Tài chính

VDSC: 'Thị trường hưng phấn là thời điểm nhà đầu tư ngắn hạn nên giảm tỷ trọng cổ phiếu'

(VNF) - VDSC cho rằng những thời điểm thị trường hưng phấn nên là lúc nhà đầu tư ngắn hạn giảm tỷ trọng cổ phiếu và đưa tỷ lệ đòn bẩy về mức an toàn.

VDSC: 'Thị trường hưng phấn là thời điểm nhà đầu tư ngắn hạn nên giảm tỷ trọng cổ phiếu'

VDSC: 'Thị trường hưng phấn là thời điểm nhà đầu tư ngắn hạn nên giảm tỷ trọng cổ phiếu'

Thống kê cho thấy hầu hết cổ phiếu đã tăng giá mạnh trở lại từ đầu tháng 4, tiếp nối những diễn biến tích cực về việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam. Ước tính, chỉ số VN-Index đã phục hồi hơn 20% từ mức đáy được tạo thành trong tuần cuối tháng 3, trong khi khá nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình – nhỏ đã tăng ít nhất hơn 30% về giá trong cùng giai đoạn.

Cùng với tâm lý lạc quan hơn với tiến triển dịch bệnh, việc VN-Index đã giảm về mức điểm thấp nhất kể từ năm 2016 (tỷ số P/B và P/E của VN-Index thậm chí giảm về vùng thấp nhất kể từ năm 2012) đã kích thích dòng tiền mới gia nhập thị trường.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo chiến lược tháng 5 vừa công bố, đây có thể là yếu tố giúp thị trường phục hồi tích cực trong những tuần đầu tháng 4.

"Sang tháng 5 hoặc 6, sự hưng phấn của nhà đầu tư trong nước có thể sẽ tái diễn tại những thời điểm có tiến triển khả quan về kiểm soát dịch bệnh và nới lỏng lệnh phong tỏa của Mỹ và các quốc gia châu Âu", chuyên gia của VDSC dự đoán.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng triển vọng hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế sau dịch bệnh là yếu tố nhà đầu tư cần cân nhắc cẩn trọng khi ra quyết định đầu tư hơn là chỉ dựa vào yếu tố đề cập bên trên.

"Chúng tôi cho rằng cơ hội đầu tư ở vùng giá thấp vẫn còn phía trước. Những thời điểm thị trường hưng phấn nên là thời điểm nhà đầu tư ngắn hạn giảm tỷ trọng cổ phiếu và đưa tỷ lệ đòn bẩy về mức an toàn", chuyên gia của VDSC khuyến nghị.

Dựa trên phân tích kết quả kinh doanh quý I/2020, VDSC nhấn mạnh rằng họ không còn nhìn thấy yếu tố hỗ trợ tăng giá, trong khi rủi ro điều chỉnh (ở những doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm) đang khá cao.

Công ty chứng khoán này cho rằng nhóm ngành thép, công nghệ thông tin và dược phẩm sẽ chịu ít tác động từ những diễn biến bất lợi của đại dịch.

Cùng với đó, các cổ phiếu ngành sữa cũng đáng để nhà đầu tư tích lũy ở mức giá tốt trong giai đoạn thấp điểm kinh doanh.

Sự sụt giảm mạnh của giá dầu đã tác động tiêu cực đến hoạt động (cũng như diễn biến giá) của nhóm doanh nghiệp dầu khí, tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, giá dầu giảm đã giúp chi phí đầu vào của các ngành như nhựa, săm lốp, phân bón giảm mạnh qua đó giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận. Dù vậy, VDSC vẫn lưu ý đến triển vọng tăng trưởng riêng ở từng doanh nghiệp, nhất là tăng trưởng sản lượng.

Đối với ngành ngân hàng, công ty chứng khoán này đánh giá nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay có thể khiến khả năng mở rộng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên, phản ánh mức độ hưởng lợi ích chênh lệch giữa lãi suất huy động đầu vào và lãi suất tín dụng đầu ra) của các ngân hàng bị hạn chế so với giai đoạn trước khi diễn ra dịch bệnh.

Lý do là mặc dù áp lực huy động giảm khi nhu cầu vay mượn thấp và động thái điều tiết của Ngân hàng Nhà nước (giảm lãi suất điều hành, tác động thị trường OMO) sẽ giúp lãi suất huy động giảm theo sau mức lãi suất cho vay, song tốc độ sẽ chậm hơn. 

Cùng với đó, khả năng tăng tỷ trọng dư nợ của nhóm khách hàng có lãi suất cho vay cao bị hạn chế.

Ngoài ra, tăng trưởng thu nhập lãi và dịch vụ nhìn chung sẽ chậm lại so với các năm trước khi mà chính sách giãn, gia hạn thời hạn trả nợ có thể khiến ảnh hưởng đến tiến độ ghi nhận thu nhập lãi của các ngân hàng (chưa được ghi nhập khi chưa đến kỳ thu lãi); đồng thời, quy mô cho vay giảm khiến thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực.

VDSC cho rằng các ngân hàng theo đuổi mục tiêu quản lý tốt chất lượng tài sản có thể sẽ chứng kiến chi phí dự phòng tăng mạnh, ít nhất trong quý II hoặc hai quý đầu năm 2020.

"Như vậy, sau năm 2017 – 2018 ghi nhận tăng trưởng cao, ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến mức giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020. Dù vậy, thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh khả năng khôi phục hoạt động của các ngành/doanh nghiệp sau dịch bệnh còn khó đoán định", chuyên gia của VDSC nêu lời khuyên.

So với mức định giá tại cùng thời điểm năm 2019, mức P/B hiện tại của các ngân hàng đã giảm mạnh (15 – 20% đối với các ngân hàng quốc doanh và trên 20 – 40% đối với nhóm ngân hàng tư nhân). Và so với định giá hiện tại của VDSC, một số cổ phiếu ngân hàng đã giảm về vùng giá phù hợp cho mục tiêu nắm giữ dài hạn.

Tin mới lên