Diễn đàn VNF

Từ tiền hiện vật tới tiền mã hóa

(VNF) - Xuất phát điểm là phát minh dùng để trao đổi buôn bán, đến nay, tiền tệ đã được ứng dụng công nghệ số để thực hiện thêm nhiều mục đích khác.

Từ tiền hiện vật tới tiền mã hóa

Ảnh minh hoạ

Ngân hàng

Lịch sử phát triển của của tiền tệ và hoạt động ngân hàng gắn liền với lịch sử sản xuất hàng hóa. Khởi đầu, việc kinh doanh tiền tệ diễn ra do dân chúng tin tưởng để ký gửi tài sản và tiền bạc. Về sau, nó càng được đẩy mạnh hoạt động với những nghiệp vụ kinh doanh, như đổi tiền, nhận tiền gửi, bảo quản, cho vay và vận chuyển tiền.

Tiền tệ có tự cổ xưa cho đến tận bây giờ. Nên các hình thái biểu hiện của nó từ bây giờ ngược đến tận ngày xưa rất phong phú và đa dạng. Thời tiền sử, người ta đã từng biết đến việc các thổ dân ở các bờ biển vùng châu Á, châu Phi dùng vỏ sò, vỏ ốc để làm tiền. Ở một số nơi khác lại ưa dùng răng thú (một số quần đảo ở Thái Bình Dương), lông chim (đảo Polyneise), gạo (Philipines), lưỡi dao, vải lụa (Trung Quốc) để làm tiền.

Đầu tiên, dạng tiền tệ được mọi người chấp nhận thường là những hiện vật quen thuộc và hữu ích, được coi trọng. Chẳng hạn, người dân vùng Bắc nước Anh thời cổ đại thường dùng con lừa là vật trung gian trao đổi hàng hóa. Kim loại quý được ưa dùng làm tiền trong một thời gian dài và đến tận bây giờ vẫn được nhiều nơi áp dụng vì tính chất “được đảm bảo bằng vàng” của nó.

Từ buổi bình minh của lịch sử, khi phát minh ra tiền tệ và sử dụng chúng trong thực tiễn, loài người đã nhận ra vai trò và chức năng to lớn của nó trong đời sống xã hội, từ việc coi tiền là vật ngang giá chung để làm thước đo giá trị, phương tiện lưu thông, phương tiện dự trữ đến phương tiện thanh toán... Tiền tệ đã phát huy tác dụng to lớn đối với nền văn minh nhân loại, thông qua việc tạo ra những điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển, thúc đẩy nền sản xuất vật chất và tinh thần vươn tới những đỉnh cao mới.

Sự phát triển của tiền tệ đã hình thành nên các ngân hàng thương mại. Và các ngân hàng thương mại phát triển đỉnh cao, đến lượt mình, đã làm xuất hiện ngân hàng trung ương (central bank), để đến nay, ngân hàng trung ương được coi là một trong ba phát minh vĩ đại nhất của loài người, sau lửa và bánh xe.

Lịch sử tồn tại và phát triển của tiền tệ và ngân hàng, cùng với sự tiến bộ của nền văn minh tin học, đang gây ra những biến đổi dữ dội chưa từng thấy. Từ đồng tiền hiện vật qua đồng tiền chất dẻo sang đồng tiền điện tử (electronic money) cho đến những đồng tiền ảo - virtual money - và đến nay được gọi chung là đồng tiền mã hoá (cryptocurrency)... là một bước phát triển dài, vĩ đại trong lịch sử tiền tệ. “Tiền tệ vốn có thể sờ mó, nhìn thấy, bây giờ đã thay đổi thành giấy ghi chép mang tính tượng trưng, cuối cùng biến đổi ra những phù hiệu chớp sáng trên màn ảnh vi tính” (Alvin Toffler: Thăng trầm quyền lực).

