Tiêu điểm

Vàng vượt 75 triệu/lượng: Dân đổ xô mua gom, hãng buôn ăn chênh 14 triệu/lượng

(VNF) - Trước cơn sốt vàng tại thị trường trong nước, nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý ôm vàng chốt lời thay vì bỏ tiền vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, gửi tiết kiệm hay chứng khoán.

Có nên mua vào khi vàng SJC chạm đỉnh?

Trong những ngày qua, thị trường vàng trong nước hết sức sôi động, thậm chí có nhà đầu tư bỏ hàng tỷ đồng để ôm vàng đợi chốt lời. Nhiều cửa hàng vàng trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận lượng người ra vào tăng đột biến.

Giá vàng trong nước đã bắt đầu một tuần hứa hẹn tăng nóng sau khi tiến sát đến mốc 75 triệu đồng/lượng trong ngày giao dịch đầu tiên. Trong khi đó, giá vàng thế giới lần đầu tiên phá mốc 2.100 USD/ounce.

Tính đến chiều 4/12, giá vàng trong nước vẫn neo ở mức cao, niêm yết ở mức 73 – 74,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào – bán ra. Giá vàng liên tục biến động, thậm chí có lúc tiến sát đến ngưỡng 75 triệu đồng/lượng trong ngày hôm nay.

Trong tuần 27/11 – 3/12, giá vàng trong nước tăng mạnh khiến người tiêu dùng đứng ngồi không yên. Thậm chí, vào phiên giao dịch sáng 29/11, giá vàng trong nước đã chạm mốc 74,6 triệu đồng chiều bán ra, phá kỷ lục mức giá cao nhất 74,4 triệu đồng được thiết lập vào hồi tháng 3 năm ngoái.

Biến động giá vàng miếng SJC trong 1 tháng qua.

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch sáng 4/12 (theo giờ Việt Nam) cũng tăng dựng đứng, chinh phục mốc 2.119 USD/ounce, mức cao nhất kể từ trước đến nay. Trong tuần trước, giá vàng thế giới đã tăng 3,4% trong bối cảnh thị trường lạc quan về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất và chỉ số DXY Index yếu đi.

Tại thị trường trong nước, nếu như trước đây gửi tiết kiệm, bất động sản hay chứng khoán là những kênh đầu tư sinh lời và hấp dẫn nhất thì nay vàng lại đang được quan tâm hơn bao giờ hết.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng liên tục giảm trong khi thị trường bất động sản vẫn đang chìm trong khó khăn còn thị trường chứng khoán lại liên tục trồi sụt. Chính vì lẽ đó, nhiều nhà đầu tư để mắt đến giá vàng, xem đây là một kênh đầu tư “hái ra tiền” ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo người dân nên cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng về việc mua, bán vàng: “Muốn bán vàng trong thời điểm này, nhà đầu tư nên theo dõi sát sao thị trường vàng thế giới và thị trường vàng trong nước”.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyên nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một rổ”, chỉ dùng khoảng 1/3 tiền tiết kiệm để mua vàng, còn lại đầu tư vào chứng khoán, bất động sản hoặc những kênh đầu tư khác, đồng thời không vay tiền, vay vàng để chơi vàng.

“Các nhà đầu tư không nên đầu tư vàng theo kiểu “lướt sóng”, mua ngày hôm nay và bán ra ngày hôm sau để chốt lời bởi thị trường vàng luôn có những biến động khôn lường”, ông nói thêm.

Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành FIDT, đơn vị chuyên tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, cho rằng đây là thời điểm để chốt lời chứ không phải để mua vào. Ông cho rằng nếu giá vàng tăng 15% thì nên bán trong khi giảm từ 10% trở lên thì nên mua.

Điều kiện để giá vàng trong nước giảm

Mặc dù chạm mức cao nhất trong lịch sử nhưng giá vàng thế giới vẫn đang thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 14 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng.

Lý giải về điều này, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, cho biết giá vàng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới là Ngân hàng Nhà nước không quản lý về giá và các công ty tư nhân định giá dựa trên nhu cầu cung – cầu của thị trường.

Nói dễ hiểu hơn, khi có nhiều người bán ra, nguồn cung vàng nhiều thì các công ty sẽ hạ giá mua và bán xuống và ngược lại. Từ trước đến nay, vàng SJC không có nguồn cung và nguồn cung chỉ do trong dân bán ra. Nếu không có người bán, dẫn đến nguồn cung ít và giá ngày càng lên cao, ông Khánh cho biết.

Bình quân mức chênh lệch giá vàng SJC so với thế giới luôn dao động trong khoảng trên dưới 12 triệu đồng/lượng tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bình quân mức chênh lệch của giá vàng trong nước so với thế giới lên tới 13 – 14 triệu đồng/lượng do nhu cầu quá lớn.

Giá vàng trong nước chênh lệch 13 - 14 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nguyên nhân giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới quá xa là do chỉ có Ngân hàng Nhà nước là đơn vị nhập khẩu vàng duy nhất trên thị trường. Việc nguồn cung không dồi dào để đáp ứng sức cầu của thị trường vàng đã đẩy giá vàng tăng vọt, kéo rộng độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, ông Khánh cho rằng, trước mắt chưa cần điều chỉnh Nghị định 24 nhưng Ngân hàng Nhà nước nên cho một số đơn vị lớn như PNJ, DOJI, SJC nhập 500 kg/doanh nghiệp để làm nguyên liệu, sản xuất vàng nữ trang. Số lượng vàng này sẽ được nhập chia thành các đợt và các công ty phải cam kết không bán số vàng đó ra thị trường, chỉ sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất nữ trang.

Trong trường hợp sửa đổi Nghị định 24, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất Ngân hàng Nhà nước đưa ngành vàng nữ trang là ngành kinh doanh không cần điều kiện trong khi vàng miếng cũng xin được tự do kinh doanh, không có độc quyền. Việc nhập nguyên liệu vẫn do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và các doanh nghiệp vẫn sẽ kinh doanh váng miếng như một mặt hàng thông thường.

Tương tự, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng nên xem xét lại việc Ngân hàng Nhà nước tham gia vào thị trường vàng với tư cách thành viên. Thay vào đó, hãy để các công ty kinh doanh vàng có uy tín, thực lực tài chính tham gia thị trường nhập khẩu vàng, từ đó mở rộng quy mô nguồn cung, giúp giá vàng trong nước đi xuống.

Tin mới lên