VNDirect: Chứng khoán Việt sẽ quay lại đà tăng khi số ca nhiễm Covid-19 mới đạt đỉnh

Thanh Long - 01/09/2021 08:40 (GMT+7)

(VNF) - VNDirect cho rằng TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ quay trở lại đà tăng khi số ca nhiễm Covid-19 mới đạt đỉnh, đồng thời nhận định thị trường đã phản ánh một phần những rủi ro giảm giá liên quan đến làn sóng Covid-19 thứ tư và sẽ sớm chuyển sự chú ý sang triển vọng kinh doanh trong năm 2022.

VNF
VNDirect: Chứng khoán Việt sẽ quay lại đà tăng khi số ca nhiễm Covid-19 mới đạt đỉnh

Thị trường chứng khoán biến động mạnh trong tháng 8 khi VN-Index phục hồi từ mức đáy tháng 7 lên 1.370 điểm trước khi điều chỉnh trở lại và chốt phiên 30/8 ở mức 1.328 điểm, tăng 1,4% so với cuối tháng 7.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect trong báo cáo chiến lược công bố mới đây, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng khi các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn được áp dụng tại nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước.

Thanh khoản tăng mạnh trong tháng 8 khi định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn tăng 15,3% so với tháng trước lên 30.177 tỷ đồng/phiên (tương đương tăng 363,2% so với cùng kỳ năm ngoái).

"Chúng tôi nhận thấy dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ trong tháng 8. Thanh khoản của nhóm VNSML (đại diện cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ) tăng mạnh 90,1% so với tháng trước, kéo theo mức tăng ấn tượng 10,6% so với cuối tháng 7 của VNSML-Index. Thanh khoản của nhóm VNMID (đại diện cho nhóm vốn hóa trung bình) tăng 69,9% so với tháng trước và giúp VNMID-Index nhích tăng 0,4% so với cuối tháng 7", chuyên gia của VNDirect cho hay.

Trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân phiên của nhóm VN30 (đại diện cho các mã vốn hóa lớn) giảm 4,1% so với tháng trước, kéo theo mức giảm 2,4% so với cuối tháng 7 của chỉ số VN30-Index.

VNDirect dự báo rằng số ca mắc mới hàng ngày sẽ có thể giảm trong tháng 9 nhờ các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt đang được áp dụng.

"Cả thị trường chứng khoán Ấn Độ và Indonesia đều tăng điểm kể từ khi số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày quay đầu giảm và các biện pháp hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ được Chính phủ các nước này công bố. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đã dự đoán trước được xu hướng lợi nhuận giảm trong nửa cuối năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết do biến chủng Delta, do đó đã tập trung hơn vào triển vọng kinh doanh và lợi nhuận trong năm 2022", chuyên gia nêu góc nhìn.

Bên cạnh đó, TTCK Thái Lan cũng quay đầu tăng sau khi Chính phủ nước này thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong những tuần tới.

"Chúng tôi cho rằng TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ quay trở lại đà tăng khi số lượng ca nhiễm mới đạt đỉnh", phía VNDirect bày tỏ quan điểm.

Công ty chứng khoán này hạ mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2021 của các công ty niêm yết trên HoSE xuống 26% (so với dự báo trước đó là 30%) do triển vọng kinh doanh 6 tháng cuối năm có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi làn sóng dịch bệnh hiện tại.

Đối với năm 2022, VNDirect kỳ vọng tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HoSE sẽ duy trì ở mức 21% so với năm 2021. Một số ngành được dự báo có sự cải thiện mạnh mẽ trong tăng trưởng lợi nhuận bao gồm: Hàng hóa công nghiệp, Bất động sản và Dầu khí. Tăng trưởng EPS năm 2023 của các công ty niêm yết trên sàn HoSE được dự báo ở mức 18% so với năm trước đó.

"Mặc dù hạ dự phóng tăng trưởng lợi nhuận năm 2021, chúng tôi cho rằng thị trường đã phản ánh một phần những rủi ro giảm giá liên quan đến làn sóng Covid-19 thứ tư và sẽ sớm chuyển sự chú ý sang triển vọng kinh doanh trong năm 2022. Chúng tôi đánh giá định giá thị trường đã về mức hấp dẫn và thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp", VNDirect nêu quan điểm.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng tháng 9, VN-Index sẽ dần hồi phục và dao động trong vùng 1.280-1.380 điểm. Mức 1.280-1.300 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh cho VN-Index trong tháng. VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu chỉ số giảm về vùng hỗ trợ.

Cùng chuyên mục
Tin khác