Vinachem muốn 3 dự án thua lỗ được kéo dài thời hạn vay với VDB từ 20 năm lên 30 năm

Vĩnh Chi - 12/01/2020 14:49 (GMT+7)

(VNF) – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định các giải pháp tín dụng đối với các khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho các dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bấc và DAP số 2 Lào Cai theo hướng kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng tối đa thành 30 năm. Trước đó, Vinachem chỉ đề nghị 20 năm.

VNF
Vinachem muốn 3 dự án thua lỗ được kéo dài thời hạn vay với VDB từ 20 năm lên 30 năm

Ngoài kéo dài thời hạn vay, Vinachem cũng đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định cho các khoản vay của 3 dự án nêu trên với VDB được hướng chế độ không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả kể từ khi phát sinh;

Được điều chỉnh lãi suất tiền vay theo hướng: trong 4 năm (2020 – 2024) hưởng lãi 6,9%/năm; từ năm 2025 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước (tại thời điểm hiện nay là 8,55%/năm).

Đối với các khoản vay của 3 dự án nêu trên với các ngân hàng thương mại (gồm Vietinbank, BIDV, Vietcombank), Vinachem đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định cho các dự án được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ;

Có giải pháp đặc thù về xếp nhóm nợ cho các đơn vị, xếp nhóm nợ theo tuổi nợ tại từng tổ chức tín dụng (vận dụng phân loại nợ theo Điều 10 Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước ngày 21/1/2013), không chuyển nhóm nợ căn cứ theo kết quả sản xuất kinh doanh;

Tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng với 3 dự án nêu trên, Vinachem còn kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước đề xuất Bộ Tài chính cho phép các dự án được tiếp tục điều chỉnh giảm 50% mức trích khấu hao tài sản cố định các năm tiếp theo từ 2020 – 2025 để tháo gỡ khó khăn.

Để “tạo sự bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu”, Vinachem đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ đẩy nhanh việc trình Quốc hội sửa Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0%;

Ngoài ra, Vinachem cũng muốn Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật số 106/2016/QH13.

Cùng chuyên mục
Tin khác