Tài chính

Vingroup ‘dấn thân’ với thương hiệu ô tô quốc gia đầu tiên

(VNF) – "Vingroup muốn phục vụ mọi mặt đời sống người Việt và đem lại cho người tiêu dùng cuộc sống tốt đẹp hơn", bà Lê Thị Thu Thủy, phụ trách giám sát dự án Vinfast của Vingroup nói với Financial Times.

Vingroup ‘dấn thân’ với thương hiệu ô tô quốc gia đầu tiên

Vingroup "dấn thân" vào công nghiệp với dự án sản xuất ô tô đầy tham vọng mang tên Vinfast

Trên một hòn đảo ngoài khơi miền Bắc Việt Nam, Tập đoàn Vingroup di chuyển đất đá, nâng dầm và làm việc suốt 24 giờ để xây dựng một dự án công nghiệp tham vọng nhất lịch sử Việt Nam: tổ hợp sản xuất nơi mà trong 2 năm tới sẽ tạo ra chiếc ô tô mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên.

Vinfast – thương hiệu xe mới của Vingroup - sẽ bắt đầu sản xuất xe máy điện tại một nhà máy gần thành phố cảng Hải Phòng vào cuối năm nay và năm sau sẽ là xe sedan và xe SUV. Thiết kế phác họa cho 2 mẫu ô tô này sẽ được trình làng tại triển lãm ô tô Paris vào tháng 10 tới, mỗi mẫu đều có chữ "V" trên lưới tản nhiệt.

Tại tổ hợp sản xuất trên đảo Cát Hải, một tòa nhà được thiết kế theo hình vòng tròn bằng kính đã được xây dựng để làm trụ sở điều hành và nghiên cứu phát triển, và nhà máy sản xuất xe máy điện đang được xây dựng phía sau đó. Dự án này được Vingroup đầu tư 1,5 tỷ USD trong giai đoạn đầu, lớn đến nỗi tập đoàn này đã phải liên hệ với tất cả các công ty cung cấp cọc xây dựng phía Bắc và một số đối tác từ phía Nam.

Tuy nhiên, việc chuyển sang chế tạo ô tô sẽ là một chuyến "dấn thân" đối với cả Vingroup lẫn nền công nghiệp của Việt Nam, tương tự như những năm 1970 khi Hyundai – ngày nay là nhà sản xuất ô tô hàng đầu – đã phát triển mẫu xe đầu tiên của mình tại Hàn Quốc.

Đối với Vingroup, đây có thể là một bước đi mạo hiểm: sản xuất ô tô là một ngành công nghiệp đang cạnh tranh rất mạnh mẽ, biên lợi nhuận thấp đối với các nhà sản xuất ô tô muốn gắn thương hiệu quốc gia – như trường hợp hãng xe Proton của Malaysia đang phải vật lộn.

Người tiêu dùng Việt Nam, chủ yếu đi xe 2 bánh, năm qua đã mua một lượng ô tô chỉ bằng khoảng 1/4 lượng xe bán ra ở Indonesia – một đất nước lớn hơn, giàu hơn Việt Nam, nơi các quan chức và doanh nhân cũng tranh luận và đến nay vẫn "phản đối" việc phát triển một chiếc ô tô thương hiệu quốc gia.

Ngành ô tô Việt Nam hiện đang phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài như Toyota, Hyundai, Mazda...

Ô tô sẽ trở thành "vùng đất mới" của Vingroup. Tập đoàn này hiện là doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam, đồng thời kinh doanh nông nghiệp, bán lẻ, giáo dục và đang xây dựng tòa nhà cao nhất Đông Dương tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đối với các nhà quản lý của Vingroup, việc chuyển sang lĩnh vực ô tô là bước đi hợp lý tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam.

"Ý tưởng chủ đạo là phục vụ ‘từ khi sinh ra cho đến khi chết đi’ ", bà Lê Thị Thu Thủy, giám đốc điều hành dự án Vinfast nói với Financial Times. "Vingroup muốn phục vụ mọi mặt đời sống người Việt và đem lại cho người tiêu dùng cuộc sống tốt đẹp hơn".

