Vẫn chưa quyết được Chính phủ hay Quốc hội giữ quyền phê duyệt danh mục đầu tư công trung hạn
Lê Nguyễn -
03/06/2019 14:30 (GMT+7)
(VNF) – Cả hai phương án tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đều không nhận được biểu quyết quá bán từ các đại biểu Quốc hội.
Sáng nay (3/6) Quốc hội đã cho ý kiến bằng hệ thống điện tử về 03 nội dung của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Cụ thể, Quốc hội đã nhất trí giữ nguyên quy định về tiêu chí phân loại dự án, các dự án quan trọng quốc gia là mức 10.000 tỷ đồng. Các đại biểu cũng thống nhất để Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn mới.
Tuy nhiên, vấn đề thẩm quyền quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Quốc hội lại không đạt được thống nhất.
Theo dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), nội dung này được trình bày thành 2 phương án.
Phương án thứ nhất, Quốc hội quyết kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Phương án thứ hai, Quốc hội chỉ quyết định tổng mức đầu tư, còn Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.
Với phương án thứ nhất, trong số 424 đại biểu tham gia biểu quyết, chỉ có 48,35% đại biểu đồng ý, không đạt quá bán.
Với phương án thứ hai, có 206/423 đại biểu tham gia biểu quyết bấm nút tán thành, đạt tỷ lệ 42,46%.
Như vậy, với kết quả này, Chính phủ sẽ phải tiếp tục tiếp thu, giải trình vấn đề trên trong Luật Đầu tư công (sửa đổi). Trước đó, tại phiên thảo luận hôm 28/5, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận gay gắt về việc Quốc hội hay Chính phủ giữ quyền quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Phát biểu tại phiên thảo luận hôm đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ rất muốn Quốc hội giao việc này cho Chính phủ thực hiện, rằng đây là việc Chính phủ phải làm, Chính phủ phải chịu trách nhiệm.
“Quốc hội vẫn phải đảm bảo quyền năng của mình là cơ quan quyết định cao nhất, là quyết định tổng mức đầu tư của 5 năm đó là bao nhiêu, cơ cấu đầu tư thế nào, ngành nào, địa phương nào, vùng miền nào, tiêu chí, nguyên tắc ra sao, thứ tự ưu tiên ra sao thì Quốc hội phải quyết và Quốc hội phải giữ.
“Chính phủ phải điều hành trong khung mà Quốc hội đã quyết, chứ Chính phủ không thể ra ngoài. Tôi nghĩ nếu giao được như vậy cho Chính phủ điều hành thì linh hoạt hơn, nhẹ hơn cho công việc của Quốc hội”, Bộ trưởng nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.