Việt Nam là ‘ngôi sao mới’ trong xu hướng kinh tế kĩ thuật số ở châu Á
Hoàng Lan -
26/03/2018 16:52 (GMT+7)
(VNF) - Sự thâm nhập của internet vào đời sống người dân và tỷ lệ dân số vàng đang được xem là hai yếu tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành "ngôi sao mới" của xu hướng kinh tế kĩ thuật số ở châu Á.
Mới đây, Payoneer, một công ty thanh toán điện tử lớn của Mỹ, đã đưa ra báo cáo "Kinh tế kỹ thuật số ở châu Á: Chỉ dẫn những cơ hội trên toàn cầu". Trong báo cáo, Việt Nam nổi lên với những cơ hội then chốt cùng với Malaysia, Thái Lan và Philippines.
"Việt Nam cho thấy tiềm năng đặc biệt trong không gian thương mại điện tử nhờ vào kinh tế và lịch sử sản xuất", người đại diện của Paynoneer nói.
Paynoneer nhận định hai yếu tố dẫn đến tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam chính là sự thâm nhập của internet vào đời sống người dân và tỷ lệ dân số "vàng".
Paynoneer đánh giá cao kinh nghiệm trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước có đầy đủ nền tảng cần thiết để sản xuất hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Điều này càng đúng khi Việt Nam đang có tới gần 55 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm 60% dân số).
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật ngày càng cao. Trong khi đó, chi phí sản xuất tại Việt Nam vẫn tương đối thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo dự đoán, lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ tăng 30 – 50%/năm.
Theo báo cáo mới nhất của Google và Temasek, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á đạt 11 tỷ USD vào năm 2017, tăng 41% so với 2015. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á, đạt 33%.
Việt Nam cũng là một thị trường trẻ và am hiểu về công nghệ. Năm 2017, Việt Nam có 53,86 triệu người sử dụng internet. Các chuyên gia dự đoán con số này sẽ đạt gần 60 triệu trong bốn năm tới.
Theo báo cáo về ứng dụng mua sắm tại Việt Nam của Nielsen, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về tổng thời gian người dùng trực tuyến. Số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam chiếm 95%, trong đó điện thoại thông minh chiếm đến 78%. Cụ thể, có đến 79% người dùng xem sản phẩm trên ứng dụng di động hoặc website; 75% dùng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi mua hàng.
Sự gia tăng của điện thoại di động đã đẩy nhanh quá trình phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, thanh toán điện tử vẫn đang là rào cản của Việt Nam. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện chỉ có khoảng 31% người dân có tài khoản tại các ngân hàng.
Tuy nhiên, vấn đề trên sẽ được giải quyết dễ dàng bằng các ứng dụng thanh toán hoặc dịch vụ online khác. Ngay cả những khách hàng không có tài khoản chính thức cũng có thể mở một ví điện tử và đưa họ lên mạng thông qua các nhà cung cấp địa phương.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, tổng giá trị giao dịch thanh toán điện tử tại Việt Nam năm 2017 đạt 6,14 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016. Con số này dự kiến sẽ còn tăng gấp đôi vào năm 2022, lên đến 12,33 tỷ USD.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone