VietnamFinance điểm lại 10 vụ án kinh tế, tham nhũng điển hình nhất năm 2019

VNF - 28/12/2019 06:11 (GMT+7)

(VNF) - Vụ Mobifone mua AVG khiến 2 cựu Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông và ông Phạm Nhật Vũ vướng vòng lao lý; Vụ Nhật Cường và truy nã đỏ ông chủ Bùi Quang Huy; Vụ án Vũ “Nhôm” và 2 cựu Thứ trưởng công an; vụ án gang thép Thái Nguyên khiến loạt quan chức bị xem xét kỷ luật; Đại án VN Pharma; vụ sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… là những đại án gây chấn động dư luận nhất trong năm 2019.

VNF
10 vụ án kinh tế, tham nhũng điển hình nhất năm 2019

VietnamFinance điểm lại 10 vụ án kinh tế điển hình nhất năm 2019:

Vụ Mobifone mua AVG: Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình

Vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) xét xử vào cuối tháng 12/2019 được đánh giá là vụ án nghiêm trọng trong năm nay.

Có 8 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Nguyễn Bắc Son - Trương Minh Tuấn (hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Thông tin và Truyền thông), Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Mobifone), Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc Mobifone), Phan Thị Hoa Mai (cựu thành viên HĐTV Mobifone), Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch AVG)...

Theo kết luận điều tra, sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đưa cho ông Son 3 triệu USD.

Sau khi nhận tiền, ông Son khai đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu Huyền trong những lần Huyền từ TP. HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Việc đưa tiền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD - 400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.

Ngoài ra ông Son còn thừa nhận đã nhận 200 triệu đồng từ ông Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone vào dịp 30/4/2015 và nhận 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Mobifone vào dịp Tết âm lịch 2016.

Tại phiên xét xử ngày 20/12, viện kiểm sát đã đọc bản luận tội đối với các bị cáo trong vụ án này.

Kết quả, bị cáo Nguyễn Bắc Son bị đề nghị phạt từ 16 – 18 năm tù về tội vi phạm quy định quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; tử hình về tội nhận hối lộ, tổng hình phạt là tử hình.

Bị cáo Trương Minh Tuấn bị đề nghị phạt 6 – 7 năm tù về tội vi phạm quy định quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; 8 – 9 năm tù về tội nhận hối lộ, tổng hình phạt là 14 – 16 năm tù.

Bị cáo Phạm Nhật Vũ bị đề nghị phạt 3 – 4 năm tù về tội đưa hối lộ.

Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch AVG tại phiên tòa

Ông Son cho biết với những sai phạm của mình, ông đã nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất, đồng thời gửi lời xin lỗi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước và tập thể ngành thông tin và truyền thông.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son cũng gửi lời cảm ơn cơ quan điều tra, vì đã đưa bị cáo đi cấp cứu kịp thời khi bị ngất tại bàn làm việc do nhồi máu cơ tim.

Bị cáo cũng xin lỗi hội đồng xét xử, viện kiểm sát vì “trong lúc nào đó, nhất thời không vượt qua chính mình, tại phiên toà ngày 17/12 đã thay đổi lời khai của mình trong thời kỳ điều tra".

“Bị cáo rất mong hội đồng xét xử, viện kiểm sát lượng thứ cho", bị cáo Son nói tiếp. Nhấn mạnh Mobifone là doanh nghiệp dẫn đầu về đóng góp ngân sách nhà nước và thành công này là do đội ngũ lãnh đạo Mobifone gây dựng, bị cáo Son đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận lời xin giảm án của các bị cáo.

Vụ Nhật Cường Mobile và ông chủ Bùi Quang Huy bỏ trốn

Ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (chủ sở hữu thương hiệu Nhật Cường Mobile) bị khởi tố hôm 14/5/2019 với tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 188 và điều 221 Bộ luật Hình sự. Theo Bộ Công an, ông Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ ngày 9/5.

