Top 2 toàn cầu, ngành hàng 44 tỷ USD của Việt Nam vượt 'nỗi đau' để phục hồi
(VNF) - Bên cạnh những tín hiệu lạc quan của ngành dệt may, vẫn tồn tại không ít thách thức, không ít doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy khó khăn.
DN dệt may những nỗi đau còn lại
Năm 2024 khép lại với một dấu ấn đáng chú ý trong ngành dệt may Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Thành tích này giúp Việt Nam có khả năng vươn lên vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ đứng sau Trung Quốc – quốc gia đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 273,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm.
Trên nền tảng này, ngành đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 47-48 tỷ USD vào năm 2025, khi các thị trường lớn như Mỹ và EU đang cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng tích cực cùng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, vẫn tồn tại không ít thách thức. Nhiều doanh nghiệp dệt may chưa thoát khỏi vòng xoáy khó khăn, thậm chí phải đối mặt với tình hình tài chính ngày càng xấu đi. Điển hình gần đây là Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC), với cổ phiếu GMC bị hủy niêm yết bắt buộc theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Nguyên nhân được sở đưa ra do Garmex Sài Gòn đã ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ 1 năm trở lên, thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định của pháp luật. Ngày giao dịch cuối cùng là 23/1/2025, ngày huỷ niêm yết là 24/1/2025. Như vậy, GMC sẽ là cổ phiếu đầu tiên phải rời sàn HoSE trong năm 2025.
Tình hình khó khăn của GMC đã kéo dài từ suốt tháng 5/2023 cho đến nay, khi doanh nghiệp không có đơn hàng và phải tạm ngưng sản xuất. Theo cập nhật mới nhất, ban lãnh đạo GMC cho biết năm 2023 không có đơn hàng do đơn giá thấp.
Nửa cuối năm 2024, GMC không vẫn chưa có đơn hàng và phải may mền và kinh doanh nhà thuốc để duy trì các hoạt động kinh doanh, tuy nhiên doanh thu là không đáng kể. Hiện GMC đang tiến hành thanh lý nhiều tài sản như xe ô tô, xe tải, nguyên phụ liệu ngành may,…
Doanh nghiệp vẫn nung nấu ý định khôi phục việc sản xuất kinh doanh và đang ráo riết tìm đối tác châu Âu, Mỹ để có đơn hàng. Nếu khả thi, dự kiến GMC sẽ triển khai việc sản xuất tại nhà máy Quảng Nam vào tháng 3/2025 với 1.200 lao động. Ở thời điểm đỉnh cao, GMC có tới 4.000 nhân viên, 5 nhà máy và 70 chuyền sản xuất.
Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL) cũng là một trong những doanh nghiệp dệt may chưa thể hoà chung niềm vui với toàn ngành khi kết quả kinh doanh vẫn lẹt đẹt.
Tình hình khó khăn của Gilimex bắt đầu nửa cuối năm 2022, khi khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp này là Amazon tiến hành cắt đơn hàng. Doanh thu và lợi nhuận của Gilimex giai đoạn sau đó liên tục lao dốc, sụt giảm 80-90% so với cùng kỳ. Từ mức doanh thu hơn nghìn tỷ đồng, lợi nhuận hơn trăm tỷ đồng mỗi quý, Gilimex chỉ còn ghi nhận doanh thu vài trăm tỷ đồng, lợi nhuận lẹt đẹt vài tỷ đồng hoặc thua lỗ.
Lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt vỏn vẹn 29 tỷ đồng, thua xa mức lãi hàng trăm tỷ đồng các năm trước đó. Luỹ kế 9 tháng năm 2024, Gilimex may mắn thoát lỗ nhờ khoản lợi nhuận khác 28 tỷ đồng, trong khi lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 3,7 tỷ đồng.
Việc khách hàng lớn đột ngột giảm đơn hàng đã khiến Gilimex dư thừa nguồn lực, khi mà doanh nghiệp dệt may này đã tuyển 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hàng năm. Mặt khác, Gilimex cũng từ chối các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu cho Amazon, hành động được cho là quá phụ thuộc vào một khách hàng lớn.
