Vào cơn sốt mới, vàng nhẫn sắp lên 100 triệu đồng/lượng?

Minh Anh - 30/09/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Giá vàng nhẫn trên đà tăng "nóng" và liên tục xô đổ kỷ lục. Giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục đi lên. Song kịch bản giá vàng nhẫn chạm mốc 100 triệu đồng/lượng từ nay đến cuối năm khó xảy ra.

Giá vàng nhẫn vào giai đoạn tăng "nóng"

Hơn 1 tuần lại đây, giá nhẫn trơn tăng cao và liên tục tạo lập đỉnh mới theo diễn biến của giá vàng thế giới. Giá vàng nhẫn có ngày tăng tới hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng miếng được điều chỉnh chậm hơn.

Ngày 27/9, giá mua - bán vàng miếng vẫn giữ nguyên ở mức 81,5-83,5 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng nhẫn vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng.

Các nhà vàng mua vào vàng nhẫn trơn với giá bằng hoặc cao hơn 500.000 đến trên 1 triệu đồng mỗi lượng so với vàng miếng. Ở chiều bán ra cho người dân, giá vàng nhẫn cũng lên xấp xỉ vàng miếng SJC.

Đầu phiên 28/9, Doji niêm yết vàng nhẫn tròn trơn ở mức 82,75-83,45 triệu đồng/lượng (mua - bán). Đây là mức giá cao nhất đến nay của vàng nhẫn trong nước.

Công ty Bảo Tín Minh Châu nâng giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long ở mức 82,54-83,44 triệu đồng/lượng (mua - bán). Còn Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 81,5-83,1 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng nhẫn cũng thu hẹp còn 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/lượng, nhằm kích thích nhu cầu giao dịch trong bối cảnh giá vàng nhẫn liên tục lập đỉnh mới.

Trong vòng 1 tuần qua, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 3 triệu đồng mỗi lượng.

Còn so với đầu năm, mỗi lượng nhẫn trơn đã tăng hơn 20 triệu đồng, tương đương mức sinh lời trên 30%. Trong khi đó, vàng miếng ghi nhận mức tăng chỉ khoảng 13%.

Như vậy, sau nhiều năm âm thầm 'dưới trướng' vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn đã có cú bứt phá thần tốc từ cuối năm ngoái. Đặc biệt, trong tháng 4, giá vàng nhẫn có những phiên tăng tới 2 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, đà tăng của giá vàng nhẫn trơn vượt trội so với vàng miếng SJC sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp chính sách vào việc độc quyền vàng miếng bằng việc bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và Công ty SJC.

Kể từ ngày 3/6, giá vàng miếng SJC nhiều phiên đứng im trong khi giá vàng thế giới tăng mạnh. Còn giá vàng nhẫn liên tục được điều chỉnh cùng nhịp với diễn biến của giá vàng thế giới.

Vì thế, chênh lệch giữa vàng nhẫn và vàng miếng SJC được rút ngắn. Từ mức chênh hơn 10 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, giá vàng nhẫn tròn trơn hiện đã xấp xỉ giá vàng miếng SJC.

Theo giới phân tích, giá vàng nhẫn tăng mạnh gần đây xuất phát từ 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Đến ngày 27/9, trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới xác lập kỷ lục 2.685 USD một ounce.

Giá vàng thế giới tăng do tác động từ động thái giảm mạnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cộng với các yếu tố hỗ trợ như bất ổn địa chính trị, lực mua vàng từ các ngân hàng trung ương cùng tâm lý kỳ vọng giá vàng tăng khiến các nhà đầu tư lựa chọn vàng như kênh tích trữ an toàn.

Nguyên nhân nữa là giá vàng miếng đang nằm trong chương trình bình ổn giá của Nhà nước. Mức tăng của giá vàng miếng không có sự biến động lớn. Giao dịch mua bán của vàng miếng trở nên khó khăn khi nguồn cung eo hẹp. Riêng với vàng nhẫn, thị trường này vẫn giao dịch theo quy luật cung cầu nên chịu tác động tăng của giá vàng thế giới.

Giá vàng nhẫn tăng vọt nhưng người mua không dễ dàng do khan hiếm. Một số doanh nghiệp, tiệm vàng thông báo hết vàng nhẫn từ nhiều tháng nay.

