Vinaconex muốn huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu, chia cổ phiếu thưởng 9%

Việt Anh - 20/04/2021 19:31 (GMT+7)

(VNF) - Tại phiên họp thường niên ngày 27/4, HĐQT Vinaconex dự kiến trình cổ đông phương án huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu và kế hoạch chia cổ phiếu thưởng 9%.

VNF
Vinaconex muốn huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu, chia cổ phiếu thưởng 9%

Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, dự kiến tổ chức ngày 27/4 với một số nội dung đáng chú ý.

Về kế hoạch kinh doanh, HĐQT Vinaconex kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 sẽ đạt lần lượt 12.230 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, tăng 141% và giảm 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lưu ý rằng năm vừa qua doanh nghiệp có nền so sánh cao, lợi nhuận chinh phục ngưỡng kỷ lục nhờ phát sinh khoản doanh thu tài chính tăng đột biến.

Nhìn lại năm 2020, "ông lớn" ngành xây dựng, đầu tư bất động sản này ghi nhận doanh thu đạt trên 5.550 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.690 tỷ đồng, cao nhất lịch sử khi vượt qua mức đỉnh hồi năm 2017 (1.951 tỷ đồng).

Với kết quả ấn tượng, HĐQT Vinaconex có tờ trình cổ đông về kế hoạch chia cổ phiếu thưởng từ cổ phiếu quỹ, dự kiến hơn 36 triệu cổ phiếu quỹ sẽ được chia cho các cổ đông với tỷ lệ phân phối 9%.

Theo quy định, việc chia thưởng này sẽ không bị điều chỉnh giá vào ngày chốt quyền, như vậy trong trường hợp cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu VCG, sẽ được chia thưởng 900 cổ phiếu nhân với thị giá hiện nay là gần 48.000 đồng/cổ phiếu (kết phiên 20/4), tương đương số tiền gần 48 triệu đồng.

Đáng chú ý, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng có tờ trình về phương án chào bán trái phiếu ra công chúng. Theo đó, Vinaconex muốn huy động 2.000 tỷ đồng trái phiếu để mở rộng quy mô vốn hoạt động, cũng như tập trung thực hiện một số dự án trọng điểm khác.

Động thái huy động vốn của doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh mảng xây dựng có những tín hiệu khá tích cực. Tính hết quý I/2021, giá trị các hợp đồng xây dựng đã ký của Vinaconex ước đạt gần 15.000 tỷ đồng; trong đó nổi bật là 3 gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45).

Theo sau đó là dự án Mikazuki Đà Nẵng, tổ hợp hóa dầu Long Sơn hay một số dự án có vốn đầu tư công khác như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, bệnh viện K trung ương…

Cùng với đó, Vinaconex đang tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án quan trọng, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa ra thị trường như dự án Cát Bà - Amatina, dự án chung cư cao cấp 93 Láng Hạ, dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại Móng Cái...

Nhu cầu tăng vốn cũng là thiết yếu đối với doanh nghiệp, nếu nhìn vào tham vọng tích lũy quỹ đất lên đến 5.000 ha vào năm 2025, cũng như chiến lược nâng tỷ lệ sở hữu vốn (đảm bảo quyền chi phối) đối với một số công ty con chủ lực, kinh doanh hiệu quả và có triển vọng phát triển của Vinaconex.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.