Tiêu điểm

Việt Nam tính tăng thu từ các tập đoàn đa quốc gia thêm 14.600 tỷ đồng

(VNF) - Bộ Tài chính cho biết đến năm 2024, nếu Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu thì ngân sách sẽ thu được phần chênh lệch tiền thuế khoảng 14.600 tỉ đồng từ các doanh nghiệp FDI.

Việt Nam tính tăng thu từ các tập đoàn đa quốc gia thêm 14.600 tỷ đồng

Nếu Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu thì ngân sách sẽ thu khoảng 14.600 tỉ đồng từ các doanh nghiệp FDI.

Bộ Tài chính cho biết nếu Việt Nam áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn thì sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế TNDN tại Việt Nam. Thu với số thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu (15%) và sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước về thuế TNDN từ những đối tượng này.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là quốc gia nhập khẩu vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, có khoảng 335 dự án vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%.

Theo rà soát của Tổng cục Thuế, hiện có 619 tập đoàn đa quốc gia (khoảng 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam) có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu EUR trở lên, trong đó có 438 tập đoàn có một công ty thành viên tại Việt Nam và 181 tập đoàn có nhiều công ty thành viên tại Việt Nam (tổng cộng 576 công ty thành viên).

Theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có 122 tập đoàn trong số trên chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu thuế này được áp dụng từ năm 2024.

Nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024 mà Việt Nam không áp dụng thì các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.600 tỉ đồng (Hàn Quốc hơn 10.700 tỉ đồng, Nhật Bản hơn 250 tỉ đồng, các quốc gia còn lại hơn 3.560 tỉ đồng...).

Về việc Theo bà Nguyễn Thy Nga (Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển), Việt Nam cần tiến hành đẩy nhanh truyền thông chính sách, lấy ý kiến cộng đồng khoa học và doanh nhân về thực tế của trụ cột 2... trong bối cảnh mỗi ngày lại có thêm nhiều quốc gia ban hành chính sách và áp dụng sớm chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo đó, trong ngắn hạn, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nội luật áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu thuế. Điều này có thể bắt đầu thí điểm từ tháng 11/2023 và mở rộng hơn với tháng 12/2023 và thông báo chính thức chủ trương vào ngày 1/1/2024 khi thuế suất tối thiểu toàn cầu có hiệu lực.

Trong dài hạn, theo bà Nga, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của trụ cột 2, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

“Việc ban hành chính sách hoặc cơ chế mới cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của trụ cột 2. Điều này cần đảm bảo thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư hiện tại, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia”, bà Nga nói.

Ngoài ra, bà Nga cũng cho rằng đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi trụ cột 2, Việt Nam nên chủ động lấy ý kiến và mời góp ý xây dựng hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp hơn trong bối cảnh triển khai thuế suất, nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp này khi đầu tư tại Việt Nam để khuyến khích đầu tư, mở rộng đầu tư.

“Việt Nam nên tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp FDI bổ sung thuế tại Việt Nam, nâng cao năng lực dự báo và phòng ngừa các khủng hoảng chính sách có thể xuất hiện khi thay đổi về thuế; đồng thời đẩy mạnh việc phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý…”, bà Nga nêu.

Trước đó, vào ngày 26/7, Chính phủ đã thống nhất sẽ trình Quốc hội các dự thảo nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì xây dựng báo cáo, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế.

Tin mới lên