Điều đáng kinh ngạc là đồng tiền điện tử lại mang lại một siêu quyền lực to lớn chưa từng thấy trong hoạt động kinh tế của loài người. Trong kỉ nguyên số hoá mà ta đang sống, tiền tệ của nền văn minh tin học là dựa trên cơ sở của thông tin và tri thức.

Bitcoin và đồng tiền mã hóa

Các nhà khảo cổ học khám phá ra rằng, một số bản viết tay cổ xưa nhất có nội dung nói về các giao dịch giá trị, được khắc vào đá hoặc các tấm đất sét và được chính phủ cầm quyền lưu trữ. Các giao dịch này không thể bị thay đổi một khi được lưu lại và mỗi khối bao gồm các giao dịch mới sẽ được thêm vào sau nhóm các khối hiện có.

Như vậy, Bitcoin hay đồng tiền mã hóa, với các nguyên tắc về cách thức hoạt động, rất giống với những gì mà văn tự cổ xưa ghi chép lại về các giao dịch. Mật mã học cũng là một nền tảng khác của Bitcoin: Các đoạn tin nhắn được mã hóa theo mật mã mà mỗi kí tự được thay thế bằng một kí tự cách nó một số các kí tự cụ thể. Như vậy, các nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho Bitcoin vẫn được giữ nguyên. Dữ liệu giao dịch trên các khối là không thể thay đổi, đã được mã hóa bằng cách ứng dụng mật mã học, vì thế chỉ có những người có quyền truy cập thì mới giải mã được.

Satoshi Nakamoto được coi là người sáng tạo ra Bitcoin. Người ta cho rằng, Nakamoto chỉ là một bút danh của một người hoặc một nhóm người, mà người này chưa bao giờ công khai thân phận của mình cho công chúng biết. Năm 2008, S.Nakamoto viết một bài báo trên internet có tiêu đề: “Bitcoin: Hệ thống tiền ảo ngang cấp” (Bitcoin: A peer - to - peer Electronic Cash System).

Bài báo đã tích hợp nhiều yếu tố của các nghiên cứu trước đây về tiền kĩ thuật số, các loại tiền tệ theo mô hình phi tập trung, các khoản thanh toán không thể theo dõi, bằng chứng xử lí và mật mã… để tạo thành một giải pháp khả thi về việc ra đời một đồng tiền mã hóa (kĩ thuật số). Block Chain đầu tiên tạo ra trong mã Bitcoin, được viết trong mã bằng hai từ riêng biệt là chuỗi (chain) và khối (block).

Nakamoto khai thác khối đầu tiên (khối nguyên thủy) có chứa thông điệp trên một tờ báo ở Anh: “Tờ Times, ngày 3/1/2009, Đại Pháp Quan đứng bên bờ vực phải viện trợ ngân hàng lần thứ hai” với hàm ý: Blockchain Bitcoin được khai thác vào ngày 3 tháng 1 hoặc sau đó. Đây được coi là tuyên bố về những thất bại của tiền tệ và thị trường tài chính hiện hành.

Tiếp theo đồng Bitcoin, hàng loạt các đồng tiền mã hóa nữa cũng lần lượt và liên tiếp xuất hiện. Tính đến nay, có đến khoảng hơn 26.000 đồng coin với các layer và cấp độ khác nhau, tạo nên một thị trường các loại đồng tiền kĩ thuật số đa dạng và hấp dẫn, được áp dụng giao dịch trong các lĩnh vực khác nhau, thực hiện các chức năng của tiền tệ trong đời sống xã hội, từ cất trữ tài sản đến thanh toán.

Như đã nêu trên, đồng tiền hiện đại của các nước trên thế giới, ngoài tiền hiện vật ra, nó chỉ là những con số điện tử trên máy tính của các ngân hàng, chính phủ và các tổ chức tài chính có chức năng cất trữ những hồ sơ chi tiết về nơi mà mỗi con số điện tử hoặc mỗi đơn vị tiền tệ được lưu giữ. Các đồng tiền mã hóa, trái lại không có một chính phủ hay ngân hàng trung ương nào theo dõi, giám sát các hồ sơ giao dịch.

