Thị trường

Tỷ lệ hút thuốc giảm đáng kể, vẫn cao thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á

(VNF) - Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng trên chặng đường giảm thiểu tác hại của việc hút thuốc, biểu hiện ở việc tỷ lệ hút thuốc lá giảm đáng kể. Bên cạnh đó, cũng có những vấn đề tồn đọng đòi hỏi phải có biện pháp xử lý và quản lý triệt để hơn.

Tỷ lệ hút thuốc giảm đáng kể, vẫn cao thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á

Ngày 12/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tỷ lệ người hút thuốc giảm

Theo báo cáo tóm tắt hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam giai đoạn 2013-2023 của Bộ Y tế, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá từ 15 tuổi trở lên tại Việt Nam năm 2023 là 20,2%, giảm 3,6% so với năm 2010, tức thời điểm chưa có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Cùng ở độ tuổi từ 15 trở lên, tỷ lệ nam giới hút thuốc từ gần 50% (2010) đã giảm xuống 38,9% (2023), trong khi tỷ lệ nữ giới hút thuốc lại tăng từ mức 1,4% (2010) lên 1,5% (2023).

Mặc dù tỷ lệ người sử dụng thuốc lá nhìn chung giảm, nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam vẫn cao thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Lào, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới trưởng thành cao thứ 4 trong khu vực.

Với nhóm tuổi từ 13-15, tỷ lệ sử dụng thuốc lá đã giảm từ mức 4% (2014) xuống còn 2,9% (2022). Tỷ lệ hút thuốc trong nhóm học sinh nam giảm từ gần 7% (2014) xuống 4% (2022) sau khi thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Trái lại, tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá lại tăng 0,4% trong giai đoạn 2014-2022.

Tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử tăng đáng ngại

Dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy, trong giai đoạn 5 năm từ 2015-2020, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) từ 15 tuổi trở lên đã tăng từ 0,2% lên 3,6%, trong đó tỷ lệ nam sử dụng TLĐT tăng từ 0,4% lên 5,6%, nữ sử dụng TLĐT tăng từ 0,1% lên 1%.

Tỷ lệ sử dụng TLĐT trong học sinh từ 13-15 tuổi năm 2022 là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4.3% và 2,8%. 

Tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng rất nhanh ở nhóm 15-24 tuổi (từ 0,1% năm 2015 lên 7,3% năm 2020), sau đó đến nhóm 25-44 tuổi (từ 0,3% năm 2015 lên 3,2% năm 2020). Như vậy, tương tự các nước khác, thị trường thuốc lá điện tử đang nhắm đến thế hệ trẻ hơn.

Giá thuốc lá thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á

Trong các buổi thảo luận liên quan tới công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, nhiều chuyên gia cho rằng việc đánh thuế thuốc lá thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện nay ở Việt Nam chưa đủ mạnh, giá thuốc tăng chưa đủ nhiều, do đó chưa thể thay đổi hành vi mua và sử dụng thuốc lá, TLĐT.

Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam đã tăng từ mức 55% (206-2007) lên 75% (1/2019).

Tuy nhiên, căn cứ tính thuế TTĐB đối với thuốc lá trong nước là giá xuất xưởng (mức giá rất rẻ), và giá thuế GTGT là 10% trên giá bán lẻ đã không thay đổi từ năm 1995, dẫn tới việc giá thuốc lá tăng chưa đủ mạnh.

Quy đổi về thuế tính theo giá bán lẻ, mức thuế suất đang áp dụng tại Việt Nam là 38,8% trên giá bán lẻ, thấp thứ 3 trong khu vực các nước ASEAN, chỉ cao hơn Lào và Campuchia. Mức thuế này cũng đang thấp hơn rất nhiều so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Khi hiệu chỉnh giá thuốc lá theo giá thị trường năm 2020, thậm chí, giá 1 bao thuốc lá đang có xu hướng giảm, từ mức 15.100 đồng năm 2010 xuống còn 14.700 đồng năm 2020. Việc tăng giá thuốc không theo kịp tăng thu nhập bình quân đầu người cũng là một nguyên nhân khiến giá thuốc lá ngày càng rẻ và dễ tiếp cận tại Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, giá thuốc lá Việt Nam hiện thấp nhất so với các quốc gia Đông Nam Á.

Chia sẻ tại sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), ThS. Đào Thế Sơn, Đại học Thương Mại đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng đều mỗi năm, áp dụng thuế tỷ lệ trên giá bán lẻ ở mức tương đương, hoặc vừa tăng thuế tỷ lệ vừa bổ sung thuế tuyệt đối ở mức tương đương.

Cũng dựa trên các kết quả Phòng chống tác hại thuốc lá sau 10 năm thực hiện Luật, trong hội nghị tổng kết ngày 12/12, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu các Bộ, Ngành liên quan rà soát lại những biện pháp đã làm, đề xuất những biện pháp kiểm soát mới, bổ sung đề xuất điều chỉnh Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt với loại hình thuốc lá mới để sớm trình Quốc hội sửa đổi.

Phát biểu tại cùng sự kiện, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, bà Đỗ Thị Lan nhấn mạnh sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới và việc quản lý các loại hình thuốc lá mới.

Xem thêm >> Tỷ lệ người trẻ dùng thuốc lá điện tử tăng và 3 thách thức lớn

Tin mới lên