Đà phục hồi kinh tế ở nhiều nước đẩy giá hàng hóa tăng mạnh. Cùng với đó, lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thép và quặng sắt ở Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động đầu cơ.
Theo Bloomberg, nhu cầu thép tăng mạnh khi các nền kinh tế trên toàn thế giới vực dậy từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong khi đó, những công ty khai thác lớn nhất thế giới bị cản trở bởi một số vấn đề hoạt động và nguồn cung quặng bị thắt chặt.
Chính quyền Trung Quốc vừa công bố một loạt biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát công suất sản xuất thép, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung. Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank AG nhận định triển vọng dài hạn đối với giá kim loại là "quá tốt" và giá sẽ tăng cao hơn nữa trong vài năm tới.
"Những xu hướng khử cacbon ở nhiều quốc gia - bao gồm chuyển sang xe điện, mở rộng năng lượng gió và năng lượng mặt trời - có khả năng tạo ra thêm nhu cầu đối với kim loại", ông nhận định.
Giá tăng kỷ lục
Hôm 10/5, giá quặng sắt (thành phần quan trọng để sản xuất thép) kỳ hạn của Trung Quốc tăng 10% lên mức cao kỷ lục 226 USD/tấn, trong khi giá thép vọt lên 6% chạm ngưỡng giới hạn giao dịch. Tuần trước, giá quặng sắt lần đầu tiên vượt mức 200 USD/tấn.
Nguyên nhân là các động thái hạn chế công suất sản xuất của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung và thúc đẩy hoạt động mua đầu cơ. Trung Quốc là nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới.
Chính quyền đất nước 1,4 tỷ dân đã công bố một loạt biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát công suất sản xuất thép. Đó là một phần của nỗ lực hạn chế ô nhiễm ở các khu vực trọng điểm, giảm thiểu "những khoản đầu tư mù quáng và các công trình xây dựng không phù hợp".
Theo Bloomberg, điều đáng nói là bất chấp một loạt biện pháp hạn chế sản xuất nhằm giảm lượng khí thải carbon và kiềm chế nguồn cung, các nhà sản xuất thép ở Trung Quốc vẫn duy trì mức sản lượng 1 tỷ tấn/năm.
Do đó, những biện pháp hạn chế của Bắc Kinh đã thúc đẩy giá thép và lợi nhuận tại các nhà máy, cho phép họ thích ứng tốt hơn với chi phí quặng sắt tăng cao.
Giới chuyên gia nhận định động lực chính khiến giá thép và các nguyên liệu sản xuất thép tăng vọt là hoạt động đầu cơ. Bởi trên thực tế, khi giá leo dốc, một số nhà máy đã ngừng mua nguyên liệu, trì hoãn sản xuất và giao hàng.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn mua bán hàng hóa trên thị trường giao ngay. "Giá quặng sắt và thép tăng chủ yếu do những giao dịch đầu cơ", nhà phân tích Wu Shiping của Tianfeng Futures nhận định.
Giá quặng sắt với hàm lượng sắt 62% giao ngay tại Trung Quốc hiện ở mức 212 USD/tấn. Trên sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 6/2021 tăng 10,3% lên 226,25 USD/tấn.
"Các nhà giao dịch mua bán phái sinh quặng sắt chẳng khác gì tiền mã hóa. Chúng không dựa trên những nguyên tắc cơ bản, mà là đầu cơ thuần túy", Giám đốc điều hành Navigate Commodities Atilla Widnell nhận định.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác trên sàn Đại Liên cũng tăng mạnh. Giá than luyện cốc tăng 7% lên 2.043 NDT/tấn (317,83 USD/tấn), than cốc tăng giá 5,5% tới 2.987 NDT/tấn (464 USD/tấn).
Giá thép trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng cao, phản ánh mức tăng trên thị trường giao ngay. Cả hai loại thép cây xây dựng và thép cuộn cán nóng đều đạt mức giới hạn trên lần lượt là 6.012 CNY (935,3 USD) và 6.335 CNY (985,55 USD).
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép không gỉ giao tháng 6 tăng 3,3% lên 15.390 NDT/tấn (2394,26 USD/tấn).
"Cơn bão" tăng giá trên toàn cầu
Trên thực tế, giá thép leo dốc không đi ngược với xu hướng tăng chung của hàng hóa trên toàn cầu. Theo Financial Times, nhu cầu mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc, sự bùng nổ chi tiêu của các chính phủ cho hàng loạt kế hoạch phục hồi hậu đại dịch và ván cược vào nền kinh tế "xanh" đã nâng giá nhiều nguyên liệu thô quan trọng.
Giá palladium (nguyên liệu được các hãng xe sử dụng nhằm hạn chế khí thải độc hại) và gỗ xẻ đều đạt đỉnh. Giá quặng sắt giao ngay (thành phần quan trọng để sản xuất thép) và giá đồng cũng đạt kỷ lục mới khi nhu cầu tăng vọt.
“Tôi không rõ liệu chuyện này đã từng xảy ra trước đây hay chưa. Nhưng giờ chúng ta đang mắc kẹt trong một 'siêu bão kinh hoàng'”, ông Ulf Larsson, CEO của SCA, một công ty gỗ và bột giấy Thụy Điển, bình luận.
Đà phục hồi kinh tế thần tốc ở châu Âu, Trung Quốc và những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ đã thúc đẩy nhu cầu tăng vọt. Giới phân tích nhận định nguồn cung hạn hẹp và sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19 cũng "đổ thêm dầu vào lửa".
Theo ông Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng tại Trafigura, các gói chi tiêu mạnh tay của Washington có thể thúc đẩy nhu cầu hàng hóa của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Ngoài kế hoạch đã được thông qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn đề xuất thêm hai kế hoạch kích thích bổ sung. Chỉ cần triển khai một kế hoạch trong số đó, giá sẽ tiếp tục tăng. Đây mới chỉ là khởi đầu", ông Rahim nói thêm.
Theo Bloomberg, trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu của lạm phát - được thúc đẩy bởi giá nguyên liệu thô tăng cao - các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Câu hỏi đặt ra là FED sẽ cắt giảm các gói hỗ trợ khẩn cấp vào thời điểm nào.
Giới quan sát nhận định đà tăng giá có thể chững lại khi FED phát đi tín hiệu dừng các gói hỗ trợ. Một số nhà phân tích - bao gồm ông Briesemann tại Commerzbank - cho rằng giá kim loại sẽ sụt giảm do động lực tăng giá đang tách rời khỏi những yếu tố cơ bản.
Một số nhà máy đang dừng mua nguyên liệu thô khi giá tăng vọt. Do đó, đà tăng được thúc đẩy bởi hoạt động đầu cơ sẽ không bền vững. Ngoài ra, theo các chuyên gia của Bloomberg, Trung Quốc có thể đưa ra những chính sách mới làm giảm nhu cầu đối với quặng sắt và đồng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.