"Khi bạn nói chuyện với người dân nơi đây, rất nhiều người đã cổ vũ khi Vinfast làm một chiếc xe cho họ", Jim DeLuca, cựu giám đốc điều hành của General Motors, vừa được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành Vinfast. "Điều đó lớn hơn Vingroup, lớn hơn chúng tôi – điều đó là dành cho tất cả người dân".

Vingroup đã khởi công tổ hợp sản xuất này vào ngày 2/9/2017 – ngày quốc khánh Việt Nam.

"Có một câu nói rằng mỗi quốc gia đều cần 5 điều: cờ, quốc ca, quân đội, một hãng hàng không và một hãng xe ô tô", Robin Zhu, chuyên gia phân tích ô tô châu Á tại Bernstein cho biết.

Các nước khác trong khu vực sẽ theo dõi động thái của Vingroup. Thái Lan, trung tâm sản xuất ô tô Đông Nam Á, đã sản xuất 2 triệu chiếc xe năm qua và có thể nâng lượng sản xuất thêm 1 triệu nữa. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô tại Thái Lan – dẫn đầu là Toyota, Isuzu và Honda – đều là nước ngoài, và một nửa số xe sản xuất ra là để xuất khẩu.

Việt Nam có một nhà sản xuất ô tô, xe tải và xe buýt lớn là Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco), nhưng lại sản xuất cho các thương hiệu nước ngoài.

Dù đang thua kém về sản lượng tiêu thụ xe nhưng thị trường ô tô Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nước láng giềng

Bà Thủy cho biết, giai đoạn đầu của dự án sẽ "ngốn" 1,5 tỷ USD trong tổng mức đầu tư lên tới 3-3,5 tỷ USD. Ban đầu, Vinfast dự kiến sẽ lắp đặt công suất sản xuất 300.000 xe máy điện và 250.000 xe ô tô mỗi năm, nhưng các nhà điều hành của Vingroup đã nói đến công suất cao hơn, khoảng 1 triệu xe máy điện và 500.000 xe ô tô mỗi năm vào năm 2025 – một con số đầy tham vọng đối với một thị trường có quy mô như Việt Nam.

"Tôi nghĩ họ sẽ phải sản xuất cho một thương hiệu khác để duy trì công suất trên", Titikorn Lertsirirungsun, giám đốc khu vực ASEAN của LMC Automotive nói.

Vingroup đập tan những hoài nghi về triển vọng xây dựng một thương hiệu ô tô riêng bằng cách tuyên bố rằng dự án Vinfast được đảm bảo cả về quản trị lẫn chuyên môn từ những tên tuổi đầu ngành.

Bên cạnh ông DeLuca, Vinfast cũng đã tuyển dụng cựu giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam và một người đứng đầu bộ phận sản xuất của Holden – thương hiệu thuộc sở hữu của General Motors đã ngừng sản xuất ở Úc.

BMW, nhà sản xuất ô tô của Đức, đang chuyển giao bản quyền sở hữu trí tuệ cho Vinfast nhằm sản xuất 2 mẫu xe sắp tới. Công ty Magna Steyr của Áo là nhà tư vấn cho Vingroup về công nghệ xe.

Vingroup cũng ủy quyền thiết kế các phác họa thiết kê 2 mẫu xe cho 4 nhà thiết kế hàng đầu và Pininfarina của Ý đã được lựa chọn để phát triển kiểu dáng cho các mẫu xe sắp tới. Công ty này cho biết họ sẽ tung ra hai chiếc xe trong quý III năm 2019.

Vingroup không tiết lộ về giá cả, nhưng bà Thủy nói rằng các loại xe của Vingroup sẽ có "giá cả phải chăng cho người Việt Nam". Bà nói: "Chúng tôi đang sản xuất xe hơi cho thị trường đại chúng, vì vậy giá cả sẽ cạnh tranh".

Tin mới lên