Ngày 9/7, Bộ Công an tiếp tục ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét đối với bị can Bùi Quang Huy về tội “Rửa tiền”.

Vài tháng 9/2019, Bộ Công an đã đề nghị Interpol (Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế) hỗ trợ truy bắt, đưa ông Huy vào danh sách truy nã đỏ, nếu bắt được sẽ đưa về Việt Nam.

Ngày 29/11, Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 điều 222 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Đến thời điểm hiện tại, ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy đã bị khởi tố tổng cộng 4 tội danh trên.

Liên quan đến vụ này, Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can; lệnh bắt bị can để tạm giam; lệnh khám xét đối với Nguyễn Tiến Học, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đồng thời, Bộ Công an khởi tố bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội; Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh về cùng tội danh trên.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tổ chức tháng 11, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung vụ án “Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền” xảy ra tại Nhật Cường và các đơn vị có liên quan vào diện Ban chỉ đạo chống tham nhũng theo dõi.

Vụ 2 cựu tướng công an giúp Vũ “nhôm” thâu tóm đất công

Tháng 1/2019, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 5 bị cáo gồm: Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"); 2 cựu Thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân; Phan Hữu Tuấn (cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) và Nguyễn Hữu Bách (cựu cán bộ Tổng cục V) trong vụ thâu tóm 7 dự án đất vàng tại Đà Nẵng và TP. HCM, gây thiệt hại hơn 1.159 tỷ đồng.

Tòa tuyên phạt Vũ “nhôm” 15 năm tù; cựu Thứ trưởng Trần Việt Tân 36 tháng tù, cựu Thứ trưởng Bùi Văn Thành 30 tháng tù, cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai bị cáo Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách cùng bị tuyên 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Bùi Văn Thành (trái) và ông Trần Việt Tân (phải).

Tại phiên phúc thẩm vào tháng 6, Viện kiểm sát đề nghị không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Vũ “nhôm” đề nghị giữ nguyên tội danh, mức hình phạt.

Đồng thời đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn về xin giảm hình phạt, đề nghị giữ nguyên mức hình phạt.

Đối với 2 cựu Thứ trưởng Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân, Viện kiểm sát đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Bùi Văn Thành; không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trần Việt Tân và đề nghị giữ nguyên mức hình phạt như cấp sơ thẩm đã tuyên.

Đại án VN Pharma: Cựu tổng giám đốc lĩnh án 17 năm tù

Ngày 1/10, Tòa án nhân dân TP. HCM đã đưa ra phán quyết đối với vụ án “Buôn bán thực phẩm giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.

Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma) 17 năm tù (thấp hơn mức đề nghị 18-19 năm tù của Viện kiểm sát nhân dân). Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) bị tuyên 20 năm tù cùng về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo khoản 4 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999.

8 bị cáo còn lại nhận mức án từ 3-12 năm tù, riêng bị cáo Hoàng Trúc Vy nhận 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) nhanh chóng điều tra về Raymundo - người có vai trò đặc biệt quan trọng, để tránh lọt tội. Ông này từng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam; hồ sơ vụ án có ảnh nhận dạng, email trao đổi qua lại với Cường...

Hành vi buôn bán 9.300 hộp thuốc H-Capita giả của các bị cáo trên đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quy mô vô cùng lớn. Trong đó, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu; 10 bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm tích cực.

Toàn bộ 9.300 hộp thuốc H-Capita giả về nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất, giả về chất lượng, đã được Công ty VN Pharma trúng thầu cung cấp cho các bệnh viện lớn.

Vụ sai phạm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Ngày 14/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 4 bị can là lãnh đạo Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số nhà thầu đề điều tra tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cụ thể, các bị can gồm: Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình, nguyên Giám đốc gói thầu số 7 thuộc Ban quản lý; Phạm Đình Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5 và Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, Phó giám đốc Ban Điều hành gói thầu số 7.

