Vào thời không tiền mặt: Thanh toán qua di động, quét QR code… tăng hơn 100%

Mai Anh - 14/01/2023 08:18 (GMT+7)

(VNF) - Tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng mạnh, nhiều loại hình tăng 100 - 200% mỗi năm. Vì thế, không chỉ việc giao dịch tiền mặt giảm mà nhiều hình thức như ATM dần co hẹp.

VNF

Tăng nhanh nhờ đa tiện ích

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là hình thức thanh toán bằng các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. TTKDTM sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, InternetBanking, thanh toán bằng thẻ, thanh toán bằng séc trực tuyến... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau.

Mục đích của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là để hạn chế việc lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế, giảm được các chi phí cần thiết phục vụ cho lưu thông tiền mặt, từ đó làm giảm thiểu chi phí xã hội và giúp tiết kiệm thời gian. Việc phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi.

Hiện nay, người dân cũng đã hiểu được những lợi ích mà TTKDTM đem lại. Nếu như trước đây bạn luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì giờ đây chỉ với một tấm thẻ hay điện thoại di động là đã hoàn tất quá trình thanh toán. Các cửa hàng, quán cafe, nhà hàng,... đã chuẩn bị sẵn những thiết bị cần thiết để người tiêu dùng có thể thanh toán bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua. 

Bên cạnh việc mua hàng hóa, đặt phòng khách sạn, thanh toán vé máy bay... với tài khoản ngân hàng, người dùng còn có thể thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, điện thoại, internet... bằng chuyển khoản hay đăng ký với ngân hàng dịch vụ tự động khấu trừ tài khoản hàng tháng.

Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao, phần lớn đều đã liên kết với các tổ chức, như các hãng vận tải, hàng không, siêu thị, trường học, bệnh viện.

Tốc độ qua những con số

Theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 11/2022, hoạt động TTKDTM đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, giao dịch TTKDTM tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), hoạt động thanh toán điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2022 với tổng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021.

Năm 2022 tiếp tục ghi nhận tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Tỷ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022.

Trước đó, theo NAPAS, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021. Như vậy, con số tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt hiện chỉ bằng 1/4 so với cách đây 2 năm.

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng đã tăng lên đáng kể. Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức thẻ Visa, người dùng Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán, cụ thể 76% người dùng đã sử dụng ví điện tử và 82% người đã sử dụng thẻ, hơn 50% bắt đầu sử dụng thẻ thường xuyên hơn, trong khi 64% đã tăng mức độ sử dụng thanh toán không tiếp xúc. Theo thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tổng số lượng thẻ lưu hành đạt gần 130 triệu thẻ tính đến hết tháng 6/2022, tăng gần 20% so với cùng kỳ, trong đó mức tăng trưởng của thẻ mới đạt đến 50%.

Các tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để người tiêu dùng có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ một cách đơn giản, nhanh chóng. Song song với đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.

Theo kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành, NHNN đặt mục tiêu cho các mốc 2025 tới 2030 tương ứng 50-70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; có 60-80% đơn vị có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; 50-70% quyết định giải ngân của ngân hàng, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng cá nhân được số hoá và 70-90% hồ sơ công việc được lưu trữ/xử lý trên môi trường số.

Tuy nhiên, do mặt bằng thu nhập và trình độ dân trí còn khác nhau, chi phí ban đầu cho hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTKDTM còn cao và đặc biệt là thói quen thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến nên để triển khai rộng khắp phương thức TTKDTM ở Việt Nam, cần thực hiện nhiều giải pháp nhằm tối ưu hóa nhu cầu sử dụng từ đó tạo chuyển biến, thay đổi thói quen người dùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng, công ty tài chính cần quan tâm nhiều hơn việc đầu tư, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa để người dân có nơi để sử dụng; xây dựng nhiều hơn các hoạt động trải nghiệm phương thức thanh toán mới, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng. Ngân hàng và công ty tài chính cũng cần đa dạng phương thức hợp tác, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, phục vụ đa kênh nhu cầu người dùng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.