Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Sáng 4/8, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp với Trường Đại học Văn Lang (VLU) tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam” với chủ đề: “Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam” tại Cơ sở chính của Trường Đại học Văn Lang, 69/68 Đặng Thùy Trâm, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP. HCM.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA, cho biết trong quá trình nghiên cứu thực trạng thị trường tài chính, tổng hợp ý kiến từ hội viên là các doanh nghiệp, người làm nghề, khách hàng và các bên liên quan, Hiệp hội nhận thấy có 5 sự thật về thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam hiện nay như sau:
Sự thật đầu tiên là tài chính cá nhân đang là chủ đề nóng, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
"Gõ cụm từ “quản lý tài chính cá nhân” trên Google vào ngày 5/1/2023 có ngay 167.000.000 kết quả quan tâm. Ngày 22/7/2023, có ngay 231.000.000 kết quả quan tâm, tăng 38,3% trong 6 tháng. Trên kênh của các phương tiện thông tin đại chúng (nghe, nhìn)...có rất nhiều bài viết, tọa đàm, hội thảo... giới thiệu các chủ đề về tài chính cá nhân (hoặc nằm trong tài chính cá nhân như đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm nhân thọ,…)", TS Lê Minh Nghĩa dẫn chứng.
Sự thật thứ hai là trình độ dân trí tài chính còn hạn chế và nhất là khả năng quản lý, hoạch định tài chính cá nhân còn khá khiêm tốn.
"Mặc dù các thông tin, tài liệu về tài chính cá nhân đã phổ biến ngày càng rộng rãi hơn nhưng phần lớn đều là thông tin, tài liệu mở, trôi nổi; hầu hết dân cư tại các tỉnh thành nhỏ và các khu vực hẻo lánh khó có thể tiếp cận và hiểu được, ngay cả các cá nhân, hộ gia đình ở các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam cũng chưa dành sự quan tâm cần thiết đối với hoạch định tài chính cá nhân, chưa biết đọc bảng cân đối thu - chi tài chính cá nhân; các cơ sở giáo dục đào tạo từ phổ thông đến đại học chưa xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo về tài chính cá nhân; các văn bản pháp quy liên quan tới phát triển và quản lý các sản phẩm, dịch vụ tài chính cá nhân chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa có văn bản nào của nhà nước đề cập riêng về hoạch định tài chính cá nhân", Chủ tịch VFCA cho hay.
TS Lê Minh Nghĩa dẫn chứng thêm, theo một cuộc khảo sát nhỏ trên địa bàn Hà Nội, sự quan tâm tới tài chính cá nhân của người Việt Nam chưa nhiều, trên 80% số người được khảo sát không biết tài chính cá nhân là gì và họ cũng không quan tâm nhiều tới các kế hoạch tài chính cá nhân.
Sự thật thứ ba là hiện nay, niềm tin của người dân đối với thị trường tài chính đang bị tổn thương vẫn chưa được thực sự phục hồi. Xuất hiện các khoảng trống về pháp lý, các hành vi gian lận của các tổ chức, cá nhân phát hành chứng khoán, hành nghề tư vấn, môi giới các sản phẩm, dịch vụ tài chính cá nhân bán chéo qua ngân hàng thương mại, niêm yết trên sàn chứng khoán... Trong khi đó, tri thức tài chính và hoạch định tài chính cá nhân của các nhà đầu tư còn hạn chế, từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội, điển hình như: Tình trạng người lao động vướng vào tín dụng đen, ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, lẫn lộn giữa gửi tiết kiệm và mua trái phiếu, giữa sản phẩm gửi tiết kiệm linh hoạt và sản phẩm bảo hiểm nhân thọ...
"Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam. Có thể nói, ở nước ta, tri thức về tài chính cá nhân, hoạch định tài chính cá nhân, là mắt khâu yếu nhất trong hệ thống phòng thủ, bảo đảm cho sự phát triển tài sản bền vững của mỗi người dân và sự lành mạnh phát triển của thị trường tài chính nói chung", Chủ tịch VFCA Lê Minh Nghĩa nhấn mạnh.
Sự thật thứ tư là có một khoảng trống về mặt quản lý nhà nước, trên thị trường tài chính hiện nay xung quanh các hoạt động nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân.
"Có thể hình dung, thị trường tài chính của Việt Nam vận hành đứng trên kiềng ba chân, nhưng có hai chân (tài chính vĩ mô và tài chính doanh nghiệp) thì được cả hệ thống chính trị tự giác tạo lập, vận hành, còn chân kiềng thứ ba là Tài chính cá nhân thì cho đến nay cơ bản vẫn tự phát vận hành", Chủ tịch VFCA nói.
