Trường Lưu: Một ngôi làng, ba di sản

Hoài Anh - 21/01/2023 15:40 (GMT+7)

(VNF) - Tiếp nối thành công của “Mộc bản trường học Phúc Giang”, “Hoàng Hoa sứ trình đồ”, mới đây "Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943)” cũng đã được Hội đồng UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh xây dựng làng văn hóa - du lịch Trường Lưu thành một địa chỉ văn hóa du lịch mang tầm quốc tế.

VNF
Làng Trường Lưu (Ảnh: Phạm Đức)

Di sản ký ức thế giới

Ngày 26/11/2022, Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) họp lần thứ 9 đã bỏ phiếu bầu chọn “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689 - 1943)” là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943)” là bộ sưu tập độc bản viết bằng chữ Hán và chữ Nôm gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng Văn tại làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, có 26 sắc lệnh của Hoàng đế triều đình nhà Lê và nhà Nguyễn, nhằm tôn vinh, tặng, phong chức tước cho một số người dân làng Trường Lưu, 19 văn bản giao dịch giữa các cơ quan của nhà Nguyễn với người dân làng Trường Lưu và 3 bức trướng tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt. Toàn bộ tư liệu được viết bằng chữ Hán và Nôm trên giấy dó đặc biệt và lụa, trong thời gian từ năm 1689 đến 1943. Đặc biệt, có 6 tư liệu có nội dung về bình đẳng giới gồm 5 sắc phong vinh danh phụ nữ.

Các tư liệu này cung cấp bằng chứng xác thực lịch sử của một thời kỳ trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, đặc biệt là bình đẳng giới và vinh danh người phụ nữ, đề cao truyền thống học hành và tôn trọng người cao tuổi. Bản thân mỗi tư liệu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Đây là các tư liệu gốc, quý hiếm về văn hóa và giáo dục của một làng quê ở miền Trung Việt Nam, trải qua nhiều biến cố, vẫn được lưu giữ; giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.

Các tư liệu trên được GS.TS Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy chủ trì sưu tầm cùng với tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Ông Nguyễn Huy Mỹ cho biết, việc sưu tầm, nghiên cứu đã được thai nghén trong suốt một thời gian dài. Đặc biệt từ năm 2019, sau khi tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu giá trị di sản Hán Nôm thế kỷ XVII - XX của dòng họ Nguyễn Huy, công tác nghiên cứu, thẩm định diễn ra tập trung và mở rộng đến các dòng họ khác. Và sau 3 năm dày công nghiên cứu cùng với quyết tâm và sự vào cuộc của tỉnh Hà Tĩnh, ông và các cộng sự đã xây dựng thành công hồ sơ trình UNESCO.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943)

Một ngôi làng, ba di sản

Về với Trường Lưu vào một ngày đầu xuân năm mới, làng quê mộc mạc, trù phú, êm ả, ẩn chứa bao nét đẹp thiên nhiên và tỏa hương thơm của văn hóa làng. Dù chỉ là một vùng quê thuần nông nhỏ bé nhưng Trường Lưu lại hội tụ rất nhiều di sản vật thể, phi vật thể ở tầm quốc gia, quốc tế. Trường Lưu hiện có nhiều di tích lịch sử đa dạng, gồm đền, đình, chùa, miếu mạo, nhà cổ có niên đại hàng trăm năm.

Làng Trường Lưu có lịch sử hơn 5 thế kỷ, trứ danh với dòng họ Nguyễn Huy. Làng có nhiều nét văn hóa đặc sắc như nghề dệt vải và hát ví phường vải, nhưng trở nên nổi tiếng khắp cả nước từ khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu về trí sĩ.