Gilimex đã có đơn kiện gửi lên Toà án Tối cao New York (Mỹ), đòi đối tác Amazon bồi thường 280 triệu USD từ năm 2022. Vụ kiện hiện vẫn chưa đi tới hồi kết, cũng như việc Gilimex chưa thể phục hồi mạnh mẽ như các doanh nghiệp cùng ngành. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã chuyển hướng, tập trung vào mảng bất động sản khu công nghiệp với 2 dự án là Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài - Huế (quy mô 460ha) và Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long (quy mô 400ha).
GMC và Gilimex là hai trường hợp điển hình của những doanh nghiệp dệt may lớn chưa thoát khỏi sự ảm đảm của giai đoạn khó khăn trước đó. Một vài cái tên khác như Tổng Công ty cổ phần Dệt May Nam Định (UPCoM: NDT) vẫn đang chìm trong thua lỗ trong suốt 9 quý vừa qua, Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định (GID) liên tục xuất hiện trong các danh sách nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội và đang thanh lý nhiều tài sản.
Nắm bắt cơ hội trong năm 2025
Đánh giá về triển vọng ngành dệt may năm 2025, Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra những cái nhìn khá tích cực. Theo đó, dệt may là một trong những ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của Tổng thống Trump, do Mỹ chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Theo OTEXA, Việt Nam đứng thứ hai về nhập khẩu quần áo vào Mỹ sau Trung Quốc. SSI cho rằng có nhiều khả năng thuế thông minh sẽ được áp dụng để nhắm vào các mất cân đối thương mại cụ thể.
“Chúng tôi đánh giá tích cực đối với ngành dệt may sau xu hướng tái định vị chuỗi cung ứng tiếp diễn, và khả năng Mỹ đưa sản xuất trở lại trong nước là khá khó khăn. Theo kịch bản cơ sở, chúng tôi cho rằng mức thuế ngành dự kiến áp cho Việt Nam (khoảng từ 10-20%) sẽ thấp hơn mức áp cho Trung Quốc”, các chuyên gia SSI nhận định.
Nhập khẩu hàng may mặc và dệt may của Mỹ đã chuyển dần khỏi Trung Quốc, nhanh nhất kể từ năm 2010, giảm 13% thị phần trong năm 2023 so với năm 2019. Do đó, SSI cho rằng các thị trường như Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam dự kiến sẽ trở thành các nguồn cung cấp quan trọng, khi Trung Quốc liên tục mất đi lợi thế cạnh tranh về chi phí do chi phí lao động tăng (khoảng 40% trong giai đoạn 2019-2023).
Chi phí lao động trung bình mỗi giờ của Việt Nam hiện ít hơn một nửa so với Trung Quốc. Trong khi đó Ấn Độ có tỷ lệ sản phẩm may mặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất trong năm 2023, còn Bangladesh đã phải chuyển gần 40% đơn đặt hàng sang các thị trường khác trong nửa cuối năm 2024 do gián đoạn chính trị.
SSI cho rằng Việt Nam dự kiến sẽ dẫn đầu về xuất khẩu trong năm 2025 nhờ lợi thế chi phí, tốc độ ra thị trường và kỹ năng, dù gặp thách thức về thuế tiềm ẩn. Việc các công ty có đơn đặt hàng đến hết quý I/2025, cùng với các đơn đặt hàng trước từ các thương hiệu trước khi có điều chỉnh thuế đã củng cố thêm cho các đánh giá tích cực của SSI. Chỉ số Dollar có thể vẫn mạnh giúp hầu hết các công ty xuất khẩu ghi nhận thu nhập ngoại hối ròng, trừ những công ty có khoản vay bằng USD cao như Sợi Thế Kỷ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngành dệt may vẫn còn phải đối mặt với một số thách thức nhất định khi đơn giá không gia tăng, chưa chủ động được về nguồn nguyên liệu. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng biên lợi nhuận thấp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp dệt may đang phải khẩn trương bước vào cuộc cách mạng xanh hoá để giảm phát thải, đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị được nguồn lực cả về con người và tài chính.
Năm 'nút thắt' lớn của dệt may Việt Nam
- Dệt may thắng lớn: Lợi nhuận cao kỷ lục,tiếp tục đón ‘cơn mưa’ đơn hàng 12/11/2024 03:00
- Mỗi năm thu hàng chục tỷ USD: CPTPP - thị trường dệt may lớn nhất của Việt Nam 11/11/2024 12:15
- Dệt may Hoà Thọ: Lợi nhuận đi lên, nợ tiếp tục tăng 27/10/2024 09:15
Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.