Hơn chục năm nay, Việt Nam không nhập khẩu vàng nguyên liệu cộng với việc các cơ quan chức tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng khiến cho các đối tượng chuyên cung cấp vàng không có nguồn gốc "im hơi lặng tiếng". Điều này làm cho một số doanh nghiệp vàng không có nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn.

Hơn nữa, hiện nay, rất ít người dân bán ra vàng nhẫn. Vì vậy, các tiệm vàng không đủ hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Giá vàng nhẫn sắp lên 100 triệu đồng/lượng?

Các chuyên gia dự báo, giá vàng thế giới có thể chạm ngưỡng 2.700-3.000 USD/ounce từ nay đến sang năm. Khi đó, giá vàng nhẫn trong nước cũng tăng mạnh.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết giá vàng nhẫn tăng cao và liên tục lập đỉnh đã thúc đẩy nhu cầu mua vào vàng từ thị trường. Một số dự báo giá vàng thế giới sẽ sớm chạm ngưỡng 2.800-3.000 USD/ounce đã kích hoạt lực mua vàng trong nước, nhất là vàng nhẫn, bởi vàng miếng hiện rất khó giao dịch.

Theo ông Phương, do nguồn cung khan hiếm nên giá vàng nhẫn ngày càng bị đẩy lên cao. Nhiều người ưa chuộng vàng nhẫn thời điểm này vì giá biến động sát với thế giới, trong khi vàng miếng SJC do NHNN niêm yết và ấn định giá hàng ngày cho Công ty SJC và các ngân hàng thương mại.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng Thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, nhận định xu hướng tăng giá của vàng sẽ được duy trì do một loạt yếu tố tác động mạnh mẽ từ thị trường quốc tế. Ông Khánh nhìn nhận với việc Fed liên tục cắt giảm lãi suất và căng thẳng địa chính trị gia tăng, dự báo giá vàng sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Về xu hướng tăng giá, chuyên gia vàng Trần Duy Phương dự đoán, nếu cuối năm nay, giá vàng thế giới lên mức 2.750 USD/ounce, giá vàng nhẫn 4 số 9 trong nước sẽ trong khoảng 84-85 triệu đồng/lượng; giá vàng miếng SJC sẽ ở mức 88-89 triệu đồng/lượng.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong năm nay và năm sau. Đến năm 2025, giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD/ounce. Nếu điều đó xảy ra thì giá vàng trong nước cũng chịu tác động.

Song ông Hiếu cho rằng, kịch bản giá vàng nhẫn chạm mốc 100 triệu đồng/lượng từ nay đến cuối năm khó xảy ra.

Ông Hiếu lo ngại nếu vàng nhẫn tăng quá mạnh, có thể sẽ bị kiểm soát như giá vàng miếng. Nếu kịch bản này xảy ra, giá vàng nhẫn sẽ biến động chậm lại. Rủi ro với nhà đầu tư rót tiền vào kênh này sẽ lớn.

Ông Hiếu khuyến nghị, nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định đầu tư vào vàng, đặc biệt là trong bối cảnh giá vàng đã ở mức cao và có thể biến động mạnh. Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền đầu tư vào vàng.

Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, không nên "bỏ trứng vào một rổ". Bên cạnh vàng, nhà đầu tư có thể cân nhắc các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán hoặc tiền gửi ngân hàng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy, chuyên gia Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết, việc người dân đi mua vàng trong thời điểm này cần được xem xét một cách kỹ lưỡng trước biến động giá thế giới và trong nước.

“Để đảm bảo chiến lược đầu tư dài hạn, nhà đầu tư nên phân bổ nguồn vốn một cách hợp lý, tránh tập trung toàn bộ vào một tài sản đơn lẻ. Việc kết hợp giữa phân bổ vốn vào đầu tư cho sản xuất kinh doanh với các kênh đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu và vàng, gửi tiết kiệm, bất động sản… sẽ giúp giảm thiểu rủi ro”, ông Huy khuyến cáo.

Giá vàng miếng chạm đỉnh 83,5 triệu/lượng, vàng nhẫn lập kỷ lục mới

Giá vàng miếng chạm đỉnh 83,5 triệu/lượng, vàng nhẫn lập kỷ lục mới

Thị trường
(VNF) - Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng sốc trong phiên 25/9 cùng với đà tăng của giá vàng thế giới. Song, ghi nhận tại nhiều nhà vàng, số lượng vàng nhẫn không đủ để phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Cùng chuyên mục
Tin khác