Tài chính quốc tế

Trước thềm 1 năm chiến sự Nga - Ukraine: Ông Putin tuyên bố chưa dừng lại, đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ

(VNF) - Ngày 21/2, trước thềm kỷ niệm 1 năm diễn ra cuộc chiến tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Liên bang. Theo đó, ông Putin cho biết Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho tới khi đạt được các mục tiêu của mình.

Trước thềm 1 năm chiến sự Nga - Ukraine: Ông Putin tuyên bố chưa dừng lại, đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi phát biểu trước Quốc hội Nga hôm 21/2.

Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang, nhằm đưa ra một số nhận xét quan trọng nhất về "chiến dịch quân sự đặc biệt" đã bắt đầu vào ngày 24/2/2022. Đây là bài phát biểu cấp quốc gia đầu tiên của ông Putin kể từ thời điểm ông quyết định công nhận lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

Mở đầu bài phát biểu, ông Putin nêu lý do tại sao Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cáo buộc phương Tây và NATO công khai nói về việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước cuộc chiến quân sự. Tổng thống Nga cáo buộc phương Tây “chơi trò bẩn thỉu” với người dân và với Ukraine. 

Ông Putin lập luận rằng sau khi Mỹ và NATO từ chối các đề xuất an ninh chung của Nga vào tháng 12/2021, “ rõ ràng là họ đã bật đèn xanh cho các kế hoạch gây hấn của Kiev”. 

“Tôi muốn nhắc lại: Họ (phương Tây) đã khơi mào chiến tranh. Và chúng tôi đã và đang sử dụng vũ lực để chấm dứt nó”, nhà lãnh đạo Nga nói.

Tổng thống Nga cho biết Moscow sẵn sàng đối thoại với phương Tây và cởi mở với một hệ thống an ninh bình đẳng, nhưng “đáp lại, chúng tôi nhận được những câu trả lời không trung thực” và các hành động cụ thể nhằm mở rộng NATO và triển khai các hệ thống chống tên lửa mới ở châu Âu. 

Sẽ tiếp tục chiến dịch tại Ukraine

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine cho đến khi Nga đạt được các mục tiêu của mình và đe dọa sẽ phản ứng dữ dội nếu Mỹ và các đồng minh cung cấp tên lửa tầm xa cho chính phủ ở Kiev.

“Chúng tôi sẽ hoàn thành các nhiệm vụ được đặt ra từng bước, cẩn thận và nhất quán”, bởi vì Nga đang chiến đấu vì 'vùng đất lịch sử' của mình ở Ukraine", ông Putin nói với Quốc hội Nga và các quan chức hàng đầu ở Moscow.

Ông Putin khẳng định: “Mọi người cần phải rõ ràng một điều - càng có nhiều hệ thống tầm xa của phương Tây được chuyển đến Ukraine, chúng ta càng buộc phải chuyển những mối đe dọa ra xa khỏi biên giới của mình. Đó là điều hiển nhiên”.

Trong một bài phát biểu liên tục bị gián đoạn bởi những tràng pháo tay, ông Putin cho biết, các đồng minh Mỹ và châu Âu của Ukraine muốn “biến một cuộc xung đột cục bộ thành một giai đoạn đối đầu toàn cầu”.

“Chúng tôi hiểu điều này và sẽ phản ứng phù hợp vì trong trường hợp này, chúng tôi đang nói về sự tồn tại của đất nước chúng tôi”, nhà lãnh đạo Nga phát biểu.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thất bại

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin cũng dành thời gian để nói về các vấn đề kinh tế trong nước và tuyên bố rằng những bất ổn kinh tế dự kiến ​​do phương Tây “đánh cắp” dự trữ ngoại hối của Nga đã không thành hiện thực.

Theo ông Putin, nền kinh tế Moscow đã vượt qua tất cả rủi ro liên quan đến lệnh trừng phạt và đang thực sự bước vào một chu kỳ phát triển kinh tế mới.