Ông Nguyễn Huy Oánh đã xây dựng “Phúc Giang thư viện” và lập nên “Trường Lưu học hiệu”. Đó chính là nơi khai sinh của Di sản tư liệu ký ức thế giới “Mộc bản trường học Phúc Giang” (hay còn biết đến với cái tên “Mộc bản Trường Lưu”) đã được UNESCO công nhận vào năm 2016. Mộc bản có hơn 2.000 bản gỗ thị được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê. Cùng với đó, “Hoàng Hoa sứ trình đồ” (Hành trình đi sứ Trung Hoa) là tập bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý giá về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn thảo cũng trở thành Di sản tư liệu thế giới vào năm 2018.

Các di sản này được sánh vai với các Di sản tư liệu thế giới nổi tiếng khác ở Việt Nam như “Mộc bản triều Nguyễn” (năm 2009), “Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long” (năm 2011), “Châu bản triều Nguyễn” (2017), “Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (2012), “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” (2016)…

Nơi đây còn là cái nôi của hát phường vải - một trong những nhánh của hát ví dặm Nghệ Tĩnh cũng đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2014. Ngôi làng nhỏ bé này cũng là cái nôi của Hồng Sơn văn phái mà đỉnh cao là hai tác phẩm “Hoa Tiên” (Nguyễn Huy Tự) và “Mai đình mộng ký” (Nguyễn Huy Hổ). Không chỉ vậy, Trường Lưu còn lưu danh “đất phát nhân tài” với truyền thống hiếu học, khoa bảng.

TS Võ Hồng Hải, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh (cố vấn Đoàn UNESCO Việt Nam tham dự hội nghị MOWCAP) cho biết: “Cùng với “Mộc bản trường học Phúc Giang”, “Hoàng Hoa sứ trình đồ”, việc “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu” vừa được Hội đồng UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã góp phần khẳng định giá trị mang tầm nhân loại của các di sản văn hóa nêu trên. Đồng thời, cho thấy hướng đi đúng đắn của Hà Tĩnh trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa thời gian qua. Những kết quả đã được công nhận là cơ sở, điều kiện thuận lợi để tỉnh thực hiện việc xây dựng làng văn hóa - du lịch Trường Lưu thành một địa chỉ văn hóa du lịch mang tầm quốc tế như nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã xây dựng thành công”.

Theo ông Võ Hồng Hải, để làng Trường Lưu trở thành điểm du lịch hấp dẫn, trước hết cần tạo thêm các sản phẩm du lịch ở Trường Lưu như phục dựng các sân khấu nhỏ để biểu diễn hát phường vải; tôn tạo những di tích tín ngưỡng tôn giáo; quảng bá văn hóa qua quà lưu niệm như bản sao “Mộc bản trường học Phúc Giang” trên giấy dó, bản sao của “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được in trên mộc bản; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Ngoài ra, tỉnh sẽ chú trọng đến khâu kết nối Trường Lưu với các điểm đến lân cận như chùa Hương Tích (Can Lộc), làng Tiên Điền quê hương Nguyễn Du, đền ông Hoàng Mười (Nghi Xuân), bãi biển Thiên Cầm…, rồi xa hơn là điểm du lịch nổi tiếng, các di sản thế giới ở Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam…

“Đến nay, Trường Lưu và dòng họ Nguyễn Huy là nơi duy nhất trong cả nước có đến 3 di sản được UNESCO ghi danh. Tôi tin rằng, trong tương lai không xa Trường Lưu sẽ là một điểm du lịch văn hoá, tâm linh hấp dẫn; giống như làng cổ Hoahoe ở Andong, Hàn Quốc đã được UNESCO vinh danh và nườm nượp du khách đến tham quan”, TS Võ Hồng Hải bày tỏ.

Đây cũng chính là tâm niệm của GS.TS Nguyễn Huy Mỹ: “Tôi tự hào mình đã làm được những gì thế hệ cha ông gửi gắm. Hiện giờ, tôi chỉ có một mong ước, khát khao là Đề án xây dựng Làng văn hóa Trường Lưu của UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm trở thành hiện thực. Làng văn hóa Trường Lưu phải đáp ứng đủ các tiêu chí của một làng văn hóa thế giới, trở thành di sản thế giới”.
 

Cùng chuyên mục
Tin khác