Theo cơ quan điều tra, việc khởi tố các bị can nêu trên diễn ra trong quá trình điều tra vụ án hình sự vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các đơn vị liên quan.

Các bị can nêu trên đã có hành vi sai phạm, gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, có tổng chiều dài gần 140km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp.

Ngày 2/9/2018, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi chính thức thông xe và đưa vào khai thác dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng khoảng một tháng, cao tốc này xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ trâu". Đơn vị quản lý đã cho sửa chữa, song đến nay cao tốc tiếp tục xuất hiện hư hỏng.

Gang thép Thái Nguyên khiến loạt quan chức bị xem xét kỷ luật

Những sai phạm tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II khiến tình hình tài chính của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã TIS) rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nợ trên vốn chủ sở hữu chiếm trên 81%.

Không chỉ công ty khó khăn, dự án này cũng khiến loạt quan chức vi phạm tới mức bị xem xét kỷ luật.

Từ ngày 4-6/12, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận Ban thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để tổng công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco II), gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội.

Cụ thể, các nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Đặng Thúc Kháng chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của ban thường vụ Đảng ủy.

Ông Lê Phú Hưng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Nguyên tổng giám đốc và ông Trịnh Khôi Nguyên, ủy viên ban thường vụ Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của ban thường vụ Đảng ủy và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Ông Hoàng Trung Hải đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công Thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với dự án Tisco II.

Theo đó, ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự Đảng, bộ trưởng (giai đoạn 2007-2016), chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương.

Ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thủ tướng đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án Tisco II.

Ngoài ra, hai nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ và ông Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu Lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với dự án.

Vụ sai phạm tại Sagri

Ngày 5/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố các bị can Lê Tấn Hùng (sinh năm 1963; nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Sagri)); Nguyễn Thành Mỹ (sinh năm 1959; nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư).

Ngày 8/7, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Vân Trọng Dũng (nguyên Chủ tịch HĐTV Sagri) và Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng Sagri).

Nguyên Tổng giám đốc Sagri Lê Tấn Hùng bị khởi tố

Ngoài các lãnh đạo Sagri bị khởi tố, TP. HCM kỷ luật hàng loạt lãnh đạo thành phố liên quan đến sai phạm tại công ty này.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng quyết định bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Sagri vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi.

Sagri là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với quy mô lớn, thuộc UBND TP. HCM. Hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai, dự án... tại đơn vị này đã xảy ra suốt một thời gian dài. Thanh tra TP. HCM từng có nhiều kết luận về những sai phạm tại Sagri.

Cũng theo các cơ quan thanh tra, các sai phạm tại Sagri xảy ra từ năm 2004, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến gần 20 lãnh đạo chủ chốt của Sagri trong HĐTV, Ban tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên…

Vụ Vinashin: Cựu Chủ tịch lĩnh 13 năm tù, cựu Tổng giám đốc 7 năm tù

Các bị cáo tại tòa.

Ngày 12/6, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) - nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

Theo đó, tòa tuyên phạt ông Nguyễn Ngọc Sự (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin) án 13 năm tù, Trương Văn Tuyến (cựu Tổng giám đốc Vinashin) 7 năm tù, Phạm Thanh Sơn (cựu Phó tổng giám đốc Vinashin) 6 năm tù và Trần Đức Chính (cựu kế toán trưởng Vinashin) 17 năm tù.

Theo lời khai của các bị cáo, từ năm 2010 đến tháng 6/2014, Vinashin đã thực hiện hơn 2.300 hợp đồng giao dịch tiền gửi có kỳ hạn vào OceanBank với số tiền gần 104.000 tỷ đồng và gần 182 triệu USD. Tiền lãi theo hợp đồng là gần 1.100 tỷ đồng và gần 30.000 USD.

Bị cáo Trần Đức Chính được giao tiếp nhận, quản lý số tiền lãi ngoài nêu trên (không hạch toán) để chi tiêu, sử dụng cho các công việc chung của Vinashin.

