Nhiều tiền như Prudential Việt Nam: Lãi hơn 3.600 tỷ, đầu tư hơn 15.000 tỷ vào TPDN

Minh Đức - 10/07/2023 23:07 (GMT+7)

(VNF) - Qua thanh tra tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Bộ Tài chính đề nghị tổng giám đốc công ty hạch toán giảm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 số tiền hơn 740 tỷ đồng.

VNF
Prudential Việt Nam: Lãi 3.636 tỷ đồng, tăng 669% so với năm 2021, bị thanh tra vạch loạt sai phạm

Kiến nghị xử lý 740 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa ban hành kết luận thanh tra về việc thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nội dung liên quan tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam.

Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện có 39 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm. Cụ thể: có 4 đại lý bảo hiểm cá nhân, 13 nhân viên ngân hàng chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục, các bước thực hiện bán sản phẩm bảo hiểm do công ty quy định; có 3 đại lý bảo hiểm cá nhân, 3 nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về quản lý thu phí bảo hiểm của công ty. 

Tiếp đó, có 3 đại lý bảo hiểm cá nhân, 3 nhân viên ngân hàng chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng theo quy định; có 10 nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm của công ty.

Bộ Tài chính phát hiện Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam áp dụng các yếu tố tính phí bảo hiểm không chính xác theo cơ sở kỹ thuật và biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn, dẫn đến tính toán không chính xác về số tiền phí bảo hiểm của 112.209 hợp đồng bảo hiểm thuộc sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tử kỳ với số tiền giảm dần (Bảo Tín Hưng Gia), khai thác qua Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam trong năm 2021. Ngoài ra, công ty còn thực hiện khuyến mại bằng tiền cho khách hàng chưa đúng quy định.

Bộ Tài chính còn phát hiện Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế với tổng số tiền hơn 740 tỷ đồng.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị TGĐ Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam xử lý tài chính đối với kỳ kế toán năm 2021. Cụ thể, hạch toán giảm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 số tiền hơn 740 tỷ đồng.

Đồng thời, chấn chỉnh công tác quản lý đại lý bảo hiểm, bảo đảm đại lý bảo hiểm thực hiện đúng các quy định pháp luật, quy định của công ty. Trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh của khách hàng tham gia bảo hiểm, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Prudential Việt Nam làm ăn thế nào?

Theo báo cáo tài chính riêng cho năm kết thúc ngày 31/12/2022 của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (gọi tắt Prudential Việt Nam), doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 30.557 tỷ đồng, tăng 2.282 tỷ đồng, tương đương tăng 8% so với 28.275 tỷ đồng của năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính của Prudential Việt Nam trong năm 2022 bất ngờ giảm mạnh từ 10.853 tỷ đồng (năm 2021) xuống còn 4.025 tỷ đồng (năm 2022), tương đương mức giảm tới 63%.

Đáng chú ý, trong năm 2022, chi phí hoạt động tài chính của công ty tăng 52 tỷ đồng, tương đương mức tăng 12%. Chi phí bán hàng tăng thêm 1.247 tỷ đồng, tương đương tăng 27% so với năm 2021. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty năm 2022 cũng tăng thêm 384 tỷ đồng, từ 2.217 tỷ đồng lên 2.602 tỷ đồng, tăng 17%.

Mặc dù các doanh thu tài chính giảm mạnh, chi phí hoạt động tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều đồng loạt tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty lại tăng mạnh. Cụ thể, năm 2022, Prudential Việt Nam lãi 3.636 tỷ đồng, tăng gần 669% so với con số 472 tỷ đồng của năm 2021.

Nguyên nhân chủ yếu là do tổng chi phí bồi thường và trả bảo hiểm năm 2022 của Prudential Việt Nam giảm rất mạnh, từ 28.333 tỷ đồng năm 2021 xuống 17.720 tỷ đồng, tương đương giảm lên đến trên 10.600 tỷ đồng, tức giảm 37%.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Prudential Việt Nam là 161.750 tỷ đồng, tăng 13.598 tỷ đồng, tương đương mức tăng 9,17% so với cùng kỳ năm 2021 là 148.151 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Prudential Việt Nam đến ngày 31/12/2022 là 161.750 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 6.755 tỷ đồng, bao gồm: 2,2 tỷ đồng tiền mặt; 3.599 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng; 260,5 tỷ đồng tiền đang chuyển; 2.892 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng với thời gian đáo hạn gốc không quá 3 tháng.

Bên cạnh đó, Prudential Việt Nam còn có 31.984 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, bao gồm: 11.547 tỷ đồng các khoản đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị (cụ thể là chứng khoán niêm yết và chứng khoán đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM), 14.648 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 1 năm, 5.788 tỷ đồng tiền tạm ứng cho chủ hợp đồng bảo hiểm từ giá trị hoàn lại.

Các khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam 

Ngoài ra, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam còn 108.924 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính dài hạn, gồm: 25 tỷ đồng đầu tư vào Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring Investments (công ty con); các khoản đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị, trong đó có 283,3 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, hơn 58 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, 62,2 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, hơn 123 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng dài hạn…

Tiếp đến là các khoản đầu tư từ quỹ khác liên kết đơn vị gồm có: 56.176 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ; 5.774 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; 891 tỷ đồng trái phiếu đô thị; 15.374 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp; và 30.155 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng có kỳ hạn gôcs nhiều hơn 1 năm.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của công ty năm 2022 là 14.380 tỷ đồng, tăng 9.961 tỷ đồng, tương đương mức tăng 7,5% so với con số 132.418 tỷ đồng của năm 2021.

Cơ cấu nợ của Prudential Việt Nam chủ yếu nằm ở nợ dài hạn với 13.807 tỷ đồng (chiếm 91,8%). So với cùng kỳ năm 2021, nợ dài hạn tăng thêm 8.570 tỷ đồng, tương đương mức tăng 7%.

Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Prudential Việt Nam là 19.370 tỷ đồng, trong khi năm 2021 là 15.733 tỷ đồng.

Mức độ dồi dào về tiền của Prudential Việt Nam còn được thể hiện ở dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh với mức dương (+) 10.845 tỷ đồng trong năm 2022. Năm 2021, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Prudential Việt Nam cũng rất "khỏe", với dòng tiền thuần ghi nhận ở mức dương (+) 8.250 tỷ đồng.

Xem thêm: Bảo hiểm nhân thọ qua cơn biến động, AIA đang làm ăn thế nào?

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.