(VNF) - Như dự báo trước đó của nhiều công ty chứng khoán, Việt Nam vẫn chưa được xướng tên trong danh sách xem xét nâng hạng của Morgan Stanley Capital International MSCI).
Sáng nay 21/6 theo giờ Việt Nam, MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới.
Đáng tiếc, Việt Nam vẫn chưa được thêm vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market). Tuy nhiên, đây không phải điều quá bất ngờ khi thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt chưa được giải quyết.
Trong khi đó, Bulgaria đã được điều chỉnh từ “thị trường độc lập” (standalone market) sang “thị trường cận biên” (frontier market). Điều này có thể làm giảm tỷ trọng của các quốc gia khác trong rổ chỉ số, trong đó có Việt Nam.
Những tiến bộ được ghi nhận
Dù tiếp tục “lỡ chuyến tàu” nâng hạng song thị trường Việt Nam đã có một số tiến triển được MSCI ghi nhận. Cụ thể, tiêu chí “khả năng chuyển nhượng” (transferbility) đã được chuyển từ “-” (cần cải thiện) thành “+” (không có vấn đề lớn).
“Sau những thay đổi về quy định, nhiều loại hình giao dịch giao dịch ngoài sàn (off-exchange transaction) và chuyển nhượng hiện vật (in-kinds transfer) đã có thể được thực hiện mà không cần phải có sự phê duyệt trước của cơ quan quản lý, giúp khối lượng giao dịch này tăng lên đáng kể trong những năm gần đây”, MSCI đánh giá.
Tuy nhiên, đơn vị xếp hạng này cũng lưu ý rằng, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thường mất vài ngày để xem xét tài liệu cần thiết trước khi các giao dịch nói trên có thể được thực hiện.
Bên cạnh sự cải thiện về khả năng chuyển nhượng, MSCI ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong Việt Nam việc giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận, chẳng hạn như giới hạn sở hữu nước ngoài, yêu cầu về pre-funding và việc thiếu công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh.
“MSCI sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ của những cải cách này”, MSCI nhấn mạnh.
Nghẽn ở đâu và giải quyết thế nào?
Theo báo cáo của MSCI, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn 8 tiêu chí cần cải thiện để hoàn thành bộ 18 tiêu chí của đơn vị xếp hạng này..
Thứ nhất, về giới hạn sở hữu nước ngoài, MSCI chỉ ra rằng, các công ty hoạt động trong một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm nhất định vẫn phải tuân theo giới hạn sở hữu nước ngoài từ 0 đến 51%. Sự hạn chế này ảnh hưởng tới hơn 10% thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ hai là tiêu chí room ngoại còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Hơn 1% của chỉ số MSCI Vietnam IMI bị tác động bởi room nước ngoài thấp.
Thứ ba là quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo MSCI, một số thông tin về doanh nghiệp không phải lúc nào cũng có sẵn phiên bản tiếng Anh. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.
Thứ tư là mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối. Việt Nam chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và có những hạn chế đối với thị trường tiền tệ trong nước (ví dụ như giao dịch ngoại hối phải được liên kết với giao dịch bảo đảm).
Thứ năm là tiêu chí đăng ký nhà đầu tư và thiết lập tài khoản. Hiện tại, việc đăng ký là bắt buộc và việc mở tài khoản cần có sự chấp thuận của VDSC.
Thứ sáu, về quy định thị trường, MSCI đánh giá, không phải tất cả các quy định của Việt Nam đều có thể tìm thấy bằng tiếng Anh.
Tương tự, đối với tiêu chí thứ bảy là luồng thông tin, theo MSCI, thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam không phải lúc nào cũng được công bố bằng tiếng Anh và đôi khi không đủ chi tiết.
Cuối cùng, về tiêu chí thanh toán và bù trừ, hiện tại, Việt Nam chưa có công cụ vay thấu chi và giao dịch cần ứng tiền trước.
Thực tế, Việt Nam chưa cần phải cải thiện toàn bộ 8 tiêu chí nói trên để được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việc giải quyết trước mắt vấn đề pre-funding, tiến tới sớm vận hành hệ thống giao dịch mới, triển khai lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh… sẽ là những điểm cộng tích cực trong đánh giá của MSCI, FTSE đối với Việt Nam thời gian tới.
Trong nỗ lực tháo gỡ những một số nút thắt nói trên, hồi đầu năm, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xin ý kiến các thành viên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài trong việc sửa đổi một số các thông tư quan trọng bao gồm: - Thông tư số 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán (Thông tư số 120); - Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán (Thông tư số 119); - Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán (Thông tư số 121); - Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư số 96).
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.