Trong tổng số tiền nhận từ OceanBank, ông Sự chiếm hưởng 8 tỷ đồng và chi tiêu, sử dụng cá nhân 385 triệu đồng; Tuyến 3,5 tỷ đồng; Sơn 1,2 tỷ đồng; Chính chiếm hưởng 10 tỷ đồng và chi tiêu. Khoản tiền còn lại hơn 60 tỷ đồng, Chính không chứng minh được nên tòa buộc các bị cáo phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả.

Số tiền các bị cáo đã khắc phục (Sự 8,3 tỷ đồng, Tuyến 3,5 tỷ, Sơn 1,2 tỷ...) tòa ra quyết định chuyển trả cho OceanBank để khấu trừ phần bồi thường dân sự của cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm.

Vụ Bảo hiểm xã hội gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng

Ngày 25/9, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án phạt 6 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam-Agribank) gây thất thoát gần 1.700 tỷ đồng.

Tòa tuyên phạt Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) 6 năm tù; Nguyễn Huy Ban (sinh năm 1948, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và Nguyễn Phước Tường (sinh năm 1951, nguyên Trưởng ban Kế hoạch-Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch-Đầu tư, kiêm Kế toán trưởng Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cùng bị phạt 14 năm tù.

Hai bị cáo nguyên là Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch-Tài chính (nay là Vụ Kế hoạch-Đầu tư) thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam là Hoàng Hà (sinh năm 1976) bị phạt 7 năm tù và Trần Tiến Vỹ (sinh năm 1957) bị phạt 3 năm tù.

Ngoài án phạt tù, các bị cáo còn bị Tòa tuyên buộc phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn dân sự là Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bị cáo Trần Thị Thanh Thủy (sinh năm 1979, nguyên là chuyên viên, sau là Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch-Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch-Đầu tư thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) bị tòa tuyên phạt 24 tháng tù treo, thời gian thử thách là 48 tháng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285-Bộ luật Hình sự năm 1999.

HĐXX xác định số tiền thiệt hại của vụ án là hơn 1.697 tỷ đồng, trong đó Agribank phải có trách nhiệm bồi thường cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam số tiền hơn 862 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 835 tỷ đồng thuộc trách nhiệm các bị cáo phải bồi thường, do đã có lỗi cố ý.

Ba cựu lãnh đạo PVEP lĩnh tù vì nhận lãi ngoài từ OceanBank

Ba cựu lãnh đạo PVEP.

Ngày 31/5, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 3 bị cáo trong vụ nhận lãi ngoài từ OceanBank.

Tòa tuyên phạt Đỗ Văn Khạnh (cựu tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí - PVEP, cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí - PVD) 3 năm tù; Nguyễn Tuấn Hùng (cựu trưởng ban tài chính PVEP) 20 năm tù và Vũ Thị Ngọc Lan (cựu phó tổng giám đốc PVEP) 18 tháng tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Bản luận tội công bố tại tòa xác định PVEP là công ty TNHH nhà nước một thành viên, vốn điều lệ 59.700 tỷ đồng, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Năm 2011-2014, thực hiện chỉ đạo của PVN về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính của OceanBank (PVN góp 20% vốn điều lệ), PVEP đã gửi từ 3 tỷ đồng đến 900 tỷ đồng một tháng, tùy từng thời điểm.

Nam 2011-2014, OceanBank có chủ trương chi lãi ngoài hợp đồng và cử cựu Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Phương "chăm sóc" PVEP. Bà Phương đã trực tiếp chi 29 lần tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVEP cho ông Hùng với tổng số tiền 54,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hùng chỉ thừa nhận đã lấy 39,2 tỷ đồng.

Tiền lãi này, các cựu lãnh đạo PVEP không hạch toán vào sổ sách cá nhân mà chia nhau tiêu xài riêng. Trong số này, ông Khạnh nhận hơn 4 tỷ đồng, bà Lan được chia 200 triệu đồng và Hùng nhận gần 40 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác