Việt Nam trên đường thành 'công xưởng' mới của thế giới
(VNF) - Các nhà máy ở Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng kể từ năm 2018 và hiện đang thể hiện được khả năng cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả.
Lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn toàn cầu
Trong những năm gần đây, Việt Nam là điểm dừng chân của nhiều tập đoàn lớn toàn cầu.
Được nhận định là quốc gia được hưởng lợi khi làn sóng dịch chuyển, đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc, Việt Nam liên tục đón nhận những thông tin đáng mừng về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như những dự án đầu tư nhà máy hàng trăm triệu, hàng tỷ USD, đặc biệt trong giai đoạn nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump và sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh nhiều tên tuổi lớn quen thuộc từ nhiều năm nay như Samsung, LG từ Hàn Quốc, ngày càng nhiều thương hiệu lớn đều lựa chọn mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam, điểm tên trong năm 2024 có thể kể tới các khoản đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng từ Apple, Foxconn, Nvidia hay Meta,...
Điều này giúp củng cố năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, đưa quốc gia lên một vị trí mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây dựng nền kinh tế trong nước.
Trong nhiều thập kỷ trước đây, Trung Quốc đã duy trì vị thế thống trị là "công xưởng của thế giới", với ngành sản xuất khổng lồ mang lại cho họ lợi thế rõ ràng về hiệu quả và chất lượng. Nhưng với những thay đổi và thành tích đáng kể trong vòng 15 năm qua, Việt Nam đã nổi lên cho vị trí "công xưởng của thế giới".
Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc điều hành các nhà máy lớn ở cả Trung Quốc và Việt Nam, sản xuất hàng triệu điện thoại thông minh cho thị trường toàn cầu.
Và khi nói đến chất lượng, không có sự khác biệt giữa các thiết bị Android được lắp ráp ở mỗi quốc gia, ông Lam Nguyen, giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường IDC, cho biết.
“Chất lượng của một chiếc điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam chắc chắn tương đương với một chiếc điện thoại sản xuất tại Trung Quốc”, ông Lam nói.
Không chỉ riêng điện thoại. Các nhà phân tích cho biết các nhà máy của Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh chóng trong vài năm qua và hiện đang ngang bằng với các đối thủ Trung Quốc về chất lượng cũng như giá cả trong nhiều ngành công nghiệp.
Alberto Vettoretti, đối tác quản lý của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates, cho biết: "Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể về chất lượng, khả năng cạnh tranh về giá cả và tính sẵn có".
Như ví dụ của Samsung cho thấy, chất lượng xuất khẩu của các mặt hàng tiêu chuẩn như đồ điện tử, ô tô và quần áo thương hiệu hiếm khi thay đổi, vì các công ty đa quốc gia yêu cầu hiệu suất như nhau từ các nhà máy ở cả hai quốc gia, các nhà phân tích cho biết.
Zach Herbers, giám đốc điều hành của công ty tư vấn kinh doanh Herbers Agency có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Để có thể cạnh tranh trên thị trường như vậy, bạn phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất".
Trở ngại giá cả và khả năng sản xuất số lượng lớn
Dù sản xuất bất cứ mặt hàng gì, lợi thế chính của Việt Nam vẫn là nguồn lao động giá rẻ.
Nhưng các nhà máy của Trung Quốc vẫn có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc sản xuất hàng loạt các mặt hàng như đồ điện tử, trong khi chuỗi cung ứng trưởng thành của họ đảm bảo nguồn cung dồi dào, các chuyên gia cho biết.
Victor Gao - Phó chủ tịch của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết khi mua áo sơ mi tại các cửa hàng bách hóa ở Mỹ, ông vẫn thấy rằng hàng may mặc sản xuất tại Trung Quốc bền hơn bất kỳ loại hàng nào khác.
Ông Gao cho biết thêm rằng các nhà máy Trung Quốc rất giỏi trong việc kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng đồng đều và linh hoạt trong việc thay đổi linh kiện.
Ông Dezan Shira cho biết Trung Quốc cũng có lợi thế nhờ "lực lượng lao động đông đảo và lành nghề", chuỗi cung ứng toàn diện và cơ sở hạ tầng tiên tiến.
Nhà tư vấn Alberto Vettoretti, đối tác quản lý của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates, cho biết thách thức đối với Việt Nam hiện nay là phải sánh ngang với Trung Quốc về giá trong các danh mục xuất khẩu mà quy mô và hiệu quả về chi phí là rất quan trọng, đồng thời nói thêm rằng đồ điện tử tiêu dùng và xe điện của Việt Nam vẫn tụt hậu so với Trung Quốc về chủng loại và tính sẵn có.
“Kiểm soát chất lượng vẫn là thách thức đối với một số nhà sản xuất nhỏ hơn hoặc ít kinh nghiệm hơn” tại Việt Nam, ông nói.
Chuyên gia này nói thêm: “Sự không nhất quán này có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy và độ bền của một số sản phẩm, khiến Việt Nam kém cạnh tranh hơn trên thị trường cao cấp so với Trung Quốc”.
Chuyên gia này cũng cho biết các vấn đề về hậu cần và chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn là một vấn đề, vì việc giao hàng sản phẩm có thể không đáng tin cậy trong các thời kỳ cao điểm.
Theo ông Jack Herbers, Việt Nam cũng sẽ phải đào tạo thêm nhiều lao động lành nghề khi mở rộng sang lĩnh vực sản xuất tiên tiến.
“Tôi cho rằng trình độ học vấn khá cao trong lực lượng lao động, nhưng rõ ràng là có sự vội vã. Bạn cần phải có nhiều hơn nữa khi Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất tiên tiến”, ông Herbers nói.
Ngoài ra, việc phát triển thương mại điện tử cũng là một yếu tố chủ chốt giúp tăng khả năng tiếp cận các khách hàng mới ở cả trong nước và nước ngoài. Ví dụ, các kênh bán hàng trực tuyến của Trung Quốc như Shein, Lazada, Temu đã có độ phủ sóng đáng kể trên toàn cầu, đưa ra mức giá cạnh tranh cho người tiêu dùng. Trong khi đó, Tiki của Việt Nam vẫn còn khá khó khăn với việc giành thị phần trong nước, chưa nói tới cạnh tranh về giá.
Top 2 toàn cầu, ngành hàng 44 tỷ USD của Việt Nam vượt 'nỗi đau' để phục hồi
- Việt Nam 2025: Điểm sáng Châu Á, 'điểm nóng' du lịch toàn cầu 01/01/2025 09:15
- Năm 2025: 'Việt Nam có cơ hội tăng trưởng đến 8%' 01/01/2025 08:00
- ‘Giấy thông hành’ cho DN Việt vào thị trường đặc biệt 10.000 tỷ USD 28/12/2024 08:00
Nhà phố trên 'đất vàng' Hà Nội, bỏ trống hàng loạt vì 'ế' khách thuê
(VNF) - Nhiều căn nhà mặt phố đường Kim Mã (Hà Nội) hiện nay vẫn để không từ nhiều tháng nay vì không tìm được khách thuê.