Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Trong phiên đấu giá "Beyond Legends: Modern Art Evening Sale" tại Sotheby's Hong Kong diễn ra vào ngày 18/4, bức "Chân dung cô Phương" của danh họa Mai Trung Thứ được gõ búa với giá 24.375.000 HKD, tương đương hơn 3,1 triệu USD (hơn 72,3 tỷ VNĐ). Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay dành cho một tác phẩm của họa sĩ người Việt.
Tác phẩm được họa sỹ Mai Trung Thứ sáng tác năm 1930, khi ông đang là giáo viên dạy vẽ tại trường Lycée Francais de Hue (Trung học Pháp tại Huế). Bức chân dung sơn dầu khổ lớn (135,5cm x 80cm) vẽ một cô gái trong trang phục áo dài cổ điển, tóc vấn khăn, đi guốc cao, lối vẽ giản dị chân phương.
Bức tranh được Sotheby’s miêu tả là “một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Bức tranh lôi cuốn này thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Trung Thứ đối với người mẫu, một quý cô được đồn đại là người yêu của nghệ sĩ”.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, bức tranh có vẻ đẹp đặc biệt bởi nó mang một phong cách hoàn toàn khác so với các tác phẩm sau này của họa sĩ Mai Trung Thứ. Ở tác phẩm, cách vẽ của ông mộc mạc, tạo hình cũng “hàn lâm” hơn so với cách vẽ biến ảo sau này đã tạo nên tên tuổi ông.
Tác phẩm trưng bày lần đầu tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 và Triển lãm Quốc tế Thuộc địa tại Paris năm 1931. Sau đó, bà Dothi Dumonteil (người Pháp gốc Việt) và chồng Pierre Dumonteil, một nhà sưu tập nghệ thuật đã sở hữu tác phẩm, đưa tranh vào bộ sưu tập "Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection".
Cũng trong phiên đấu giá ngày 18/4, bức “View of a Famous Old Pagoda’s landscape in North Vietnam” (Phong cảnh chùa Thầy) của tác giả Phạm Hậu đạt mức giá một triệu USD. Tác phẩm sơn mài được vẽ trong những năm 1930, có kích thước 104 cm x 153cm, cũng thuộc bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil.
Tranh của họa sỹ Việt Nam có giá vượt ngưỡng 1 triệu đô xuất hiện lần đầu tiên ở phiên đấu giá “Modern and Contemporary Art” (Sotheby’s Hong Kong) ngày 2/4/2017. Đó là bức tranh “Family Life” (Đời sống gia đình) của danh họa Lê Phổ. Bức tranh có giá bán dự kiến chỉ từ 1.800.000 đến 2.400.000 HKD, kết quả bức này bán được 9.100.000 HKD (gần 1,2 triệu USD).
Họa sỹ Lê Phổ vẽ bức tranh này trong khoảng thời gian 1937-1939, chất liệu gồm mực và bột màu trộn keo trên vải bố, kích thước 82cm x 66cm.
Về bố cục và kỹ thuật tranh lụa, đây có lẽ là đỉnh cao không chỉ của Lê Phổ, mà còn của cả nền tranh lụa hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu. Bức tranh phối cảnh nhiều lớp hình, viễn cận đa đạng, chi tiết tinh tế.
Tác phẩm mô tả khoảnh khắc tình cảm của người mẹ và đứa con. Cả hai tạo thành một hình bầu dục hài hòa biểu thị bản chất tương hỗ của tình mẫu tử. Bảng màu mềm mại tươi sáng được sử dụng thể hiện nét thanh bình và dịu dàng. Lê Phổ đã truyền tải một bức tranh bình dị về cuộc sống và con người ở Việt Nam, trong đó hạnh phúc gia đình là nền tảng.
Tiếp đó, trong phiên đấu giá "20th Century & Contemporary Art" (Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại) tại Christie’s Hong Kong ngày 26/5/2019, bức “Nude” (Khỏa thân) của Lê Phổ đã được bán với giá 10.925.000 HKD, tương đương gần 1,4 triệu USD (hơn 32,3 tỷ đồng).
Tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu, được sáng tác năm 1931, có kích thước 90,5 x 180,5 cm. Tranh nằm trong bộ sưu tập nghệ thuật của Tuan H Pham, một người Mỹ gốc Việt.
Trong phiên đấu giá còn có nhiều bức tranh quý của các danh họa mỹ thuật Đông Dương và rất nhiều bức đều đạt được mức giá kỷ lục. Đặc biệt, bức “Les Désabusées” (Vỡ mộng) của họa sỹ Tô Ngọc Vân đã bán hơn 27 tỷ đồng, hơn 1,1 triệu USD, tăng gần 400% so với mức sàn. Đây là bước đột phá về giá bán công khai của danh họa này, đưa ông trở thành họa sĩ thứ hai của Việt Nam có giá tranh triệu USD.
Tác phẩm tranh lụa ra đời năm 1932, có kích thước 92,5 cm x 57cm, thuộc bộ sưu tập nghệ thuật của nhà sưu tập Tuan H Pham. Tranh từng trưng bày tại triển lãm "Arts du Vietnam: La fleur du pêcher et l’oiseau d’azur" tại Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Belgium) năm 2002.
Theo giới chuyên môn, hiện những bức tranh của các hoạ sỹ Việt Nam có giá triệu USD chủ yếu của các hoạ sỹ thời kỳ đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương như danh họa Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm….
Các tác giả là lứa đầu tiên bước ra từ cái nôi đào tạo họa sĩ của cả Đông Dương, được giới chuyên môn trong và ngoài nước tôn vinh. Những năm 1930, một số họa sỹ đã tổ chức triển lãm tại Pháp, gây tiếng vang lớn. Họ đại diện cho một thời kỳ lịch sử đầy biến động của Việt Nam cũng như thế giới, khiến tác phẩm của họ còn được xem như chứng nhân lịch sử.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn, qua thời gian, số lượng tranh của các họa sĩ Đông Dương ngày càng hiếm trên thị trường. Chúng đắt giá bởi yếu tố đào tạo của người Pháp, tính lịch sử, các tác phẩm chứa đựng câu chuyện thời cuộc. Quan trọng hơn là thị trường đấu giá thế giới như Sotheby, Christie... liên tiếp đẩy giá cao trong các phiên gần đây nên nhu cầu săn lùng tranh ngày càng tăng. Ông cũng cho rằng, những thương vụ đấu giá tranh triệu USD không chỉ xuất hiện trên thế giới mà trong tương lai sẽ có những tác phẩm triệu USD được gõ búa trong nước.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.