Cấu trúc phi tập trung của nó đồng nghĩa với việc tất cả mọi người trên mạng lưới đều tham gia xác nhận rằng những hồ sơ và giao dịch là hoàn toàn chính xác. Chính vì vậy, ngay từ khi ra đời, Bitcoin và tiếp theo là các đồng tiền mã hóa đã tạo nên sự hấp dẫn vì lợi ích và tác dụng to lớn của nó với người dùng.

Trước hết, đồng tiền mã hóa loại bỏ các tổ chức trung gian trong giao dịch (như hệ thống ngân hàng hay các tổ chức tài chính). Sau nữa, nó thể hiện tính chất phi tập trung trong tổ chức và hoạt động, không chịu sự kiểm tra hay giám sát của bất kì chính phủ nào (không có bất kì một chính phủ hay cơ quan thanh tra giám sát nào chi phối hoạt động của nó). Về hiệu quả, nó có chi phí thấp (không có những khoản thanh toán quốc tế đắt đỏ như phí giao dịch của ngân hàng). Về thời gian, nó có tốc độ giao dịch rất nhanh (giao dịch gần như được thực hiện ngay lập tức).

Hơn nữa, tính minh bạch là một ưu thế hiển nhiên của đồng tiền mã hóa (giao dịch được thực hiện trên cùng một sổ cái chung, công khai và phi tập trung). Mặt khác, nó tạo lòng tin cho người dùng (các giao dịch không thể bị thay đổi hoặc bị hủy bỏ). Ngoài ra, tính bảo mật vốn là yêu cầu hàng đầu của một giao dịch được tuân thủ cao (mật mã hóa được sử dụng để bảo vệ tối đa thông tin về danh tính và các giao dịch của người sử dụng)….

Tuy nhiên, đồng tiền mã hóa cũng có những rủi ro và bất lợi, cần được khắc phục để hoàn thiện. Tính không thể đảo chiều giao dịch có thể có lúc gây ra khó khăn cho người sử dụng. Việc thiếu khả năng mở rộng mạng lưới (so với các gã khổng lồ trong thanh toán như Visa hay MasterCard) cũng ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng các giao dịch. Có một nghịch lí là tính bảo mật của đồng tiền mã hóa cao hơn lại cũng có thể dẫn đến độ an toàn thấp hơn (trường hợp người dùng bị quên hay mất mã khóa cá nhân)…

Ứng xử của ngân hàng và chính phủ các nước

Hiện có ba ngành kinh tế đang bị tiền mã hóa khuấy đảo (tài chính và ngân hàng, điện toán đám mây crypto và crypto trong trò chơi điện tử). Trong lĩnh vực tài chính nói chung, công nghệ Bitcoin không chỉ được ứng dụng rộng rãi trong chuyển giao tiền tệ, buôn bán cổ phiếu, thanh toán, mà còn nhiều thỏa thuận và hoạt động khác thuộc phạm vi nghiệp vụ cốt lõi của các cơ sở sở tài chính.

Những hoạt động nghiên cứu và ứng dụng nó đang được tiến hành tại hàng chục ngân hàng trung ương các nước. Các định chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, tổ chức Liên hợp quốc… cũng đang tích cực nghiên cứu và ứng dụng nó. Những tổ chức như NASDAQ, VISA, Citibank, Wells Fargo, JP Morgan, Capital One… đang đi đầu trong việc thiết lập sổ cái phân tán cho các giao dịch giữa các tổ chức tài chính.

