VietinBank được chấp thuận tăng vốn lên hơn 53.700 tỷ đồng
Mai Anh -
05/10/2023 18:46 (GMT+7)
(VNF) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận cho VietinBank tăng vốn lên hơn 53.700 tỷ đồng. Trước đó, 3 ngân hàng thuộc nhóm Big4 đã được phê duyệt tăng vốn điều lệ.
NHNN vừa có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán: CTG) tăng vốn điều lệ thêm gần 5.643 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức tiền mặt năm 2020.
Phương án tăng vốn này đã được HĐQT VietinBank phê duyệt vào cuối tháng 8. Theo đó, VietinBank dự kiến phát hành gần 564,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7415% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới).
Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng từ 48.057 tỷ đồng lên hơn 53.700 tỷ đồng, tức tăng thêm gần 5.643 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến là trong quý III – quý IV/2023.
VietinBank cho biết, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.
Kế hoạch tăng vốn này được đề cập đến trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của VietinBank nhưng chưa được thực hiện. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, VietinBank tiếp tục thông qua hai phương án tăng vốn điều lệ, lên mức 60.387 tỷ đồng hoặc 66.030 tỷ đồng, tùy thuộc vào việc có hoàn thành tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020 hay không.
Ngoài số 564,3 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016. Cụ thể, VietinBank sẽ nâng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Với tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 22,96%, vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.
VietinBank cũng được NHNN chỉ đạo hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.
Về việc phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận riêng lẻ sau thuế là 16.379 tỷ đồng, ngân hàng sẽ trích 5% cho quỹ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và hơn 2.300 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi. Sau khi trích các quỹ bắt buộc, lợi nhuận còn lại là 11.521 tỷ đồng sẽ được dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trước VietinBank, 3 ngân hàng thuộc nhóm Big4 đã được phê duyệt tăng vốn điều lệ.
BIDV là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big 4 được phê duyệt tăng vốn từ lợi nhuận để lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Sau phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu từ phương án này, vốn điều lệ của BIDV tăng lên hơn 50.585 tỷ đồng, chính thức trở thành quán quân ngành ngân hàng về vốn điều lệ thời điểm đó.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 21,7% lên 61.557 tỷ đồng và đang chờ được phê duyệt để thực hiện. Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trong đó gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phần còn lại là phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (455 triệu cổ phiếu).
Với Agribank, Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của ngân hàng này tối đa là 17.100 tỷ đồng. Trong đó năm 2023 là 6.753 tỷ đồng và năm 2024 là 10.347 tỷ đồng. Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.
Với Vietcombank, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước từ nguồn chi trả cổ tức thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 và năm 2020. Trong nội dung ĐHĐCĐ đầu năm 2023, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm tối đa 27.685 tỷ đồng vượt qua quán quân hiện tại là VPBank.
NHNN đang chỉ đạo Vietcombank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt. Ngoài nhóm Big4, NHNN cũng cho biết đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng cổ phần và 6 công ty tài chính. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.