Tiêu điểm

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân giá thép tăng trong thời gian ngắn

(VNF) - Uỷ ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội vừa đề nghị Chính phủ làm rõ tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép, nguyên nhân giá thép tăng nhanh trong thời gian ngắn, cũng như làm rõ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp quản lý thuế để ngăn chặn, xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý đối với nguyên vật liệu quan trọng và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân giá thép tăng trong thời gian ngắn

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân tăng giá thép trong thời gian ngắn.

Theo báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của UBKT Quốc hội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016, một trong những nguyên nhân quan trọng là do sức cầu trong nước yếu, tuy nhiên CPI tháng 5, tháng 6 tăng lần lượt 1,43% và 1,62% so với tháng 12/2020, tăng 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ năm 2020.

UBKT nhận định với mức tăng CPI tháng 5 và tháng 6, cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới và trong nước có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo. Đặc biệt, tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.

Theo đó, UBKT đã đề nghị Chính phủ làm rõ tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép, nguyên nhân giá thép tăng nhanh trong thời gian ngắn, cũng như làm rõ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp quản lý thuế để ngăn chặn, xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý đối với nguyên vật liệu quan trọng và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

UBKT cũng đề nghị đánh giá rõ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc; kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường... về hoạt động thương mại khi phía đối tác áp thuế và thực hiện các biện pháp ngăn cản thương mại; việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Về logistics, báo cáo của UBKT cho biết chi phí ở Việt Nam vẫn còn tương đối cao so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, nhân sự có trình độ và đào tạo cho ngành logistics vẫn còn thiếu, chi phí cơ sở hạ tầng và phí BOT cao.

Vì vậy, UBKT đề nghị Chính phủ chỉ đạo cung cấp số liệu, làm rõ nguyên nhân thiếu hụt container, chi phí vận tải đường biển, hàng không đối với một số ngành hàng tăng cao so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Cũng tại báo cáo này, UBKT cho biết việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của người dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, UBKT cho rằng việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Bên cạnh đó, một số quy định hướng dẫn thực hiện chưa sát với thực tế, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện. Do đó, theo UBKT, việc này cần được đánh giá kỹ hơn trong báo cáo.

Tin mới lên