VN-Index 'bốc hơi' gần 39 điểm cùng hàng trăm mã giảm kịch sàn, nhà đầu tư chán nản

Thanh Long - 21/10/2022 15:17 (GMT+7)

(VNF) - Nhà đầu tư lại chứng kiến một phiên thị trường lao dốc không phanh với hàng trăm mã giảm kịch sàn. Trên các diễn đàn chứng khoán cũng như các "room chat" trên mạng xã hội, khá dễ dàng bắt gặp những cảnh than vãn, chán nản của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

VNF
VN-Index 'bốc hơi' 38 điểm cùng hàng trăm mã giảm kịch sàn, nhà đầu tư chán nản

Lại một lần nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc không phanh. Phiên 21/10, chỉ số VN-Index giảm 38,63 điểm, tương đương 3,65%, xuống 1.019,82 điểm.

Ở nhóm ngân hàng, CTG, TCB và STB đồng loạt giảm kịch sàn. Nhiều cổ phiếu cũng giảm rất mạnh như MBB giảm 6,12%, LPB giảm 6,51%, MSB giảm 5,58%, SHB giảm 5,53%, ACB giảm 4,45%... Các cổ phiếu khác cũng chìm trong sắc đỏ.

Cổ phiếu chứng khoán bi đát hơn khi đa số giảm kịch biên độ như SSI, VND, HCM, FTS, VIX, VCI, BSI, CTS, ORS.

Với cổ phiếu bất động sản, nhóm vốn hóa lớn ghi nhận sự suy giảm mạnh ở nhóm Vingroup, cụ thể, VIC, VHM và VRE giảm lần lượt 3,07%, 4,1% và 4,38%. Các cổ phiếu lớn khác như NVL, BCM, PDR giảm nhẹ hơn, lần lượt mất đi 0,13%, 1,76%, 0,61% giá trị. Ở nhóm vốn hóa nhỏ hơn, đa phần giảm... kịch sàn, có thể kể đến KBC, DIG, DXG, VCG, HDG, CII, DXS, ITA, HDC, KHG, IJC, HHV, SCR, HTN, DPG, HQC.

Đối với nhóm sản xuất, 2 cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng là VNM và SAB khá vững vàng trong "cơn bão giảm giá" khi VNM chỉ giảm 0,65% còn SAB thậm chí còn tăng 0,89%. Cũng có một số cổ phiếu khác ghi nhận sắc xanh như KDC, VCF, TRA, SHI. Thế nhưng, giảm mạnh vẫn là xu hướng chung, trong đó MSN giảm 6,73%, HPG giảm 6,63%, các cổ phiếu như GVR, DGC, VHC, GEX, NKG, DBC, PAN, TLG, ANV, HSG, PHR, IDI, DRC, AAA đều giảm kịch biên độ.

Tình hình cũng không mấy khả quan ở cổ phiếu năng lượng và bán lẻ: GAS giảm 3,34%, POW giảm 5,07%, PGV giảm 2,33%, PLX giảm 5,97%; MWG và FRT đều giảm kịch sàn còn PNJ giảm 2,7%.

Cổ phiếu hàng không phân hóa khi VJC đứng giá tham chiếu còn HVN giảm 4,7%.

Toàn sàn HoSE có 31 mã tăng giá, 32 mã đứng giá tham chiếu và 453 mã giảm giá (trong đó có 137 mã giảm kịch sàn). Thanh khoản khớp lệnh được cải thiện lên mức 11.596 tỷ đồng.

Trên các diễn đàn chứng khoán cũng như các "room chat" trên mạng xã hội, khá dễ dàng bắt gặp những cảnh than vãn, chán nản của nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong bối cảnh thị trường không chỉ biến động xấu mà còn liên tục biến động với biên độ lớn, nhất là trong các phiên giảm.

Cùng chuyên mục
Tin khác