“Có nhiều cơ hội để đạt được bước đột phá trong nhiều lĩnh vực”, ông Putin phát biểu trước Quốc hội Liên bang. 

Theo ông Putin, GDP của Nga năm 2022 chỉ giảm 2,1%, theo dữ liệu mới nhất, bất chấp các dự đoán của phương Tây về mức giảm tới 20%. Tổng thống Nga cũng cho biết chính phủ đã rót hơn 1.000 tỷ ruble (hơn 13 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây lan rộng.

“Các biện pháp trừng phạt đã gây ra tình trạng tăng giá và các vấn đề khác ở chính phương Tây, nhưng họ đang cố đổ lỗi cho Nga về mọi thứ”, ông Putin tuyên bố.

Thông qua bài phát biểu thường niên, Tổng thống kêu gọi chính phủ đưa nền kinh tế đến những biên giới phát triển mới.

Đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ

Cũng trong bài phát biểu mới nhất, ông Putin tuyên bố Moscow sẽ không còn tham gia vào hiệp ước hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ, tức hiệp ước New START. Tổng thống Nga lưu ý rằng Moscow sẽ không rút khỏi Hiệp ước New START, nhưng sẽ tạm thời rút lui.

Trước đó, hồi đầu tháng 2, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước New START, thỏa thuận duy nhất còn lại quy định hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Theo hiệp ước này, Washington và Moscow được phép tiến hành thanh tra các cơ sở vũ khí của nhau, nhưng do đại dịch Covid-19, các cuộc thanh tra đã bị tạm dừng từ năm 2020, và tới nay Moscow đã từ chối việc thanh sát theo quy định.

Giải thích về quyết định này, ông Putin lưu ý rằng thỏa thuận ban đầu được soạn thảo trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, khi Nga và Mỹ không coi nhau là đối thủ. Tuy nhiên, giờ đây, theo Tổng thống Nga, không chỉ Mỹ đưa ra tối hậu thư cho Nga, mà bản thân NATO về cơ bản cũng đã nộp đơn xin trở thành một phần của hiệp ước.

Ông Putin cho biết các thành viên khối NATO hiện đang yêu cầu thanh tra các cơ sở chiến lược của Nga, đồng thời lưu ý rằng yêu cầu thanh tra các cơ sở hạt nhân của phương Tây theo hiệp ước của Moscow cũng bị từ chối.

Ông Putin lưu ý rằng Mỹ tiếp tục khăng khăng duy trì quyền bá chủ, trong khi các đối tác NATO công khai thừa nhận rằng họ muốn gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga.

“Nga không thể bỏ qua điều này. Chúng ta không thể cho phép mình bỏ qua điều này”, ông Putin nói.

Trong một diễn biến liên quan, trong ngày 21/2, Tổng thống Mỹ cũng sẽ có bài phát biểu tại Warsaw (Ba Lan) sau khi kết thúc chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine, được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski ca ngợi là chuyến thăm "mang tính biểu tượng" từ một "đồng minh hùng mạnh". 

Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, mới đây cho biết bài phát biểu của ông Biden sẽ đóng vai trò như một "tuyên bố khẳng định về các giá trị" thay vì bác bỏ và đối đầu với bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước Quốc hội Liên bang Nga.

“Chúng tôi không dàn dựng bài phát biểu theo kiểu đối đầu. Đây không phải là một cuộc thi hùng biện với bất kỳ ai khác”, ông Sullivan nói.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một "thất bại chiến lược về mọi mặt". 

"Một năm sau khi Tổng thống Putin tấn công Ukraine, rõ ràng cuộc chiến của ông ta là một thất bại chiến lược về mọi mặt", ông Blinken nói.

Xem thêm >> Tổng thống Putin bất ngờ kêu gọi ngừng bắn, Ukraine bác bỏ

Tin mới lên