Hiện nay, 15 trong số 50 ngân hàng đứng đầu thế giới đang làm việc với Ripple (mạng lưới thanh toán) để phát triển nền tảng Blockchain. Đồng thời, nó cũng trở nên phổ biến hơn với các tổ chức ngoài lĩnh vực tài chính như quản lí nhận dạng và nhận diện kĩ thuật số, bầu cử kĩ thuật số, lập hồ sơ y tế về chăm sóc sức khỏe, chứng nhận học thuật, âm nhạc, lưu trữ đám mây, dịch vụ thuê mướn xe hơi, quản lí tài sản, thuê mướn nhà ở, công nghiệp du lịch…

Trong khi đó, ý kiến của chính phủ các nước về sự phát triển và lớn mạnh của đồng coin ổn định rất đa dạng. Một số chính phủ khăng khăng cho rằng, nó chẳng qua chỉ là một trò lừa đảo tầm cỡ quốc tế hạng nặng, trong khi một số chính phủ khác, mà đứng đầu là Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, tiếp theo là các nước như Anh, Estonia, Thụy Sỹ, Đan mạch, Nauy, Georgia, Mexico, Singapore, Luxembourg… lại đang tìm cách đưa chúng vào nền kinh tế chung của quốc gia, xem coin ổn định như một loại tiền số hợp pháp sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của tài chính toàn cầu. Với một số nhà lập pháp Hoa Kỳ, việc khởi thảo những ý tưởng mới cho công nghệ lập pháp (Reg-Tech) đang phát triển một cách nhanh chóng…

Tương lai của đồng tiền mã hóa

Mặc dù Bitcoin và đồng tiền mã hóa hiện tại chưa phải là phương thức thanh toán phổ biến, nhưng nó đã cho thế giới thấy rằng, tiền tệ có thể tồn tại ngoài sự kiểm soát của chính phủ và ngân hàng, thể hiện vai trò và ảnh hưởng to lớn tiềm tàng của nó. Việc các đồng tiền mã hóa có thể tạo ra các giao dịch trong vòng vài phút đã cho phép mọi người khắp nơi trên thế giới sẽ trở thành một bộ phận đông đảo trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Cùng với Bitcoin, hàng ngàn các đồng tiền mã hóa khác - được gọi là Altcoin - là các loại tiền mã hóa thay thế đang được xây dựng dựa trên mã nguồn Bitcoin, sở hữu loại tiền tệ riêng, hoạt động độc lập với Bitcoin, đang làm cho chúng ngày càng được thừa nhận rộng rãi như là một đồng tiền quốc tế, nhất là ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Có vẻ như đây là điểm khởi tranh giữa một thực thể hữu hình (ngân hàng) với một thực thể tưởng chừng như là vô hình (đồng tiền mã hóa).

Bản thân các đồng tiền mã hóa cũng đang đua tranh mạnh mẽ về công nghệ và tiện ích để khẳng định vị thế vượt trội của mình trên thị trường tiền tệ mã hóa. Tiếp theo đồng Bitcoin là các đồng ETH, XRP, BNB, MKR, LINK, DOGE… Coinbase được coi là bàn tay vàng trong thế giới tiền mã hóa vì nó khiến người ta nhận ra rằng, tiền mã hóa không chỉ là một phương tiện trao đổi mà nó còn có giá trị đầu tư thực sự. Coinbase là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất và đáng tin cậy nhất.

Việc thành lập Coinbase đã là một sự kiện mang tính cột mốc đột phá trong lịch sử ngành tiền mã hóa vì nó là nhà trung gian đầu tiên mà công chúng có thể tiếp cận được. Hiện nay nó cung cấp hơn 21 sản phẩm và vận hành trên 100 quốc gia khác nhau. Có tới hơn 68 triệu người dùng đã xác minh hoạt động trên sàn này, một con số khá lớn so với Wells Fago có 70 triệu khách hàng và với Bank of America có 66 triệu khách hàng.

Tương lai của các đồng tiền mã hóa nói chung vẫn còn là câu chuyện của thời gian. Việc nó có được đông đảo công chúng đón nhận và tin dùng hay không sẽ phụ thuộc vào thái độ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với nó.

Tin mới lên