Sự thật thứ năm là đã tồn tại những kinh nghiệm quốc tế và trong nước về quản lý tài chính cá nhân.
Trên thế giới, các nước phát triển và mới nổi rất coi trọng nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân. Họ dạy các tri thức về quản lý tài chính cá nhân cho học sinh ngay từ bậc phổ thông. Người Do Thái được xem là những bậc kỳ tài quản lý tiền bạc sáng tạo và thông minh nhất trên thế giới. Họ được dạy bảo và rèn luyện kỹ năng kiếm và sử dụng tiền khôn ngoan từ khi còn rất nhỏ. Cuộc sống của họ dù ở đâu cũng khá giả hơn người. Câu chuyện chia tiền kiếm được thành 5 cái lọ, dán nhãn với 5 mục cụ thể: Chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm, từ thiện, đầu tư và cuối cùng là đóng thuế là một ví dụ điển hình.
"Cách đây hơn 50 năm, khi ngành hoạch định tài chính cá nhân (tên tiếng Anh là Financial Planning) ra đời tại Mỹ để lành mạnh hóa thị trường tài chính và đảm bảo an sinh xã hội dưới sức ép của già hóa dân số, đã thật sự thay đổi hoàn toàn dân trí tài chính và tạo ra sự bền vững từ gốc cho thị trường tài chính của Mỹ trước khi nhân rộng tại nhiều quốc gia phát triển khác cho đến hôm nay. Việc xây dựng Bộ tiêu chuẩn đào tạo hoạch định tài chính cá nhân đã cấu thành nên nền tảng cốt lõi của quản lý tài chính cá nhân có giá trị thực hành thiết thực, có tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trên toàn thế giới", TS Lê Minh Nghĩa cho biết.
Ở Việt Nam, từ xa xưa, về tiêu dùng, dân gian đã tổng kết: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, không “bóc ngắn, cắn dài” ; và về đầu tư thì theo nguyên tắc: “Tiền trong nhà phải chửa, tiền ra cửa phải đẻ”...
Từ những sự thật và kinh nghiệm nêu trên, để góp phần thực hiện Chiến lược Tài chính toàn diện Quốc gia của Chính phủ, VFCA đã lắng nghe trăn trở của hội viên, chủ động phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về tài chính nghiên cứu, khảo sát, xây dựng Đề án Hoạch định tài chính cá nhân từ năm 2021. Đến nay đã tổ chức nhiều buổi trao đổi, tọa đàm và đã công bố Bản tóm tắt dự thảo Bộ tiêu chuẩn nhà hoạch định tài chính cá nhân bao gồm 4 khung tiêu chuẩn: (1) Về năng lực hành nghề, (2) Về chương trình đào tạo (3) Về quy trình hành nghề (4) Về đạo đức nghề nghiệp.
Hiệp hội đã gửi xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, các trường đại học khối kinh tế, các hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia… và đã tổng hợp tiếp thu góp ý để hoàn thiện dự thảo này; quyết định về phân loại cấp độ của nhà Hoạch định tài chính cá nhân để cung cấp căn cứ định hướng cho công tác đào tạo, quản lý hành nghề hoạch định tài chính cá nhân…
Tiếp nối các hoạt động của Đề án Hoạch định tài chính cá nhân, Hiệp hội phối hợp với Đại học Văn Lang tổ chức diễn đàn: “Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam” với chủ đề “Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam”.
Chủ đề Diễn đàn nhằm 3 mục đích: (1) Phân tích rõ thực trạng và định hướng nâng cao năng lực các chuyên viên khách hàng cá nhân tại các định chế tài chính như công ty bảo hiểm, ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…. trong định hướng hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam; (2) Làm rõ cơ chế vận hành, quyền, lợi ích, trách nhiệm và rủi ro của các bên có liên quan trong phát triển hoạch định tài chính cá nhân ở Việt Nam định hướng theo tiêu chuẩn quốc tế; (3) Đề xuất các khuyến nghị về đổi mới tư duy nhận thức, xây dựng khuôn khổ pháp lý và định hướng nâng cao dân trí tài chính, phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam một cách bền vững trong những năm tới.
"Chúng tôi hy vọng các quý vị tham gia Diễn đàn sẽ đưa ra nhiều đánh giá sát thực, ý kiến tư vấn hữu ích với cơ quan quản lý nhà nước, các định chế tài chính, nhà khoa học, nhà tư vấn đầu tư và nhà đầu tư cá nhân các giải pháp nhằm nâng cao dân trí tài chính, phát triển hoạch định tài chính cá nhân ở Việt Nam một cách bền vững", TS Lê Minh Nghĩa bày tỏ.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.