Ngân hàng

TS Vũ Đình Ánh: ‘Nếu tình trạng thừa tiền tiếp diễn, ngân hàng sẽ lỗ, nợ xấu sẽ tăng lên’

(VNF) - Về nghịch lý ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, phía ngân hàng sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề như lỗ và nợ xấu tăng lên.

TS Vũ Đình Ánh: ‘Nếu tình trạng thừa tiền tiếp diễn, ngân hàng sẽ lỗ, nợ xấu sẽ tăng lên’

TS Vũ Đình Ánh.

Doanh nghiệp thiếu điều kiện tiếp cận vốn tín dụng

Trong diễn biến mới nhất, sau khi Vietcombank đưa mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống thấp nhất thị trường còn 5,3%/năm, ngày 11/10, đồng loạt 3 ngân hàng còn lại trong nhóm "Big 4" hạ lãi suất về mức này.

Tuy nhiên, như đã phản ánh ở nhiều bài trước đó, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Bình luận về điều này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng có 4 nguyên nhân.

Một là do lãi suất. Vào tháng 9, tháng 10/2022, Việt Nam có hai lần tăng lãi suất điều hành, mỗi lần tăng 1% khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên mức rất cao, 10% - 12%/năm, thậm chí có một số hợp đồng tín dụng lên trên mức 12%/năm.

Hai là vấn đề tiêu thụ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 liên tiếp tăng trưởng âm, thậm chí âm trên 10%, trong khi xuất khẩu gần bằng 100% GDP. Điều này tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu và gián tiếp tới các doanh nghiệp liên quan, thông qua đó tác động tới nền kinh tế.

Ba là rất nhiều doanh nghiệp thiếu các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn, cho dù họ có thể chấp nhận mức lãi suất tương đối cao, ví dụ liên quan tới tài sản đảm bảo, tới các hợp đồng vay tín dụng mà phía tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi hay không hoặc liên quan đến các khoản nợ, lịch sử tín dụng của doanh nghiệp...

Cuối cùng là do nhu cầu vốn tín dụng hiện nay cơ bản nằm ở doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi thực tế chỉ chưa tới 50% các doanh nghiệp này trong suốt hàng chục năm vừa qua có thể tiếp cận tín dụng chính thức một cách dễ dàng.

Ông Ánh cho rằng nếu tình trạng như nêu trên vẫn tiếp diễn, phía ngân hàng sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề, khi nguồn vốn huy động vào lên tới hàng chục triệu tỷ đồng sẽ không thể giải ngân được.

“Cuối năm ngoái đầu năm nay, ngân hàng đã phải huy động tiền gửi với lãi suất rất cao nên nếu nguồn vốn đó không cho vay được thì phía ngân hàng sẽ phải chịu lỗ. 50% thu nhập của các ngân hàng vẫn dựa vào tín dụng, việc không thể giải ngân vốn vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đồng thời tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng cũng tăng lên.

"Vô hình trung cả chi phí trực tiếp, gián tiếp để xử lý nợ xấu như trích lập dự phòng rủi ro, hay hàng loạt các biện pháp khác sẽ làm cho các ngân hàng rơi vào vòng xoáy là muốn tăng tín dụng mà không tăng được, dẫn tới rủi ro cho hoạt động ngân hàng”, ông Ánh nhấn mạnh.

Tăng khả năng hấp thụ vốn bằng cách nào?

Để giải quyết nghịch lý ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng điều quan trọng nhất là tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh cho rằng tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết. Theo ông Ánh, muốn tăng khả năng hấp thụ vốn thì doanh nghiệp phải phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi được khả năng tiêu thụ. Đồng thời, ngân hàng cần xem xét các khoản nợ đến hạn nhưng chưa được thanh toán do những khó khăn; giảm bớt các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vay, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Khi đó không chỉ giải quyết bài toán về việc thừa - thiếu tiền trên thị trường, mà còn tái cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng theo hướng lành mạnh, bền vững, đáp ứng đúng nhu cầu doanh nghiệp", ông Ánh nói.

Về giải pháp cho các ngân hàng, ông Ánh nhấn mạnh cần rà soát lại các danh mục khách hàng kể cả khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng mà họ đánh giá là đáp ứng đủ các điều kiện, tuy nhiên vì vướng mắc một số quy trình, thủ tục để có thể giải ngân khoản vay. Tiếp đó là các vấn đề liên quan đến lịch sử tín dụng mà các ngân hàng có thể xử lý dựa trên cơ sở pháp luật.

Tin mới lên