Tỷ phú 'vạ miệng': Người hủy hoại đế chế tỷ USD, kẻ tự tay ném tiền qua cửa sổ

Mai Lý - 12/07/2023 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Giới truyền thông vẫn hay nhắc đến cụm từ “hành động Ratner” hay “hiệu ứng Ratner” để ám chỉ việc “vạ miệng”, phát ngôn thiếu kiểm soát gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân và doanh nghiệp của mình. Chỉ vì những câu nói tưởng chừng “vô thưởng vô phạt”, nhiều tỷ phú đã tự tay ném hàng tỷ USD qua cửa sổ.

VNF

Jack Ma và lần vạ miệng “kéo lùi” Ant Group cùng Alibaba

Bloomberg đưa tin tổng tài sản của tỷ phú Jack Ma đang tiếp tục giảm sau khi tập đoàn Ant Group của ông bị chính quyền Trung Quốc tuyên phạt gần 1 tỷ USD.

Ở thời điểm hiện tại, tài sản của Jack Ma chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với thời đỉnh cao. Ông đang nắm giữ 9,9% cổ phần của Ant Group nhưng giá trị của số cổ phần hiện đã giảm tới hơn 4,1 tỷ USD so với gần một năm trước. Chưa kể, định giá của tập đoàn này cũng giảm từ 315 tỷ USD kể từ lúc chuẩn bị IPO vào năm 2020 xuống còn 78,5 tỷ USD trong đề xuất mua lại cổ phiếu mới đây.

Tập đoàn Alibaba cũng không khá khẩm hơn. Giá trị thị trường của Alibaba đạt mức 234 tỷ USD vào cuối tuần trước, giảm khoảng 620 tỷ USD so với giá trị cao nhất mà tập đoàn này từng đạt được vào năm 2020. Ngoài ra, Alibaba cũng chịu khoản tiền phạt lên tới 2,8 tỷ USD vào năm 2021. Theo CNN, tổng mức vốn hóa thị trường của cả Ant Group và Alibaba đã giảm 877 tỷ USD kể từ mức đỉnh trong cuối tháng 10/2020.

“Cú ngã ngựa” của Jack Ma được cho là hậu quả tất yếu của lần vạ miệng liên quan đến chính quyền Trung Quốc. Vào tháng 10/2020, tại Hội nghị Thượng đỉnh Bến Thượng Hải, Jack Ma đã thẳng thắn chỉ trích phương thức hoạt động của các nhà hoạch định chính sách tài chính của Trung Quốc không đủ đổi mới và không phù hợp với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.

Vị tỷ phú này cho rằng “Trung Quốc không có rủi ro hệ thống tài chính vì đơn giản là chẳng có hệ thống tài chính nào cả”. Chưa kể, ông còn ví các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc chẳng khác gì các tiệm cầm đồ và không giúp đỡ được gì cho những công ty đang “đói vốn”. Chính phát ngôn “ngông cuồng” này đã khiến nhà sáng lập Alibaba bị các cơ quan chức năng mời đến Bắc Kinh gặp mặt và phải hứng chịu những hệ lụy “đau đớn” kể trên.

Elon Musk – tỷ phú “vạ miệng” nhiều nhất từ trước đến nay

Không chỉ Alibaba, Elon Musk cũng phải trả giá hàng tỷ USD chỉ vì những phát ngôn tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” của mình. Ngày 1/5/2020, Elon Musk đã đăng dòng tweet “Cổ phiếu của Tesla đang quá cao”. Ngay sau đó, cổ phiếu của Tesla đã giảm mạnh khoảng 10%, kết phiên với giá 701,32 USD/cổ phiếu. Điều này cũng “thổi bay” 13 tỷ USD giá trị thị trường của hãng xe điện Mỹ và 3 tỷ USD giá trị cổ phần của chính Elon Musk tại công ty này.

Đây không phải là lần “vạ miệng mất tiền” duy nhất của Elon Musk. Vào tháng 11/2021, vị tỷ phú này đã tạo một cuộc bình chọn trên trang cá nhân Twitter để thăm dò ý kiến “liệu ông có nên bán đi 10% cổ phiếu đang nắm giữ tại Tesla để nộp thuế hay không”. Ông cũng cam kết sẽ thực hiện theo đúng kết quả bình chọn của cư dân mạng.

Cuộc thăm dò ý kiến của Elon Musk đã thu hút được hơn 3,5 triệu người dùng Twitter với 57,9% người chọn “Có”. Ít ai ngờ rằng cuộc thăm dò này đã ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị cổ phiếu của hãng xe điện. Giá cổ phiếu của Tesla đã sụt giảm 17% khiến khối tài sản của Elon Musk “bay mất” 50 tỷ USD chỉ sau 2 ngày.

Không chỉ bị ảnh hưởng kinh tế, Elon Musk còn bị “cấm phát ngôn” sau những lần vạ miệng trên mạng xã hội Twitter. Vào năm 2018, Elon Musk đăng tải dòng tweet thông báo sẽ chuyển Tesla thành công ty tư nhân bằng cách mua lại cổ phiếu. Phát ngôn này không chỉ làm biến động giá cổ phiếu của công ty mà còn khiến Elon Musk và hãng Tesla bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phạt 20 triệu USD mỗi bên do làm ảnh hưởng đến thị trường. Ngoài ra, Elon Musk cũng bị cấm đưa ra những phát ngôn tương tự và nếu có thì phải được hội đồng công ty duyệt qua.

Gerald Ratner – tự tay hủy hoại doanh nghiệp tỷ USD chỉ vì câu nói đùa

Gerald Ratners là CEO của hãng Ratners – một đế chế kinh doanh trang sức bình dân tại Anh. Sau khi được thừa kế lại công ty gia đình vào năm 1984, Gerald Ratners đã giúp mở rộng chuỗi cửa hàng của Ratners từ 150 cửa hàng lên hơn 2.000 cửa hàng chỉ trong vòng 6 năm. Ratners khi đó chiếm tới 50% thị phần đồ trang sức của Anh. Vào thời gian này, Gerald Ratners được tôn vinh như người hùng, vị cứu tinh của Ratners vì đã giúp tập đoàn phát triển thần tốc.

Thế nhưng chỉ vì một câu nói, Gerald Ratners đã tự mình đạp đổ đi thành quả dày công gây dựng. Trong buổi trò chuyện tại Hiệp hội giám đốc Mỹ vào năm 1991, Gerald Ratners chia sẻ: “Mọi người thường hỏi tại sao chúng tôi có thể bán rẻ tới vậy. Đơn giản thôi, bởi vì tất cả sản phẩm đều là đồ đểu. Thậm chí giá thành của chúng còn rẻ hơn cả một chiếc bánh sandwich. Và dĩ nhiên, chúng không thể bền được”.

Mặc dù ngay sau đó Gerald Ratners có nói rằng đây chỉ là những lời nói đùa thế nhưng nó đã gây ra hậu quả khủng khiếp. Chỉ sau một đêm, giá trị thị trường của Ratners đã bốc hơi 800 triệu USD. Thương hiệu trang sức bình dân bị nhiều người tiêu dùng quay lưng, hàng trăm cửa hàng của Ratners bị đóng cửa. Vào tháng 11/1992, Gerald Ratners từ chức. Đến năm 2002, Ratners đổi tên thành Signet Group để tự cứu lấy mình.

Cùng chuyên mục
Tin khác