Vinamilk và Dược Hậu Giang ‘bắt tay’ tấn công thị trường thực phẩm chức năng

Hoàng Lan - 25/03/2018 11:08 (GMT+7)

(VNF) – Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM-HoSE) và Công ty cổ phần Dược Hậu Giang – DHG Pharma (DHG-HoSE) đã ký kết hợp tác chiến lược nhằm mục đích nghiên cứu và phát triển, marketing, phân phối các dòng sản phẩm, thực phẩm chức năng đồng thương hiệu hoặc phát triển từ các sản phẩm đã có.

VNF
Thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác

Hợp tác chiến lược giữa Vinamilk và DHG sẽ xoay quanh ba vấn đề chính.

Thứ nhất là xây dựng sản phẩm đồng thương hiệu mới hoặc phát triển từ các sản phẩm đã có, nhằm phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng với nhiều đối tượng khác nhau.

Thứ hai là phối hợp về nguồn nguyên liệu để đưa vào phục vụ sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng, bổ sung và nâng cao sức khỏe.

Thứ ba là khai thác thế mạnh về nguồn lực phân phối đặc thù của mỗi bên, để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng một cách dễ dàng nhất.

Vinamilk đang dẫn đầu thị trường sữa tại Việt Nam với thị phần trên 50%, theo báo cáo của công ty tính đến tháng 9/2017.

Trước đó, Vinamilk đã có động thái thâm nhập ngành thực phẩm chức năng thông qua việc góp 18% vốn vào công ty APIS, đơn vị chuyên cung cấp nguyên liệu trong lĩnh vực thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm.

Dược Hậu Giang là doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nội địa lớn nhất Việt Nam về quy mô doanh thu và mạng lưới hệ thống phân phối, theo nhận định của công ty chứng khoán FPTS. Chiến lược của Dược Hậu Giang trong suốt hơn 10 năm qua là tập trung sản xuất và kinh doanh các dòng sản phẩm phố thông như kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, với các nhãn hàng được đầu tư mạnh về thương hiệu như thuốc giảm đau Hapacol, thuốc kháng sinh Klamentin, Haginat,..

Dược Hậu Giang hiện có 33 chi nhánh và hệ thống phân phối trên cả nước. Vinamilk cũng có hệ thống 10 trang trại và 13 nhà máy sản xuất trên khắp Việt Nam.

Năm 2017, doanh thu thuần mảng thực phẩm chức năng của Dược Hậu Giang đạt 378 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,3% tổng doanh thu thuần của công ty. Trước đó, Dược Hậu Giang cũng đưa ra kế hoạch đến năm 2020, doanh thu ngành thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm sẽ đạt trên 800 tỷ đồng. Thực phẩm chức năng mà Dược Hậu Giang đang sản xuất bao gồm Naturenz, NattoEnzym, trà hòa tan Hati, tảo Sprirulina.

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện đang nắm 36% cổ phần tại Vinamilk và 43,3% cổ phần tại Dược Hậu Giang.

Hiện tại, thị trường thực phẩm chức năng trong nước đang hỗn loạn, khó quản lý.

Ở Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu thực phẩm chức năng uy tín được người dân tin tưởng. Đa số khách hàng có nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng đều tìm đến các thương hiệu nước ngoài.

Thế mạnh lớn nhất của Vinamilk là vùng nguyên liệu và hệ thống phân phối, kinh nghiệm marketing. Còn Dược Hậu Giang là doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn nhất thị trường nội địa.

Dự đoán, sự kết hợp giữa Vinamilk và DHG sẽ tạo ra "quả đấm thép" tấn công thị trường thực phẩm chức năng trong nước, vốn là một "miếng bánh" mà nhiều nơi nhòm ngó nhưng chưa có cơ hội chiếm lĩnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.