Vì sao Vietcombank tự tin tăng phí dịch vụ?

Linh Nguyễn - 05/03/2018 10:10 (GMT+7)

(VNF) - Vị thế của một trong những ngân hàng lớn nhất nước, thu hút được lượng tiền gửi khách hàng cao nhất trong hệ thống ngân hàng chính là điểm khác biệt giữa Vietcombank và các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ hơn.

VNF

Tăng phí…

Từ ngày 1/3/2018, Vietcombank đã chính thức điều chỉnh một loạt phí giao dịch và phí dịch vụ với khách hàng cá nhân. Theo đó, ngân hàng này đã tăng phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng mỗi tháng. Phí giao dịch chuyển tiền nội bộ trong hệ thống Vietcombank qua Mobile Banking cũng bị áp mức phí 2.000 đồng với số tiền giao dịch dưới 50 triệu đồng và 5.000 đồng với số tiền giao dịch trên 50 triệu đồng, thay vì miễn phí như trước đây. 

Cùng với đó, Vietcombank cũng đã điều chỉnh cách tính phí giao dịch liên ngân hàng. Cụ thể, phí chuyển khoản liên ngân hàng với giao dịch dưới 10 triệu đồng giảm nhẹ từ 11.000 đồng xuống 7.700 đồng. Nhưng các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng sẽ tính phí theo 0,02% giá trị giao dịch, với quy định tối thiểu là 10.000 đồng và tối đa là 1.000.000 đồng.

Ngay sau khi Vietcombank áp dụng mức phí mới, nhiều khách hàng đã lên tiếng phản đối. Theo họ, Vietcombank có vẻ như đang tận thu, nhất là khi thu phí cả những giao dịch nội bộ trong hệ thống qua Mobile Banking, vốn được miễn phí trước đây. 

Trong "lộ trình" tăng một loại phí này, Vietcombank dường như là một mình ngựa, do nhiều ngân hàng khác vẫn duy trì mức phí chuyển khoản liên ngân hàng thấp và miễn phí chuyển khoản nội bộ trong cùng hệ thống.

Điển hình là Techcombank, ngân hàng này đã nhanh chóng đăng trên fanpage chính thức của mình thông tin miễn phí tất cả các loại phí chuyển tiền trong hệ thống, ngoài hệ thống và phí duy trì dịch vụ hàng tháng. 

An Bình Bank cũng không kém phần nhạy bén khi thông tin ra ngoài rằng ngân hàng này miễn phí hoàn toàn giao dịch trong hệ thống cho người dùng internet banking và mobile banking.

…và lợi thế ngân hàng lớn

Đi ngược lại xu thế, tất nhiên Vietcombank cũng đã tính toán và có những lợi thế riêng của mình, và ngân hàng này cũng không lo sự điều chỉnh một loạt phí đó làm mất khách hàng. Lý do là vì Vietcombank hiện đang là một trong ba ngân hàng thu hút lượng tiền gửi từ khách hàng lớn nhất cả nước, cùng với BIDV và VietinBank. 

Báo cáo tài chính mới nhất của Vietcombank cho thấy lượng huy động tiền gửi khách hàng trong năm 2017 đạt hơn 708.000 tỷ đồng, chỉ sau BIDV (859.785 tỷ đồng) và VietinBank (752.370 tỷ đồng). Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank hay VPBank cũng chỉ huy động được lần lượt là 170.970 tỷ đồng và 133.550 tỷ đồng. 

Các con số đó nói lên một điều rằng, người gửi tiền vẫn tin tưởng gửi tài sản của mình vào các ngân hàng quốc doanh hơn các ngân hàng tư nhân. Điều này càng quan trọng hơn khi gần đây đang nổi lên vụ việc hơn 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm của một khách hàng cá nhân tại Eximbank bị nhân viên ngân hàng rút mất.

Chính Vietcombank đã trải qua một cuộc khủng hoảng vào năm 2016 khi một khách hàng tài khoản của một khách hàng cá nhân bị tin tặc rút mất 500 triệu đồng trong đêm. Tuy nhiên, dường như vụ việc đó không gây ảnh hưởng nhiều tới lượng khách hàng gửi tiền vào Vietcombank. 

Bằng chứng là lượng tiền gửi của khách hàng vào Vietcombank vẫn tăng lên hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2017. Vietcombank chắc hẳn sẽ tự tin rằng khách hàng cũng cần ngân hàng và sẽ không vì sự điều chỉnh một số loại phí mà bỏ ngân hàng.

Nhận định trên có thể thấy rõ hơn nếu nhìn vào lãi suất huy động của Vietcombank. Thực tế thì Vietcombank hay các ngân hàng quốc doanh khác như BIDV và VietinBank có mức lãi suất huy động với khách hàng cá nhân rất thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần. 

Cụ thể, dải lãi suất kỳ hạn ngắn của Vietcombank hiện nay thuộc hàng thấp nhất hệ thống khi người dân gửi tiền vào nhà băng này từ 1-12 tháng chỉ nhận được mức lãi suất 4,2-6,5%/năm tương ứng. Lãi suất tiếp kiệm trung và dài hạn tại đây cũng không quá mức 7%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn tại BIDV không vượt quá 6,9%/năm, tại Vietinbank nhỉnh hơn một chút là 7%/năm. 

Tuy nhiên, lượng tiền huy động được của ba ngân hàng này vẫn là cao nhất hệ thống. Rõ ràng, người gửi tiền sẵn sàng hi sinh bớt lợi nhuận và gửi và Vietcombank để cảm thấy yên tâm hơn, và chắc rằng những khách hàng này cũng sẽ chẳng bỏ Vietcombank vì mức phí tăng lên.

Khi khách hàng không bỏ Vietcombank đi, thì tất nhiên nguồn lợi lớn đổ vào ngân hàng nhờ mức phí giao dịch và dịch vụ quản lý tăng. Hiện tại, Vietcombank có hơn 3,4 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ internet banking và mobile banking. 

Trong năm 2017, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này đạt tới hơn 5.381 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ là hơn 2.541 tỷ đồng. Chắc chắn nguồn thu cho hoạt động dịch vụ sẽ tăng mạnh trong năm nay sau khi ngân hàng áp dụng biểu phí dịch vụ mới theo hướng tăng lên.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.