Tài chính quốc tế

Vì sao 'đồng bạc xanh' biến động mạnh?

Lãi suất là một yếu tố quan trọng quyết định đến tỷ giá hối đoái. Nếu tất cả những yếu tố khác là như nhau, quốc gia có lãi suất cao hơn sẽ có đồng tiền mạnh hơn.

Vì sao 'đồng bạc xanh' biến động mạnh?

Đồng euro

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 27/7 đã nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm để đối phó với mức lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Và mặc dù ngay sau khi thông tin này được phát ra, đồng USD đã giảm nhẹ, nhưng giới quan sát vẫn dự đoán rằng đồng bạc xanh, vốn đang “neo” gần mức đỉnh của 20 năm, sẽ tiếp tục xu hướng đi lên.

Mùa hè có lẽ là thời điểm tốt để người dân Mỹ đi du lịch châu Âu. Mặc dù đang phải đối mặt với rủi ro lạm phát chưa từng có, người dân Mỹ có lẽ cũng không quá bận tâm bởi giờ đây, giá cả ở hầu như tất cả mọi nơi trên thế giới đều rẻ đối với họ.

Theo tạp chí The Economist của Anh, đầu năm 2021, đồng USD đứng ở mức thấp nhất trong hơn 5 năm so với rổ tiền tệ chung. Đồng tiền này đã bị “vùi dập” bởi những bất ổn do đại dịch.

Khi cuộc sống trở lại bình thường, đồng bạc xanh có phục hồi nhưng rất ít nhà phân tích lường trước được một sự gia tăng mạnh mẽ như vậy. Đồng tiền nước Mỹ đã tăng gần 20% so với rổ tiền tệ chung so với hồi tháng Sáu năm ngoái và quay lại mức đỉnh cao đạt được lần cuối vào năm 2002.

Điều này diễn ra chủ yếu là do sự thay đổi trong quan điểm của Fed sang chiều hướng diều hâu. Với quyết tâm kiềm chế lạm phát, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hai lần trong hai tháng qua, một mức tăng nhanh đáng kể có khả năng làm chậm nền kinh tế Mỹ.

Các nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm nữa vào trước cuối năm nay, cho thấy tốc độ thắt chặt tiền tệ mạnh nhất kể từ đầu những năm 1980.

Lãi suất là một yếu tố quan trọng quyết định đến tỷ giá hối đoái. Nếu tất cả những yếu tố khác là như nhau, quốc gia có lãi suất cao hơn sẽ có đồng tiền mạnh hơn vì tài sản ở quốc gia đó tạo ra tỷ suất sinh lợi cao hơn, thu hút nhiều dòng vốn hơn.

Điều này giải thích tại sao đồng USD lại tăng giá mạnh so với đồng euro và đồng yen, bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tỏ ra ôn hòa hơn nhiều so với Fed trong việc thắt chặt chính sách. ECB có thể đã bắt đầu thúc đẩy việc tăng lãi suất, nhưng BOJ vẫn đang trung thành với chính sách lãi suất âm.

Sự tương phản trong các chính sách này phản ánh sự khác biệt sâu sắc về các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Trong nhiều năm, vấn đề của Nhật Bản là giảm phát, với giá cả chỉ tăng nhẹ trong những tháng gần đây, nên ngân hàng trung ương nước này tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng.

Ở khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), lạm phát đã tăng cao tương đương ở Mỹ. Nhưng vấn đề “đau đầu” của khu vực này có liên quan chặt chẽ hơn đến chi phí khí đốt tự nhiên tăng cao và việc tăng lãi suất vừa không làm giảm chi phí năng lượng vừa làm tăng khả năng xảy ra suy thoái.

Trong khi đó, ở Mỹ, nhu cầu quá mức, một phần là do chính sách kích thích tài chính và tiền tệ trong thời kỳ đại dịch, dường như đã đóng vai trò lớn hơn trong việc đẩy lạm phát lên. Trong tháng 6, lạm phát cơ bản của Mỹ, bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, là 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này ở châu Âu chỉ là 3,7%. Do đó, chính sách tiền tệ thắt chặt là một ưu tiên cấp bách hơn đối với Mỹ.

Xu hướng thắt chặt của Fed và các ngân hàng trung ương khác đang đè nặng lên giá tài sản trên toàn cầu. Hầu hết các thị trường chứng khoán đang ở trong tình trạng biến động dữ dội, trái phiếu doanh nghiệp bị “đánh bầm dập” và thế giới tiền điện tử đang ở trong “đống đổ nát”.

Các chuyên gia dự báo bi quan cho rằng điều tồi tệ hơn còn nằm ở phía trước, khi suy thoái kinh tế ập đến. Hiện tại, điều này tất cả đều có lợi cho đồng USD.

Vào những thời điểm bất ổn về tài chính, đồng bạc xanh thường được hưởng lợi từ xu hướng các dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn. Các nhà đầu tư tin tưởng rằng bất kể điều gì xảy ra, họ có thể “trốn” ở một thị trường tiền tệ được quản lý tốt, có tính thanh khoản cao như Mỹ và chờ đến khi cơn bão tan.

Một mô hình đưa ra bởi ngân hàng Standard Chartered cho thấy khoảng 45% sức mạnh gần đây của đồng USD bắt nguồn từ vị thế trú ẩn an toàn của nó.

Vậy liệu sự phục hồi này có kéo dài? Nếu Fed tiếp tục “diều hâu” hơn so với các ngân hàng trung ương khác, điều đó sẽ hỗ trợ giá trị của đồng USD.

Tương tự như vậy, một đợt hỗn loạn mới của thị trường có thể sẽ hỗ trợ đồng USD. Tuy nhiên, vì đến nay đã tăng rất nhiều, phạm vi để đồng USD tăng thêm nữa có thể bị hạn chế.

Tin mới lên