VN-Index năm 2025: 1.300 hay 1.600, đâu là định giá hợp lý?

Hoàng Anh - 01/01/2025 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Với nhiều động lực hỗ trợ, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm 2025, vượt xa mốc 1.300 điểm.

Khép lại một năm đầy biến động, thị trường chứng khoán đóng cửa tại mốc 1.266,78 điểm với thanh khoản đạt trên 11,5 nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ nhìn vào đà tăng của VN-Index, có thể kết luận thị trường chứng khoán đã có một năm “bùng nổ” khi tăng hơn 136 điểm (12%) so với ngày 2/1/2024.

Tuy nhiên, thực tế, xu hướng tăng giá của thị trường chỉ kéo dài trong quý đầu tiên của năm 2024. Trong ba quý tiếp theo, thị trường bước vào trạng thái đi ngang với biên độ lớn, dao động từ 1.180 – 1.300 điểm. Đáng nói, việc thị trường đi ngang với thanh khoản thấp đã khiến không ít nhà đầu tư hụt hẫng khi giấc mơ chinh phục mốc 1.300 điểm chưa thành hiện thực.

Dẫu vậy, với nhiều yếu tố hỗ trợ, các tổ chức tài chính đều nhận định thị trường chứng khoán sẽ sớm “bứt phá”, vượt xa mốc 1.300 điểm trong năm 2025.

Động lực tăng trưởng của TTCK năm 2025

Trong báo cáo mới nhất, Vietcombank Securities (VCBS) đã chỉ ra các yếu tố hỗ trợ quan trọng cho đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Theo VCBS, bối cảnh chính trị tại Việt Nam hiện rất ổn định, với đội ngũ lãnh đạo đầy tài năng và sự giảm dần của các chiến dịch chống tham nhũng. Những thay đổi này không chỉ thúc đẩy hiệu quả kinh tế quốc gia mà còn cải thiện đáng kể tâm lý nhà đầu tư, vốn chịu nhiều tác động tiêu cực trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024.

Chính phủ hiện đang tập trung vào hai trụ cột chính để phát triển kinh tế: cải cách khuôn khổ pháp lý và đẩy mạnh ngoại giao. Các quy trình pháp lý đã được đơn giản hóa nhằm tăng tốc độ xử lý, giảm chi phí vận hành, đồng thời thực hiện tái cơ cấu và sáp nhập các bộ ngành để tối ưu hóa quản lý nhà nước. Nhiều sửa đổi pháp lý quan trọng, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực và Luật Thuế VAT, đã được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển.

Ngoài ra, nỗ lực ngoại giao của Việt Nam cũng được đẩy mạnh thông qua việc thu hút dòng vốn FDI, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia lớn và đa dạng hóa thương mại để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ. Với những bước tiến này, GDP năm 2024 của Việt Nam được World Bank dự báo dẫn đầu khu vực ASEAN, mang lại kỳ vọng lớn về một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội chinh phục các đỉnh cao mới trên thị trường chứng khoán.

Đối với tiến trình nâng hạng thị trường từ Cận biên lên Mới nổi, Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí của FTSE. Tiêu chí ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) hiện đã được sửa đổi và đang chờ đánh giá từ FTSE, trong khi tiêu chí chi phí giao dịch thất bại vẫn trong quá trình xây dựng. VCBS đánh giá FTSE sẽ xem xét nâng hạng chính thức cho thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 3/2025, với việc nâng hạng diễn ra vào tháng 9/2025. Trong trường hợp được FTSE nâng hạng, VCBS ước tính thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón dòng tiền ròng lên tới 1,3 – 1,5 tỷ USD trong quý 3/2025.

Đâu là định giá hợp lý của VN-Index trong năm 2025?

Với những yếu tố hỗ trợ trên, VCBS dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt 1.555 điểm với P/E đạt 14,6 lần và EPS thị trường tăng 12% trong năm 2025. Trong kịch bản khả quan, VN-Index chạm tới mốc 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường.

Song song đó, thanh khoản toàn thị trường được dự báo cải thiện đáng kể, dao động từ 29.500 – 30.500 tỷ đồng/phiên cho cả ba sàn, với mức tăng tập trung kể từ giữa quý II/2025. Đơn vị phân tích đánh giá các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, dầu khí, chứng khoán, logistic, tiêu dùng và điện sẽ được hưởng lợi trong năm sau.

Tương tự VCBS, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự báo VN-Index có thể đạt 1.470 điểm trong năm 2025, tương ứng mức tăng 10% và P/E mục tiêu ở ngưỡng 15 lần, ngang mức trung bình 10 năm gần nhất.

Trong kịch bản tích cực, TPS tin rằng VN-Index có thể đạt 1.537 điểm, với P/E tăng 15%, khi các yếu tố vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, tạo động lực giúp ngành ngân hàng và tài chính có được lợi nhuận cao nhờ tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu.

Ngành tiêu dùng và bán lẻ sẽ được thúc đẩy nhờ các chính sách thuận lợi cho tiêu dùng nội địa, trong khi ngành bất động sản được kỳ vọng phục hồi từ nhu cầu thực tế và hỗ trợ từ chính sách pháp lý.

Cùng quan điểm với hai công ty chứng khoán, FIDT nhận định thị trường sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. Đơn vị này đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán 2025 tích cực, với tiềm năng tăng trưởng cao khi nền kinh tế phục hồi và bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững.

Theo FIDT, thị trường sẽ bước vào chu kỳ tăng tốc trung hạn sau 2025, nhờ vào các động lực vĩ mô mạnh mẽ và sự phục hồi ổn định của các ngành trọng yếu.

Với P/E hiện tại ở mức 13 lần, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá hợp lý, mở ra không gian tăng trưởng lớn. Đơn vị này xác định mục tiêu VN-Index vào cuối năm 2025 trong khoảng từ 1.300 – 1.500 điểm, phản ánh triển vọng tích cực và sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường. Các ngành chủ lực như ngân hàng, bất động sản và công nghệ thông tin được xem là động lực chính giúp thị trường tăng trưởng trong năm tới.

Thị trường chứng khoán 2025: Khối ngoại sẽ dần trở lại?

Thị trường chứng khoán 2025: Khối ngoại sẽ dần trở lại?

Tài chính
(VNF) - Theo chuyên gia, định giá hấp dẫn, tăng trưởng ngành khả quan và triển vọng nâng hạng là ba điều kiện thu hút khối ngoại trở lại thị trường chứng khoán năm 2025.
Cùng chuyên mục
Tin khác