Tiêu điểm

Việt Nam vừa tăng giá điện, có quốc gia dân chịu đắt đỏ tới 13.000 đồng/kWh

Giá điện có xu hướng tăng ở nhiều khu vực trên thế giới thời gian gần đây và nó luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Việt Nam vừa tăng giá điện, có quốc gia dân chịu đắt đỏ tới 13.000 đồng/kWh

Điện là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất của nhân loại và vô cùng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của toàn thế giới. Tuy nhiên, khả năng sản xuất điện của một quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bao gồm vị trí địa lý, địa chất, mức độ phát triển - tiến bộ công nghệ cũng như mức độ thu nhập nên giá điện có thể khác nhau từ nước này sang nước khác.

Giá điện cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện trên thế giới, đặc biệt nếu những sự kiện đó tác động đến giá của than đá hay khí đốt tự nhiên. Do một số nguyên nhân, giá điện có xu hướng tăng ở nhiều khu vực trên thế giới thời gian gần đây và nó luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo thống kê của World population review, trung bình vào năm 2023, đây là những quốc gia có giá điện cao hàng đầu: Đan Mạch (0,538 USD/kWh), Đức (0,530 USD/kWh), Anh (0,479 USD/kWh), Áo (0,47 USD/kWh), Ý (0,47 USD/kWh), Bỉ (0,452 USD/kWh), Tây Ban Nha (0,373 USD/kWh), Cộng hòa Séc (0,367 USD/kWh),...

Giá điện trung bình ở Đan Mạch là 0,538 USD/kWh, tương đương 13.100,30 đồng/kWh - cao hơn hầu hết mọi nơi khác trên thế giới. Một số yếu tố thúc đẩy giá bao gồm cơ sở hạ tầng, địa lý và thuế. Không xa Đan Mạch, Đức có chi phí điện cao thứ hai. Trung bình, người Đức phải trả khoảng 0,530 USD cho một kilowatt giờ điện, tương đương khoảng 12.905,50 đồng/kWh. Đức chứng kiến giá điện tăng đột biến từ sau năm 2012.

Người dân Anh phải trả trung bình 0,479 USD cho mỗi kilowatt giờ điện tiêu thụ. Mặc dù không đắt bằng Đan Mạch hay Đức, nhưng giá ở Anh vẫn cao đáng kể. Sự phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống để sản xuất điện cũng có thể khiến giá điện dễ biến động mạnh khi thị trường thay đổi theo thời gian.

Đối với Ý, nước này trả trung bình 0,470 USD/kWh cho tiền điện vào giữa năm 2022. Còn người Bỉ, họ trả hơn 0,45 USD cho mỗi kilowatt giờ điện vào cùng thời điểm. Mặc dù phần lớn chi phí này liên quan đến thuế, nhưng vị trí địa lý của Bỉ cũng khiến quốc gia này phải phụ thuộc phần lớn vào các nước láng giềng để sản xuất điện, điều này làm tăng chi phí của điện.

Người dân Tây Ban Nha có thể phải trả khoảng 0,26 USD cho mỗi kilowatt giờ điện. Ngoài Đan Mạch và Đức, chi phí này cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác. Với mức giá mỗi kilowatt giờ là 0,367 USD, điện ở Cộng hòa Séc có mức tăng hàng năm cao nhất châu Âu vào năm 2022.

Theo một thống kê gần đây của Global Petrol Price về giá điện một số nước Đông Nam Á (tính đến tháng 3/2023), giá điện Indonesia là 0,092 USD/kWh - 2.240,20 đồng/kWh), Philippines (0,194 USD/kWh - 4.723,90 đồng/kWh), Thái Lan (0,137 USD/kWh - 3.335,95 đồng/kWh), Singapore (0,231 USD/kWh - 5.624,85 đồng/kWh). Trong cùng thời điểm, giá điện Việt Nam là 0,077 USD/kWh - 1.874,95 đồng/kWh) - cao hơn Lào (0,029 USD/kWh - 706 đồng/kWh), Malaysia (0,048 USD/kWh - 1.168,80 đồng/kWh). (Mọi con số được quy đổi theo tỷ giá với thống kê của Global Petrol Prices. Thực tế, giá bán lẻ điện sinh hoạt tại Việt Nam có 6 bậc).

Theo thông báo mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mức giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh tăng thêm 4,5% (là mức điều chỉnh tăng thuộc thẩm quyền thuộc EVN). Nghĩa là, giá điện Việt Nam đã tăng từ mức 1.920,3 đồng/kWh lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Tin mới lên