Tài chính

Tường An ‘tấn công’ mảng thực phẩm đóng gói, tăng gấp rưỡi điểm bán trong năm 2018

(VNF) – Năm 2018, Dầu thực vật Tường An đặt kế hoạch lãi trước thuế 250 tỷ đồng, tăng 51% so với 2017. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Tường An dự định thâm nhập mảng thực phẩm đóng gói và tăng 50% điểm bán hàng trong năm nay.

Tường An ‘tấn công’ mảng thực phẩm đóng gói, tăng gấp rưỡi điểm bán trong năm 2018

Tường An đang nắm giữ khoảng 20% thị phần dầu ăn

Sáng 16/4, công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An (HoSE-TAC) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018.

Tại đại hội, Hội đồng quản trị đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.100 tỷ đồng, tăng trưởng 18% và lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2017.

TAC sẽ tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện các hạng mục đầu tư tại nhà máy Dầu Vinh và bổ sung thêm một số thiết bị cho nhà máy Dầu Phú Mỹ.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về cơ sở để đưa ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 51%, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch HĐQT TAC cho biết Tường An dự định thâm nhập vào mảng thực phẩm đóng gói, lựa chọn những sản phẩm không trùng với những công ty hàng đầu, liên kết với các đối tác có thương hiệu mạnh.

Bà Hạnh nhận định giá trị thị trường mảng này khoảng 250.000 tỷ đồng, trong đó dầu ăn, nước uống, nước sốt, mì đường khoảng 175.900 tỷ đồng.

Tường An cũng ưu tiên mở rộng kênh phân phối và mức độ tiếp cận, tập trung vào phân khúc dầu ăn cao cấp.

Cụ thể, TAC sẽ tăng độ phủ thị trường, dự kiến gia tăng 50% điểm bán.

Bà Hạnh cho biết: "Năm 2017, tăng trưởng sản phẩm ở phía Bắc tốt, đây là nền tảng để gia tăng doanh thu lợi nhuận nhờ gia tăng điểm bán".

Năm ngoái, TAC ghi nhận doanh thu thuần 4.338 tỷ đồng, tăng 9% so với 2016 và xấp xỉ kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 166 tỷ đồng, tăng trưởng 98%. Tỷ suất lợi nhuận được cải thiện đáng kể, tăng từ 2,1% lên 3,8%.

Trình bày tại đại hội, bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết tỷ lệ tiêu thụ dầu ăn dự báo tăng 8,7%/năm giai đoạn 2015 - 2020. Khoảng 70% thị phần sản phẩm có thương hiệu được người dùng ưa chuộng. Mức tiêu thụ dầu ăn của người dân Việt Nam còn thấp chính là cơ hội của Tường An trong thời gian tới.

Ở thời điểm hiện tại, Tường An đang nắm giữ khoảng 20% thị phần dầu ăn, giữ ổn định từ khi gia nhập Kido (HoSE-KDC) từ năm 2016.

Trước những băn khoăn của cổ đông về lợi ích của Tường An khi gia nhập KDC, bà Nguyễn Thị Hạnh nói: "KDC có nguồn lực về tài chính, hệ thống kênh phân phối 45.000 điểm bán. Ngoài ra, KDC còn có hệ thống vùng nguyên liệu, sở hữu trên 51% Vocarimex. Chính vì vậy TAC có thể mua nguyên liệu đầu vào giá tốt, tác động tới sự tăng trưởng lợi nhuận".

Trong năm 2018, TAC cũng sẽ tìm kiếm một số thị trường nước ngoài không có lợi thế cạnh tranh bằng Việt Nam để đưa sản phẩm thâm nhập.

Tin mới lên