Tiêu điểm

Việt – Trung nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển

(VNF) - Trong tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc vừa được ban hành, hai bên nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển.

Việt – Trung nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 – 13/12.

Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trong tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc vừa được ban hành, hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt “Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hai bên thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.

Hai bên nhất trí đẩy nhanh việc thúc đẩy kết nối xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới, trong đó có xây dựng Cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc); khuyến khích doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ, cầu, đường sắt, điện sạch, viễn thông, logistics; tiếp tục phối hợp mật thiết, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hợp tác vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, tăng cường hợp tác logistics.

Hai bên nhất trí triển khai tốt khu hợp tác kinh tế - thương mại, trọng điểm tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh.

Khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín, công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia trong lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của mỗi nước, tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp này. Đẩy nhanh triển khai các dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc cho Việt Nam, trong đó có Dự án Xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Y dược cổ truyền.

Tích cực tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt trên nguyên tắc thị trường và tinh thần thực chất, bền vững, bảo đảm an ninh chuỗi sản xuất và cung ứng năng lượng.

Về thương mại, hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững. Phát huy tốt vai trò của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Khu thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; tăng cường hợp tác trên các nền tảng như Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE), Hội chợ triển lãm ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO), Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair); mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của nước này sang nước kia.

Hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương.

Phía Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm.

Phía Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy nhập khẩu các loại cá tầm của Trung Quốc, tăng cường giao lưu, trao đổi giữa các tổ chức ngành nghề của hai bên, thúc đẩy các ngành nghề liên quan của hai nước phát triển lành mạnh.

Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp hiệu quả bảo đảm thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng giữa hai nước và trong khu vực.

Nâng cao hiệu suất thông quan, thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua khu vực mốc 1088/2-1089 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); phân luồng hợp lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới, bảo đảm các cửa khẩu biên giới trọng điểm vận hành thông suốt.

Hai bên nhất trí sẽ tích cực phát huy vai trò của Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục khai thác tiềm năng thương mại song phương; thúc đẩy thực hiện “Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc”, duy trì an toàn, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng giữa hai nước.

Hai bên nhất trí, phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác về thương mại điện tử, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác thương mại điện tử.

Phía Trung Quốc ủng hộ việc mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh, các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh và Hàng Châu (Trung Quốc) phát huy vai trò tích cực trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước; sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho phía Việt Nam sớm mở thêm các văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương liên quan của Trung Quốc.

Tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp đường sắt hai nước tăng cường hợp tác nâng hiệu suất hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc.

Hai bên nhất trí phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác về tài chính - tiền tệ, nhằm thúc đẩy hợp tác tiền tệ giữa hai nước. Ủng hộ hai bên đi sâu hợp tác tại Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, cung cấp hỗ trợ về vốn cho các dự án liên quan theo chiến lược, chính sách và quy trình của Ngân hàng.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông sản; triển khai hợp tác nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường biển và hải đảo, triển khai hợp tác thả cá giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ.

Sớm ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ; thực hiện tốt Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển Việt Nam - Trung Quốc.

Hai bên nhất trí tích cực tìm kiếm các biện pháp giải quyết cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hai việc trên sớm đạt tiến triển thực chất.

Hai bên sẽ tiếp tục tích cực triển khai hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Tăng cường hợp tác thực thi pháp luật nghề cá và hợp tác nuôi trồng, bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật trên Biển Đông. 

Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Thực hiện cơ chế Cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) và Cuộc họp nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về triển khai “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển.

Xem thêm >> Điểm lại loạt văn kiện hợp tác Việt Nam vừa ký với Trung Quốc

Tin mới lên