Ukraine lại bị tấn công mạng, ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc

Quỳnh Anh - 24/02/2022 11:32 (GMT+7)

(VNF) - Giữa cuộc căng thẳng leo thang với Nga, một số trang web chính phủ Ukraine lại tiếp tục bị tấn công mạng. Quốc gia này mới đây cũng đã ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia trước các động thái mới của Nga.

VNF
Ukraine liên tục bị tấn công mạng trong những tuần gần đây khiến mọi sự nghi ngờ đổ dồn về phía Nga.

Ngày 23/2, ông Mykhailo Fedorov, người đứng đầu Bộ chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, cho biết một số trang web của chính phủ Ukraine và ngân hàng đã gặp sự cố không thể truy cập được do hậu quả của một cuộc tấn công mạng từ chối dịch vụ (DDoS).

Cuộc tấn công bắt đầu vào khoảng 16h cùng ngày (theo giờ địa phương), ông Fedorov cho biết. Tuy nhiên, vị quan chức không tiết lộ danh tính các ngân hàng bị tấn công và không cho biết mức độ thiệt hại.

Các trang web chính phủ bị ảnh hưởng bao gồm Bộ Ngoại giao Ukraine, Nội các Bộ trưởng và Rada – trang web quốc hội.

Chính phủ Ukraine chưa xác định được nguồn gốc cuộc tấn công, tuy nhiên có ám chỉ Nga đứng sau các cuộc tấn công khi cho biết việc Nga tiếp tục bố trí quân đội quanh Ukraine đã gây ra sự cố mất điện.

Không chỉ vậy, cũng trong cùng ngày 23/2, một phần mềm phá hoại mới được phát hiện được đang lưu hành ở Ukraine đã tấn công hàng trăm máy tính, theo các nhà nghiên cứu của công ty an ninh mạng ESET, một phần nguyên nhân mà các quan chức Ukraine cho là làn sóng tấn công ngày càng gia tăng nhằm vào nước này.

Trước cuộc tấn công mới nhất, Ukraine đã báo cáo một cuộc tấn công mạng vào tuần trước đã đánh sập 4 trang web của chính phủ.

Cùng thời điểm đó, Cảnh sát mạng Ukraine cho biết nhiều người dân đã nhận được tin nhắn văn bản nói rằng các máy ATM ở nước này không hoạt động, mặc dù không rõ liệu có máy ATM nào thực sự bị ảnh hưởng hay không, theo NBC News.

Nhà Trắng cho rằng vụ tấn công trước đó là do các đặc vụ Nga, mặc dù Nga đã phủ nhận trách nhiệm.

Quan chức Nhà Trắng nói với NBC News: “Chúng tôi coi những sự cố này là phù hợp với loại hoạt động mà Nga sẽ thực hiện nhằm gây bất ổn cho Ukraine. Chúng tôi đang liên lạc với Ukraine về các nhu cầu liên quan đến không gian mạng của họ”.

Trong một diễn biến liên quan, quốc hội Ukraine ngày 23/2 đã thông qua tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia với toàn bộ lãnh thổ Ukraine từ ngày 24/2 và kéo dài tròng 30 ngày, ngoại trừ vùng Donetsk và Lugansk ở miền Đông đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp từ năm 2014.

Theo hãng thông tấn Interfax của Ukraine, tình trạng khẩn cấp tại 22 khu vực Ukraine bao gồm lệnh cấm tổ chức các cuộc mít-tinh và biểu tình đông người, thay đổi nơi cư trú của những người có nghĩa vụ quân sự và sản xuất các tài liệu thông tin có thể gây mất ổn định tình hình trong nước.

Luật mới cũng quy định hạn chế tự do đi lại, kiểm tra phương tiện, cơ sở và đồ dùng cá nhân của công dân, ban hành lệnh giới nghiêm nếu có nhu cầu và sơ tán người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao.

Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đề xuất quốc hội áp dụng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc do lực lượng ngày càng đông quân đội Nga gần biên giới Ukraine.

Trước đó cùng ngày, Cơ quan Biên phòng Nhà nước (SBGS) của Ukraine đã áp đặt các biện pháp đặc biệt tại các khu vực giáp biên giới với Nga, Belarus và những quốc gia có quyền tiếp cận vùng biển này.

Các biện pháp này bao gồm hạn chế sự di chuyển của các phương tiện cá nhân và thiết bị nổi, các chuyến bay của máy bay hạng nhẹ và phương tiện bay không người lái, cũng như hạn chế quay phim và chụp ảnh một số vật thể nhất định.

Kể từ tháng 11, Kiev và một số nước phương Tây đã cáo buộc Nga tập trung quân hạng nặng gần biên giới Ukraine, bao gồm cả ở Belarus, với mục đích "xâm lược".

Bác bỏ cáo buộc tấn công bất kỳ quốc gia nào, Nga cho biết họ có quyền điều động quân đội bên trong biên giới của mình để bảo vệ lãnh thổ của mình, vì các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương gần biên giới của Nga là mối đe dọa đối với an ninh biên giới của Nga.

Xem thêm >> Mỹ: ‘Dòng chảy phương Bắc 2 hiện chỉ là một đống thép nằm dưới đáy biển’

Theo CNBC, Reuters, GT
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.