Thị trường

Vietnam Airlines tự tin sẽ cân đối thu chi vào năm 2024

(VNF) - Bằng việc tích cực triển khai đề án tái cơ cấu, với các giải pháp, lãnh đạo Vietnam Airlines tin tưởng vào mục tiêu sẽ cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024.

Vietnam Airlines tự tin sẽ cân đối thu chi vào năm 2024

ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines.

Ngày 16/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Những tín hiệu tích cực

Theo báo cáo tại đại hội, năm 2022, Vietnam Airlines đã chủ động xây dựng kế hoạch theo nhiều kịch bản, tích cực điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến phục hồi của thị trường trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối về phòng chống dịch bệnh và cân đối hiệu quả khai thác.

Đến cuối năm 2022, Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa so với thời điểm trước dịch và khai thác trở lại hơn 70% số đường bay quốc tế; các chỉ tiêu sản lượng vận chuyển đều vượt 7% - 8% so kế hoạch năm. 

Các đường bay quốc tế được Vietnam Airlines nỗ lực nối lại và mở rộng, kết thúc năm 2022, Vietnam Airlines có mạng đường bay quốc tế gồm 44 đường bay đến 25 điểm thuộc 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Vietnam Airlines cũng thực hiện giải pháp cắt giảm chi phí, triệt để tiết kiệm. Tổng chi phí cắt giảm trong năm 2022 đạt xấp xỉ 7.226 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cắt giảm được nhờ các giải pháp tự thân như nỗ lực đàm phán giảm giá, tiết kiệm… đạt khoảng 4.294 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của hãng đạt 71.775 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,4 lần kết quả năm 2021.

Vietnam Airlines thực hiện vận chuyển 18,24 triệu lượt hành khách, vượt 7,5% so kế hoạch. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt hơn 2,47 triệu khách ; khách nội địa đạt 15,77 triệu khách, vượt 9% so kế hoạch và tăng 14,2% so với năm 2019.

Tích cực tái cơ cấu

Tại đại hội, Vietnam Airlines đã đưa ra các giải pháp tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines.

Theo kế hoạch, tổng công ty sẽ triển khai các thủ tục SLB (Sale and Lease back - bán và cho thuê lại) đối với 2 động cơ dự phòng và bán các tàu A321 và ATR72 cũ để bổ sung dòng tiền khoảng 1.800 tỷ đồng (chưa bao gồm việc SLB với 2 máy bay A321 P2F).

Tuy nhiên, doanh nghiệp cho hay việc bán tàu cũng phụ thuộc vào tình hình thị trường cũng như cần điều chỉnh phù hợp với nhu cầu khai thác và thế chấp tài sản cho các khoản vay.

Ngoài ra, Vietnam Airlines thông tin sẽ triển khai các bước để thực hiện các giải pháp hỗ trợ thanh khoản lần 2 theo tiến độ trong Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn (sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Với kết quả kinh doanh như trên và sự cải thiện của dòng tiền thu bán trước, Vietnam Airlines dự kiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2023 có thể đạt mức dương.

Nếu đạt được kết quả này và thực hiện thành công toàn bộ các giải pháp tái cơ cấu tài sản (bán máy bay, SLB động cơ dự phòng giúp bổ sung dòng tiền khoảng 1.800 tỷ đồng), đồng thời được các ngân hàng thương mại hỗ trợ tín dụng (hạn mức vay ngắn hạn khả dụng khoảng 5.500 tỷ đồng), Vietnam Airlines thông tin có thể cân đối dòng tiền thanh toán một phần khoản nợ quá hạn theo cam kết với các chủ nợ để giảm dần nợ quá hạn phát sinh trong giai đoạn bị ảnh hưởng của COVID-19.

Tại đại hội, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đánh giá hãng bay đang có cả cơ hội và thách thức song hành.

"Để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển, Vietnam Airlines đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, Hãng đặc biệt chú trọng triển khai đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024", Chủ tịch Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Tin mới lên