Tài chính

Vì sao cổ phiếu ngành đường được định giá ở mức cao lịch sử?

(VNF) - Mức định giá cao lịch sử của cổ phiếu ngành đường đang phản ánh kỳ vọng của thị trường về chu kỳ hồi phục của ngành mía đường và khả năng áp thuế tự vệ đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Vì sao cổ phiếu ngành đường được định giá ở mức cao lịch sử?

Vì sao cổ phiếu ngành đường được định giá ở mức cao lịch sử?

Dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chu kỳ hồi phục của ngành đường, vốn bắt đầu từ cuối năm 2019, đẩy giá đường quay trở lại mức thấp nhất 10 năm.

Tuy nhiên, giá đường hồi phục rất nhanh sau đó. Giá đường trung bình năm 2020 vẫn cao hơn 9,6% so với năm 2019, trong khi giá mua mía tại thời điểm cuối năm 2019 ở mức thấp, giúp các doanh nghiệp trong ngành gia tăng đáng kể biên lợi nhuận gộp.

Trong đó, Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT) và Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (HNX: SLS) đều ghi nhận biên lãi gộp tăng ấn tượng lần lượt 6 điểm% và 6,8 điểm%, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum (HNX: KTS) tăng 1,6 điểm%, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (HoSE: LSS) tăng 0,4 điểm%.

Riêng Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) ghi nhận biên lãi gộp giảm mạnh 7,3 điểm%, trái ngược với kết quả chung do sản lượng giảm mạnh đến 40% và chỉ hoạt động dưới 40% công suất luyện đường trong vụ.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI trong báo cáo phân tích công bố mới đây, mặc dù giá đường thế giới đã điều chỉnh mạnh sau khi lập đỉnh ngắn hạn vào cuối tháng 2/2021, giá đường vẫn còn dư địa tăng khi nhu cầu toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ trong các tháng sắp tới.

Cụ thể, SSI cho rằng đường là thực phẩm thiết yếu và nhu cầu đối với mặt hàng này ít nhạy cảm với dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung đường, khi đường sản xuất trong nước dự kiến niên vụ 2020/2021 chỉ đạt 600 nghìn tấn (giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính mới nhất của hiệp hội mía đường VSSA).

Nhóm chuyên gia của SSI ước tính nhu cầu tiêu thụ đường trong nước vẫn ổn định với mức tăng trưởng khoảng 3-5%/năm và đạt mức 2,2 triệu tấn trong năm 2021. Do vậy, nguồn cung trong nước hiện tại chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu. Phần còn lại nhiều khả năng sẽ được bù đắp bởi đường luyện ngoài vụ từ đường thô nhập khẩu; đường lậu, tuy kỳ vọng giảm, nhưng vẫn tiếp diễn; và đường nhập khẩu chính ngạch chịu thuế.

Bên cạnh đó, việc Bộ Công Thương đưa ra quyết định áp dụng tạm thời mức thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá ở mức 48,88% với đường tinh luyện và 33,88% với đường thô nhập khẩu từ Thái Lan, có hiệu lực trong vòng 120 ngày kể từ ngày 17/2/2021 và có khả năng áp dụng hồi tố 90 ngày (trước ngày 17/2/2021), cũng là yếu tố khiến nguồn cung đường trong nước thiếu hụt, từ đó giá đường nội địa có thể tiếp tục tăng mạnh, nhờ vậy, các nhà sản xuất đường có thể gia tăng biên lợi nhuận gộp và cải thiện lợi nhuận.  

Do sản lượng mía niên vụ 2020-2021 được dự báo ở mức thấp, chỉ luyện được khoảng 600 nghìn tấn đường, đây sẽ là cơ hội để các nhà máy đường gia tăng công suất luyện đường thô ngoài vụ.

Các nhà máy có vị trí địa lý gần nguồn nhiên liệu sinh khối ngoài bã mía (phế phẩm nông nghiệp như vụn gỗ, vỏ trấu) sẽ có lợi hơn về chi phí sản xuất ngoài vụ. Hiện tại, nhà máy đường An Khê của QNS và một số nhà máy đường của SBT có vị trí địa lý thuận lợi như vậy, và có khả năng luyện đường tối đa lên tới 300 ngày/năm. Ngoài ra, LSS cũng có khả năng mua bã mía và dăm gỗ để luyện đường ngoài vụ tối đa thêm 2 tháng.

Hiện tại, định giá của các doanh nghiệp đường trong nước đã vượt mức trước Covid-19 và đang được giao dịch ở mức cao hơn so với P/E trung bình trong quá khứ (trừ SBT đang giao dịch ở mức P/E thấp hơn trung bình 3 năm giai đoạn 2018-2020 chủ yếu do EPS trung bình giai đoạn này rất thấp).

"Mức định giá cao lịch sử đang phản ánh kỳ vọng của thị trường về chu kỳ hồi phục của ngành mía đường và khả năng áp thuế tự vệ đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan", nhóm chuyên gia của SSI nhấn mạnh.

Tin mới lên