Trước thời điểm cuối: Ngân hàng 'chạy nước rút' xác thực sinh trắc học

Khánh Tú - 03/12/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Thời gian qua, nhiều ngân hàng liên tục lên tiếng "đốc thúc" khách hàng hoàn tất việc cập nhật sinh trắc học trước ngày 1/1/2025.

Chạy đua xác thực sinh trắc học

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua đã liên tục ban hành các thông tư liên quan gồm Thông tư 18/2024 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng và Thông tư 04/2024 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó nêu rõ: từ ngày 1/1/2025, các chủ thẻ, ví điện tử muốn chuyển tiền, rút tiền, thanh toán… phải hoàn tất xác thực sinh trắc học.

Nếu không hoàn tất cập nhật thông tin sinh trắc học trước thời hạn trên, khách hàng sẽ không thể thực hiện được bất kỳ giao dịch trực tuyến cũng như giao dịch thẻ nào.

Tại một hội thảo mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cũng đã đề nghị các ngân hàng đẩy nhanh việc cập nhật dữ liệu thông tin sinh trắc học trên các tài khoản ngân hàng. Ngành ngân hàng lấy đích ngày 1/1/2025 phải đảm bảo dữ liệu tài khoản của ngành ngân hàng hoàn toàn là dữ liệu sống, ông nói.

Để đốc thúc khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học, các ngân hàng thực hiện nhiều phương thức khác nhau. Bên cạnh việc thông báo qua cuộc gọi, tin nhắn và thông báo trên ứng dụng ngân hàng, các nhà băng còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau.

Cụ thể, Techcombank tặng 50.000 điểm Techcombank Rewwards cho 6.000 khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học đầu tiên mỗi tuần trong thời gian từ 1/11/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Hay như MB trienerkhai chương trình tặng tiền mặt lên tới 1 tỷ đồng/tuần cho khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học thành công trên ứng dụng từ ngày 25/11/2024 đến ngày 15/12/2024.

Ví điện tử Momo còn cho phép khách hàng nhờ người thân hoặc bạn bè hỗ trợ cập nhật thông tin sinh trắc học thông qua tính năng “Nhờ bạn bè” trên ứng dụng.

Các quy định về sinh trắc học lần đầu được đưa ra tại Quyết định số 2345 ban hành vào tháng 7/2024 nhằm giảm thiểu tình trạng lừa đảo, gian lận. Qua quá trình triển khai, việc áp dụng các quy định liên quan đến sinh trắc học đã bắt đầu phát huy tác dụng tích cực khi số lượng các vụ lừa đảo, gian lận liên quan đến tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng và ví điện tử giảm đáng kể.

Theo số liệu cập nhật đến hết quý III/2024, có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Chỉ sau 1 tháng triển khai, số lượng vụ lừa đảo mất tiền đã giảm đến 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng năm 2024. Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số tổ chức tín dụng đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.

Trong chia sẻ với VietnamFinance, TS Joshua Dwight, Giảng viên ngành Công nghệ thông tin, Đại học RMIT Việt Nam nhận định xác thực sinh trắc học là một trong những phương thức đảm bảo an toàn thông tin tốt nhất hiện nay và thường là một phần không thể thiếu trong các khuôn khổ tuân thủ bảo mật. Bên cạnh tính tiện dụng, việc sử dụng xác thực sinh trắc học còn khiến các đối tượng tội ohamj khó sao chép, bắt chước bởi các thông tin này là “độc bản” và phức tạp.

Doanh nghiệp cũng sẽ phải cập nhật sinh trắc học

Quyết định 2345, với mục tiêu thắt chặt quy định mở tài khoản chính chủ cho khách hàng cá nhân, đã trở thành “lá chắn” bảo vệ khách hàng trước rủi ro lừa đảo. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến tình trạng một số đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp lý để mở tài khoản doanh nghiệp "ma" hoặc tìm cách lách xác thực sinh trắc học nhằm thực hiện các hành vi gian lận và lừa đảo.

Có thể thấy rằng làn sóng lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi và khó lường, việc nâng cao các biện pháp bảo mật trong ngành ngân hàng không chỉ cần thiết mà còn cấp bách hơn bao giờ hết. Đáp ứng thách thức này, NHNN dự kiến chỉ đạo triển khai xác thực sinh trắc học cho doanh nghiệp, yêu cầu TCTD bắt buộc xác thực người đại diện pháp luật của doanh nghiệp trước khi mở tài khoản.

Trước đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.

Thông tư này không chỉ tập trung vào an toàn, bảo mật dịch vụ trực tuyến mà còn phân loại giao dịch thanh toán thành 4 nhóm, với từng mức độ xác thực khác nhau. Điển hình, các giao dịch loại C – như chuyển khoản giữa các tài khoản khác nhau có giá trị trên 10 triệu đồng – yêu cầu xác thực kết hợp OTP (SMS/Voice, Soft OTP/Token OTP hoặc chữ ký điện tử) và thông tin sinh trắc học chính xác.

Những yêu cầu này nhằm đảm bảo tính bảo mật cao hơn, hạn chế rủi ro gian lận trong giao dịch trực tuyến. Các quy định mới không chỉ đặt ra tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt mà còn khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý giao dịch, đồng thời bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của khách hàng trong bối cảnh ngày càng nhiều mối đe dọa an ninh mạng.

Cùng chuyên mục
Tin khác