoãn thăm dò dầu khí kể từ năm 2014 để chờ phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan).

Sau 3 năm xem xét đơn kiện, PCA ngày 12/7/2016 đã ra phán quyết rằng yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và bác bỏ "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tới năm 2019, Tổng thống Philippines Duterte cho biết Trung Quốc đề nghị góp cổ phần trong một dự án hợp tác năng lượng chung ở Biển Đông nếu Philippines bỏ qua phán quyết của PCA.

Tuy nhiên, thời gian qua, hàng loạt chuyên gia và quan chức Philippines lẫn quốc tế đều ra sức cảnh báo về những hậu quả khó lường đối với Philippines và cả khu vực liên quan đến kế hoạch này.

Theo giới quan sát, nếu Manila dỡ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở Biển Đông thì Bắc Kinh có thêm cơ sở để ép các bên khác trong khu vực chấp nhận đàm phán song phương và hiện thực hóa ý đồ “khai thác chung”, kể cả ở những khu vực không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách "đường 9 đoạn".

Xem thêm >> Việt Nam phản đối Trung Quốc lập hơn 400 doanh nghiệp ở Hoàng Sa

Tin mới lên