Ví điện tử: Mở rộng cũng khó, bán mình cũng không xong

Ngọc Thu - 24/05/2024 10:00 (GMT+7)

(VNF) - Cạnh tranh gay gắt trong thị trường ví điện tử và thị trường thanh toán số đã khiến các ví điện tử buộc phải mở rộng hệ sinh thái. Điều này có thể dẫn đến tăng chi phí hoạt động và có khả năng dẫn đến các khoản lỗ lớn hơn đối với ví điện tử.

Buộc phải mở rộng để thu hút người dùng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép cho tổng cộng 50 trung gian thanh toán phi ngân hàng, trong đó phần lớn được gọi với cái tên quen thuộc là ví điện tử (khoảng 40 đơn vị). Số lượng ví điện tử hiện hành được cho là quá nhiều so với quy mô thị trường thanh toán số của Việt Nam hiện nay, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường này. Sự cạnh tranh rõ nhất có nhìn thấy là cuộc đua “đốt tiền” đã diễn ra trong nhiều năm nay để thu hút, giữ chân người dùng.

Theo FiinGroup, các ví điện tử khó có thể dừng cuộc đua “đốt tiền” lại dù gánh nặng về chi phí là rất lớn. Việc người dùng lựa chọn sử dụng phương tiện thanh toán này vì bị thu hút bởi các chương trình chiết khấu, khuyến mãi đòi hỏi nỗ lực chạy quảng cáo liên tục đến từ các ví điện tử. Để giảm tỷ lệ rời bỏ của khách hàng, cùng với đó gia tăng người dùng mới, các trung gian thanh toán này đã phải chịu tổn thất lớn về tài chính, ảnh hưởng tới lợi nhuận trong nhiều năm bất chấp doanh thu liên tục tăng trưởng.

Không chỉ phải cạnh tranh trong thị trường ví điện tử, thị trường thanh toán số bao gồm nhiều hình thức thanh toán tiện lợi khác như ngân hàng số, mã QR cũng là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của ví điện tử. Trong đó, mã VietQR được coi là sự đột phá tiềm năng của thị trường thanh toán số, còn ngân hàng số đang được các nhà băng liên tục rót tiền để phát triển. Trao đổi với Đầu tư Tài chính, TS Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên cao cấp Đại học RMIT Việt Nam, Sáng lập viên Trung tâm FinTech-Crypto RMIT, nhận định rằng trước sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường ví điện tử và thanh toán số, ví điện tử buộc phải mở rộng hệ sinh thái sang các dịch vụ khác để thu hút thêm người dùng, đồng thời giữ mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng năm.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Tài chính, từ dịch vụ ban đầu là trung gian thanh toán phi ngân hàng, các ví điện tử lớn hiện nay đều đã mở rộng đa lĩnh vực, cung cấp đa dạng dịch vụ như mua trước trả sau, đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ y tế, mua sắm,… Theo chia sẻ của đại diện MoMo, ví điện tử này hướng tới vai trò là nền tảng kết nối khách hàng với các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính nhằm đáp ứng cho các nhu cầu vi mô của khách hàng đối với các dịch vụ như: Đăng ký khoản vay, mở thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng, mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến, đầu tư chứng chỉ quỹ, nhận tiền quốc tế... Các “ông lớn” khác như ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay… cũng không ngần ngại cung cấp đa dịch vụ trên nền tảng của mình.

Theo FiinGroup, trong dài hạn, sự cạnh tranh giữa các ví điện tử sẽ chuyển từ các chương trình chiết khấu, quảng cáo sang cạnh tranh về công nghệ, hệ sinh thái toàn diện, trải nghiệm khách hàng cũng như việc đa dạng hoá doanh thu thông qua các dịch vụ tài chính. Một số ví điện tử đã nhắm đến thị trường cho vay kỹ thuật số, tuy nhiên vướng phải quy định của Việt Nam về việc cấm tổ chức phi ngân hàng cung cấp các khoản vay. Do đó, các ví điện tử đã tiến hành hợp tác với các ngân hàng hoặc công ty tài chính để tạo điều kiện mở rộng sang lĩnh vực cho vay tiêu dùng trên nền tảng ví điện tử.

Tuy nhiên, TS Phạm Nguyễn Anh Huy cho biết, việc mở rộng hệ sinh thái sẽ dẫn đến gia tăng chi phí hoạt động và có khả năng hình thành các khoản lỗ lớn hơn đối với ví điện tử. Theo dữ liệu có được, trong vài năm trở lại đây, chỉ có một số ví điện tử như VNPay, NextPay, Payoo hay Vimo mới đem về lợi nhuận dương. Những ví điện tử đang chiếm thị phần lớn như MoMo, ZaloPay hay ShopeePay đều báo lỗ do phải liên tục mở rộng hệ sinh thái bằng cách cung cấp rất nhiều các dịch vụ khác nhau.

Ảnh minh hoạ

Không dễ “bán mình”

Trong khi các ví điện tử lớn vẫn đang cạnh tranh gay gắt trên thương trường thì những ví điện tử ở quy mô nhỏ hơn lại khó có thể tham gia được cuộc đua này, dẫn đến những khó khăn về việc gia tăng lượng người dùng mới hay giữ chân người dùng cũ. Thậm chí, một số ví điện tử đã không còn tên trên bản đồ thanh toán số của Việt Nam. Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM, sau một thời gian dài nở rộ trên thị trường thanh toán số, một bộ phận ví điện tử tại Việt Nam đang rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.

Dù vậy, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng các ví điện tử này sẽ không phá sản mà trở thành miếng bánh ngon cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường thanh toán số Việt Nam. Theo đó, các ví này sẽ bán licence (giấy phép hoạt động) cho khối ngoại, sau đó sẽ hình thành nên những ví điện tử mới với những thương hiệu mới.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Tài chính, quy định hiện hành không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán điện tử, tạo ra cơ hội thâm nhập thị trường cho khối ngoại. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng việc xin giấy phép hoạt động cho một ví điện tử mới hiện giờ là không đơn giản. Việc thành lập một trung gian thanh toán với 100% vốn nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối với các ngân hàng trong nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, những thương vụ M&A trong thị trường ví điện tử đã là câu chuyện từ nhiều năm trước. Đơn cử như UTC Investment đã mua lại 64,99% cổ phần VNPT EPAY từ năm 2017, NTT Data đã mua lại 64% cổ phần Payoo từ năm 2011. Trong vài năm trở lại đây, thị trường không còn ghi nhận những thương vụ M&A lớn nào khác.

TS Phạm Nguyễn Anh Huy nhận định hoạt động M&A trong thị trường ví điện tử là không dễ dàng do mỗi đơn vị có bản sắc riêng và cần phải có nguồn lực và động lực để phát triển trong dài hạn. Ngoài ra, vẫn còn tại những thách thức trong và ngoài nước khác có thể làm chậm quá trình M&A của các ví điện tử như vướng mắc trong việc thực hiện các quy định và pháp lý, thời gian cho các thương vụ M&A ở Việt Nam thường kéo dài, hệ thống kế toán, kỳ vọng về giá và những bất ổn kinh tế ở các quốc gia khác.

Mặc dù vậy, ông Phạm Nguyễn Anh Huy vẫn cho rằng tiềm năng cho các hoạt động M&A trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. “Thị trường ví điện tử Việt Nam có tiềm năng hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài do sự phát triển mạnh mẽ của Fintech và ví điện tử trong nước”, vị chuyên gia này cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác