Ngân hàng

Tỷ giá USD/VND 'nổi sóng': Nỗi lo lớn mỗi dịp cuối năm

(VNF) - Tỷ giá USD/VND đột ngột tăng mạnh trong những ngày gần đây sau hơn nửa năm ổn định dấy lên nhiều lo ngại.

Tỷ giá USD/VND 'nổi sóng': Nỗi lo lớn mỗi dịp cuối năm

Tỷ giá USD/VND "nổi sóng"

Sau nửa năm tương đối "yên ả", từ đầu tháng 8, thị trường chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của tỷ giá USD/VND.

Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giao dịch ở mức 23.761 đồng/USD tại ngày 3/8 sau đó lập đỉnh ngày 17/8, giao dịch ở mức 23.951 đồng/USD rồi giảm nhẹ về mức 23.886 đồng/USD trong ngày 22/8. Điều đó phần nào cũng phản ánh những áp lực của tỷ giá trong những ngày vừa qua.

Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh mẽ. Sau khi tăng vượt xa mức 24.000 đồng vào ngày 17/8 nhưng 2 ngày sau đó, giá USD ở các ngân hàng thương mại có dấu hiệu suy yếu khi đánh mất mức giá này. Đến ngày 22/8, giá USD ngân hàng lại bật tăng. Tỷ giá USD/VND ở nhiều ngân hàng tại ngày 22/8 giao dịch quanh vùng giá 23.700-24.070 đồng (mua vào - bán ra). Đây là mức tăng là cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.

Trong khi đó, sau nhiều ngày ổn định và dao động quanh vùng giá thấp, giá USD trên thị trường tự do ngày 17/8 cũng tăng mạnh, vượt 24.000 đồng/USD. Hiện giá USD tự do vẫn duy trì mức trên 24.000 đồng/USD.

Giá USD trong nước tăng mạnh theo diễn biến của giá USD thế giới.  Trong 2 tuần gần đây, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh của USD so với một rổ gồm 6 loại tiền tệ) cách đây vài tháng loanh quanh ở mốc 98-99 điểm. Nhưng từ đầu tháng 8 đến nay, DXY đã vọt lên trên 103 điểm. Đà tăng của USD cùng với những diễn biến tỷ giá trong nước đã đẩy tỷ giá tăng cao.

Theo các chuyên gia, tỷ giá bật tăng ngoài nguyên nhân USD tăng giá, nguyên nhân sâu xa còn đến từ nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Tỷ giá tăng mạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp, do phải bù thêm chênh lệch tỷ giá trong thanh toán cho đối tác nước ngoài.

Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng, tỷ giá tăng cao sẽ gây bất lợi cho nhập khẩu nhưng nếu thấp quá thì không có lợi cho xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam cần ưu tiên nhiều hơn cho xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, đồng VND mất giá khá thấp so với nhiều đồng tiền khác.

Ước tính, từ đầu năm đến nay, mức tăng của đồng USD so với VND khoảng 1,6%. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn khá nhiều mức tăng của đồng USD so với các đồng tiền của nhiều nước khác như Nhật Bản hay Trung Quốc.

Các đồng tiền khác trong khu vực có xu hướng mất giá khá mạnh so với USD trong hai tuần gần đây. So với đầu năm, đa phần các đồng tiền trong khu vực mất giá so với USD ở mức từ 3-5%. 
 

Kịch bản nào cho tỷ giá những tháng cuối năm?

Dù đã qua 2 tuần "nổi sóng" nhưng giá USD cơ bản vẫn không có biến động lớn. Tỷ giá trung tâm  mới chỉ tăng 1,4% so với đầu năm.

Giới phân tích nhận định, đà tăng mạnh của đồng USD gần đây chỉ là ngắn hạn do yếu tố tâm lý, mùa vụ, sẽ không kéo dài đến cuối năm. Giới chuyên gia nhận định, vấn đề tỷ giá bật tăng trong vài ngày gần đây không đáng lo ngại nhưng cần theo dõi kỹ từ nay đến cuối năm. Khi không đủ dư địa về dự trữ ngoại hối có thể phải dùng đến công cụ lãi suất để kiểm soát tỷ giá, nguy cơ tăng lãi suất có thể xảy ra.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài Chính, cảnh báo cần hết sức cẩn trọng vì bối cảnh năm nay khá giống với năm ngoái.

Ông Ánh cho biết, tỷ giá tăng cao như hiện nay khá giống với giai đoạn tháng 8-9 năm ngoái, khi đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải sử dụng khoảng 25 tỷ USD/100 tỷ USD để duy trì tỷ giá. Tỷ giá đột ngột tăng cao cũng là lý do cơ bản khiến NHNN phải điều chỉnh tăng lãi suất hai lần liên tiếp mỗi lần 1% vào tháng 9 và tháng 10 năm 2022 để ổn định mặt bằng tỷ giá.

Để đảm bảo dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc ổn định lãi suất hoặc ổn định tỷ giá. NHNN không thể cùng một lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ. Đây đang là lựa chọn khó khăn nhất của chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta, đánh giá: tỷ giá sẽ chịu áp lực tăng trong ngắn hạn, giá USD sắp tới có thể vượt lên 25.000 đồng. Nguyên nhân do mối lo ngại lạm phát tăng đang quay trở lại trong bối cảnh giá dầu, giá nông sản, giá phân bón,… tăng. Hơn nữa, Fed đang có nhiều lý do hơn nữa để tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 sắp tới. Tâm lý nhà đầu tư đang phản ứng tích cực vào USD.

Ông Minh cũng bày tỏ lo ngại về dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện còn khoảng 88 tỷ USD, thấp so với mức đỉnh 110 tỷ USD. "Khi không đủ dự trữ ngoại hối, Việt Nam sẽ không có công cụ để kiểm soát tỷ giá, khi đó phải dùng đến công cụ lãi suất, nguy cơ tăng lãi suất có thể xảy ra", ông Minh cho biết.

Theo VNDirect, các yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023 còn rất hiện hữu, gồm: chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.

VNDirect cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023. Song tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá 2% so với đầu năm 2023.

Đánh giá tỷ giá không quá quan ngại nên TS. Lê Xuân Nghĩa vẫn giữ quan điểm rằng không có lý do gì để Việt Nam đảo chiều chính sách tiền tệ trong lúc này.

Còn chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tỷ giá tăng chỉ là hiện tượng nhất thời, NHNN sẽ điều hành tỷ giá sớm ổn định trở lại.

Có góc nhìn thận trọng hơn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định diễn biến đồng USD tăng giá trong nửa đầu tháng 8 là điều đáng lưu tâm. Nếu lãi suất đồng USD tăng cao và Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất sẽ tạo kỳ vọng giảm giá VND. Khi đó, cần quan sát và có giải pháp ứng phó kịp thời để hạn chế tác động với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và rủi ro dòng vốn đảo chiều.

Tin mới lên