VietinBank cắt chi phí, đẩy mạnh nguồn thu phi tín dụng trong nửa đầu năm 2020

Minh Tâm - 27/07/2020 14:17 (GMT+7)

(VNF) - Báo cáo tài chính vừa được VietinBank công bố cho thấy, ngân hàng này đã cắt giảm chi phí, đẩy mạnh nguồn thu phi tín dụng trong nửa đầu năm 2020 nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid-19.

VNF
VietinBank cắt chi phí, đẩy mạnh nguồn thu phi tín dụng trong nửa đầu năm 2020

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020.

Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 7.460 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tín dụng - hoạt động cốt lõi của ngân hàng - không phải là động lực thúc đẩy mức tăng lợi nhuận ấn tượng này. Nửa đầu năm, thu nhập lãi thuần của VietinBank đi ngang (mức tăng không đáng kể, chỉ 0,2%), đạt 16.216 tỷ đồng.

Đây là điều dễ hiểu bởi hoạt động tín dụng nửa đầu năm chịu tác động rất mạnh bởi các chương trình hạ lãi suất, cùng với đó, tăng trưởng dư nợ cho vay thấp, cộng thêm với việc dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN không được phép ghi nhận lãi dự thu.

Các hoạt động phi tín dụng là động lực chính giúp lợi nhuận của VietinBank tăng mạnh trong nửa đầu năm. Tính toán cho thấy, tổng lãi thuần phi tín dụng của ngân hàng này đạt 4.443 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng trưởng 31%.

Trong đó, lãi thuần mảng dịch vụ tăng trưởng 10,5% lên 2.161 tỷ đồng; mảng ngoại hối tăng trưởng 32% lên 1.036 tỷ đồng; mảng mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp gần 3 lần lên 389 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi thuần mảng chứng khoán đầu tư đạt 135 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ thuần 242 tỷ đồng. Lãi thuần từ các hoạt động khác tăng 36% lên 470 tỷ đồng.

Bên cạnh sự khởi sắc trong hoạt động phi tín dụng, việc cắt giảm chi phí hoạt động và đặc biệt là chi phí dự phòng rủi ro cũng tạo lực nâng cho lợi nhuận. Trong kỳ, chi phí hoạt động của VietinBank đã giảm 3,8%, chi phí dự phòng rủi ro đã giảm 11%.

Tính đến hết ngày 30/6/2020, dư nợ cho vay của VietinBank đạt 941.487 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với hồi đầu năm. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng đáng kể từ mức 1,16% đầu năm lên 1,7%. Tuy nhiên, nợ xấu tại VAMC lại giảm mạnh. Tính toán cho thấy, tỷ lệ nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) hiện ở mức dưới 2,08%.

Cùng chuyên mục
Tin khác