Vàng nhẫn 'lên đồng', hãng vàng chỉ nhận khách bán, từ chối khách đến mua

Khánh Tú - 16/09/2024 13:39 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù giá vàng nhẫn tiếp tục chinh phục mốc cao mới nhưng lượng giao dịch trên thị trường không lớn khi nhiều nhà vàng liên tục từ chối bán ra với lý do hết hàng.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng nhẫn trong nước vẫn tiếp tục đà tăng, lên mức 79,2 triệu đồng/lượng.

Trong phiên chiều 16/9, nhiều doanh nghiệp vàng bạc đá quý đồng loạt tăng giá vàng nhẫn. Cụ thể, tại SJC, giá vàng nhẫn 9999 được giao dịch ở mức 77,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 79,2 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào, bán ra.

Tương tự, Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý cũng niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 78 – 79,2 triệu đồng/lượng. Riêng Tập đoàn DOJI giữ nguyên mức giá không thay đổi so với chốt phiên cuối tuần trước, 77,9 - 79,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào, bán ra.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn tiếp tục đi ngang nhiều ngày liên tiếp khi NHNN giữ nguyên giá bán cho 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC. Trong phiên sáng nay, vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 78,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 80,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Với vùng giá giao dịch sáng nay, vàng nhẫn đang thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 1,3 triệu đồng/lượng. Nếu so với đầu năm, mỗi lượng vàng nhẫn 9999 đã đắt hơn tới 16 triệu đồng, tương đương mức tăng ròng gần 26%.

Tuy nhiên, các nhà vàng lại không ghi nhận nhiều phiên giao dịch bán ra do không đủ số lượng. Khi được liên hệ hỏi mua vàng nhẫn, nhân viên tại DOJI và PNJ đều từ chối, thậm chí không nhận cọc trước vì không rõ khi nào có vàng nhẫn trở lại. Nhiều nhà vàng khác cũng chỉ “mở cửa” chiều mua vào, tức nhận khách đến bán vàng còn “đóng cửa” chiều bán ra với lý do tương tự.

Cũng giống như vàng nhẫn, đối với nhiều người, việc mua vàng miếng vẫn còn khá chật vật. Chia sẻ trên một diễn đàn về mua, bán vàng, nhiều người cho biết không phải ai cũng có thể mua vàng qua các ngân hàng khi nhiều ngân hàng liên tục báo hết lượt. Chưa kể, có những ngân hàng còn yêu cầu người mua phải nạp đủ số tiền vào tài khoản thanh toán mới được đăng ký chứ không cho đăng ký trước rồi trả tiền mặt khi nhận vàng. Điều này khiến nhiều người phải từ bỏ việc đặt mua vàng miếng SJC giá bình ổn.

Trái lại, trên thị trường vàng chợ đen, các giao dịch vẫn diễn ra sôi động. Một người chuyên cung cấp vàng nhẫn, vàng miếng các loại cho biết giá vàng “trao tay” đắt hơn giá niêm yết tại các nhà vàng khoảng 1 triệu đồng/lượng. “Mức chênh này là thấp trên thị trường rồi. Từ hôm vàng nhẫn tăng giá đến nay, có không ít người nhắn tin hỏi mua mà còn không có vàng để bán”, người này tiết lộ.

TS Bùi Duy Tùng, giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT nhận định việc người dân khó mua vàng trong lúc giá vàng lập đỉnh mới một phần là do mạng lưới giao dịch vàng đã bị thu hẹp.

“Việc NHNN chỉ định bán vàng qua bốn ngân hàng thương mại và SJC đã làm thu hẹp mạng lưới giao dịch vàng, khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận vàng, đặc biệt ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này làm giảm tính sôi động của thị trường và cản trở người dân có nhu cầu mua vàng”, ông nói.

Về phía người mua, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dù giá vàng đang tăng nóng nhưng người mua vẫn cần thận trọng, tránh ôm rủi ro, nhất là rủi ro khi chênh lệch giữa mua vào – bán ra vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, người mua cũng không nên tìm đến thị trường vàng chợ đen, vàng trao tay, tránh khỏi tình trạng mua phải vàng giả, pha trộn, không đảm bảo tỷ lệ chất lượng.

Cùng chuyên mục
Tin khác