Diễn đàn VNF

TS Trần Đình Thiên: Luồng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam chứa đựng rủi ro cao về năng lượng

(VNF) – TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng sự dịch chuyển của dòng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam chứa đựng rủi ro cao về năng lượng, cụ thể là gây ra căng thẳng về vấn đề cung cầu năng lượng, nhất là khi Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ thiếu điện trong những năm tới.

TS Trần Đình Thiên: Luồng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam chứa đựng rủi ro cao về năng lượng

TS Trần Đình Thiên

Phát biểu tại diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020, TS Trần Đình Thiên đã phân tích các vấn đề của ngành năng lượng Việt Nam, nhất là các nguy cơ phải đối diện trong tương lai gần.

Nguy cơ thứ nhất là sự căng thẳng trong cung cầu năng lượng khi Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc. Theo ông Thiên, hiện nay cấu trúc kinh tế của thế giới thay đổi quá nhanh, sự dịch chuyển đầu tư đang diễn ra rất mạnh.

“Trung Quốc, trước khi có xung đột thương mại với Mỹ, đã vươn sang đẳng cấp phát triển khác. Sự vươn lên này đã tạo ra sự dịch chuyển, tức là phần cấu trúc cũ dịch chuyển ra ngoài để nhường không gian cho cấu trúc mới. Bây giờ thêm xung đột với Mỹ, sự dịch chuyển đầu tư của Trung Quốc ra ngoài càng mạnh, mạnh lắm.

“Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn của dòng đầu tư dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc. Chúng ta hân hoan, xem đó là cơ hội, nhưng tôi luôn thấy trong cơ có nguy. Một trong những cái nguy là khi họ kéo dòng đầu tư vào Việt Nam, đến một mức độ nào đó sẽ gây ra căng thẳng trong cung cầu năng lượng. Mà nếu chúng ta không đáp ứng được thì…

“Người ta hay nói trong nguy có cơ, nhưng tôi cứ ngược lại, mà riêng Việt Nam thì phải ngược lại, phải bàn trong cơ có nguy. Và một trong những cái nguy đó là năng lượng”, ông Thiên nhấn mạnh.

Ông Thiên cũng chia sẻ rằng một trong những cảm giác đeo đẳng ông trong nhiều năm qua là “cái khổ” của ngành năng lượng. “Hơi tí giá điện thay đổi là bị lên án. Ngành điện ra sức đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày một gia tăng nhưng giá điện tăng cái là sinh chuyện”.

“Thách thức về phía cầu đang lên. Quy hoạch của ta chỉ lo về việc sản xuất, nhưng nếu đặt ra tình huống cầu về điện tăng mà không đáp ứng được thì chuyện gì sẽ xảy ra, về công nghệ và về sự phát triển của công nghiệp?”, ông nói.

Một khía cạnh khác của việc dịch chuyển được ông Thiên chỉ ra là sự thay đổi trong cấu trúc kinh tế của Việt Nam. “Chúng ta đang cố gắng dịch chuyển từ hệ thống tiêu dùng năng lượng kiểu cũ sang đẳng cấp phát triển khác. Công nghiệp của ta phải khác, đô thị cũng phải khác. Đến giờ, tôi không hiểu ngành năng lượng đã tính được khi ta chuyển sang kinh tế công nghệ cao, kinh tế số thì nhu cầu năng lượng tăng lên như thế nào chưa”.

“Ngành điện phải tính được sự thay đổi của cung cầu do sự tác động của 2 xu hướng: dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang và cấu trúc kinh tế Việt Nam thay đổi”, ông Thiên nêu vấn đề.

Vị chuyên gia từng đứng đầu Viện Kinh tế Việt Nam cũng chỉ ra một nguy cơ khác là tính bất ổn của kinh tế thế giới hiện tại. Theo ông, việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới rồi lại bị chơi vơi, choáng váng bởi xung đột thương mại là một điều bất thường. Dòng tiền giờ đây cũng bất thường, nhất là khi thế giới đang chuyển sang thanh toán điện tử kéo theo sự dịch chuyển về vốn và đầu tư.

“Ở đây còn thêm bất thường về giá. Vậy cách tiếp cận về phát triển điện trong điều kiện thế giới bất thường là gì?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Đáng chú ý, ông Thiên nhắc tới mối lo ngại về việc các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm hàng loạt dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam trong thời gian qua.

“Những dự án điện gió, điện mặt trời của ta có quy mô rất lớn, thường nằm ở vùng biên giới hoặc vùng biển, tức là những vùng cực kì nhạy cảm về an ninh quốc gia. Nếu dự án này do nhà đầu tư Việt Nam hoặc đối tác nước ngoài tin cậy thì không sao, nhưng có phải đối tác nước ngoài nào cũng tin cậy đâu. Thị trường không phải là thứ đảm bảo cho sự tin cậy, đó là chưa kể các yếu tố ngoài thị trường.

“Cách tiếp cận của ta đối với các dự án có thể đúng quy trình, nhưng nếu có sơ suất, không tính đến điều kiện bảo đảm ngay từ đầu, ràng buộc ngay từ đầu thì nếu có gì xảy ra sẽ sinh chuyện. Bởi các dự án này không chỉ gắn với an ninh năng lượng mà còn dính đến an ninh quốc gia nên ta phải gắn chúng với các điều kiện khác”, ông Thiên phân tích.

Ông Thiên dẫn một câu chuyện mang tính điển hình ở Philippines để minh họa: “Bà nghị sĩ ở quốc hội Philippins nói cái điều khiển bật/tắt điện của Philippines giờ nằm ở Bắc Kinh, bởi Trung Quốc đã mua cổ phần chi phối công ty quản lý điện của nước này. Bà này đặt ra câu hỏi nếu có sự cố thì xử lý thế nào, chưa hẳn là ý đồ mà chỉ là một rủi ro thì phải làm sao”.

“Cho nên chuyện phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam cần phải rà soát lại để xem các dự án đáp ứng điều kiện an ninh như thế nào, chứ không là sẽ có những nhà đầu tư không đủ năng lực, làm chưa xong lại bán cho nước ngoài, mà thực chất đây là cách nước ngoài mượn đường, chứa đựng rủi ro rất lớn”, ông Thiên nói.

Tin mới lên