Vẫn đang hứng chịu tổn thất do Covid-19, Mỹ lại ‘chao đảo’ với làn sóng biểu tình

Minh Đăng - 01/06/2020 08:35 (GMT+7)

(VNF) - Căng thẳng về vấn đề phân biệt chủng tộc đã bùng phát những ngày qua ở Mỹ. Hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, trong đó có rất nhiều người không đeo khẩu trang làm gia tăng quan ngại về việc tái bùng phát đại dịch Covid-19, vốn đã khiến trên 100.000 người Mỹ tử vong.

VNF
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ để phản đối nạn phân biệt chủng tộc.

Mỹ hiện vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với 1.836.759 người nhiễm và 106.176 người tử vong, tính tới hết ngày 31/5.

50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau từ đầu tháng 5. Chính phủ nước này cũng cho phép tụ tập tới 10 người, miễn là duy trì quy tắc cách biệt cộng đồng. Nhiều cửa hàng và bãi biển được mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, những cuộc biểu tình quy mô lớn trong những ngày gần đây làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 mới tại quốc gia này.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ để phản đối hành động trấn áp của cảnh sát, dẫn đến cái chết của một người Mỹ gốc Phi tại thành phố Minneapolis. Cụ thể, nạn nhân là một người đàn ông da màu có tên George Floyd (46 tuổi), đã tử vong sau khi bị một cảnh sát da trắng đè đầu gối vào cổ.

Cái chết của Floyd khiến cả nước Mỹ chấn động, gây ra làn sóng phẫn nộ chống lại nạn phân biệt chủng tộc.

Tại New York, Philadelphia, Los Angeles hay Atlanta, các cuộc biểu tình ôn hoà trở nên bạo lực hơn vào tối 30/5. Nhiều người biểu tình chặn xe cộ, đốt lửa và đụng độ với cảnh sát chống bạo động. Cảnh sát phải bắn hơi cay và đạn nhựa trong nỗ lực khôi phục trật tự.

Trước đó, hôm 29/5, Nhà Trắng đã bị phong tỏa trong bối cảnh người biểu tình đổ đến đại lộ Pennsylvania và công viên Lafayette ở thủ đô Washington D.C.

Nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang làm gia tăng quan ngại về việc tái bùng phát đại dịch Covid-19 ở Mỹ.

Cho đến nay đã có trên 20 thành phố tại Mỹ áp đặt giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra.

Cảnh sát đã sử dụng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông tại các thành phố. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khoảng 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 tiểu bang, gồm cả thủ đô Washington DC và khoảng 2.000 binh sĩ đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến.

Tại New York, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 350 người biểu tình, trong khi 30 nhân viên an ninh bị thương nhẹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi cái chết của ông George Floyd là một "thảm kịch nghiêm trọng", một vụ việc đã "khiến những người Mỹ trên khắp đất nước này đầy kinh hoàng, giận dữ và đau buồn".

Ông Trump cho biết ông đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp William Barr tiến hành một vụ điều tra về quyền dân sự trong cái chết của ông Floyd. Các nhà chức trách của các bang và liên bang cũng tiến hành một cuộc điều tra về các tội danh với 3 cảnh sát có liên quan đến cái chết của người đàn ông này.

Không chỉ ở Mỹ, những cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc đã lan sang cả châu Âu. Hàng nghìn người đã xuống đường tại các thủ đô Berlin của Đức và London của Anh trong chiều 31/5 để chống phân biệt chủng tộc và ủng hộ các cuộc biểu tình đang lan rộng tại Mỹ.

Cảnh sát Anh cho biết đã bắt giữ ít nhất 5 người bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại London, trong đó 3 người do vi phạm quy định phong tỏa trong dịch Covid-19 và 2 còn lại vì lí do tấn công cảnh sát.

Trong chiều 31/5, hàng trăm người đã tập trung biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ tại Berlin, hô vang các khẩu hiệu phản đối hành động bạo lực của cảnh sát Mỹ.

Xem thêm >> Nói là làm, ông Trump tuyên bố tước bớt đặc quyền với Hong Kong

Theo Reuters, CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác