VNDirect nêu 4 xu hướng đầu tư đáng chú ý năm 2022

Thanh Long - 13/12/2021 10:22 (GMT+7)

(VNF) - VNDirect lưu ý đến 4 xu hướng đầu tư năm 2022, bao gồm việc giá cả hàng hóa dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong năm tới, cơ sở hạ tầng còn nhiều tiềm năng phát triển, sự trỗi dậy của kinh tế số trong bối cảnh "bình thường mới" và sự phục hồi của nhu cầu nội địa kéo theo sự phục hồi của các ngành dịch vụ.

VNF
VNDirect nêu 4 xu hướng đầu tư đáng chú ý năm 2022

"Tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2022-2023 là bệ phóng vững chắc cho các chỉ số chứng khoán", Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định trong báo cáo chiến lược đầu tư công bố mới đây.

Theo tính toán của VNDirect, lợi nhuận quý III/2021 của các công ty niêm yết trên ba sàn (HoSE, HNX, UPCoM) tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng của quý I/2021 và quý II/2021, lần lượt là 92% so với cùng kỳ và 72,3% so với cùng kỳ.

"Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận của quý III/2021 vẫn khiến chúng tôi hết sức ấn tượng trong bối cảnh GDP quý III/2021 của Việt Nam suy giảm 6,2% so với cùng kỳ do thắt chặc giãn cách xã hội. Tổng lợi nhuận thị tường 9 tháng năm 2021 tăng mạnh 53,4% so với cùng kỳ. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của một số lĩnh vực, tiêu biểu như là Bán lẻ, Thực phẩm & Đồ uống và Ngân hàng, sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021 trong khi tăng trưởng lợi nhuận của Dầu khí và Bất động sản vẫn duy trì khả quan. Do đó, chúng tôi đã nâng dự phóng tăng trưởng lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2021 của các công ty niêm yết trên HoSE lên 39% so với cùng kỳ, từ mức dự báo trước đó là 26% so với cùng kỳ", nhóm chuyên gia của VNDirect lạc quan.

Trong năm 2022, VNDirect kỳ vọng tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HoSE sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 23% so với cùng kỳ. Một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận, bao gồm Hàng hóa công nghiệp và Dịch vụ, Bán lẻ và Bất động sản trong khi tăng trưởng lợi nhuận của Dầu khí, Tiện ích công cộng và Công nghệ vẫn duy trì ở mức cao.

Đối với năm 2023, VNDirect dự báo tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HoSE là 19% so với cùng kỳ, vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2017-2020.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng VN-Index đạt 1.700-1.750 điểm trong năm 2022, dựa trên các giả định sau: P/E của VN-Index vào khoảng 16-16,5 lần vào cuối năm 2022, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trên HoSE sẽ tăng trưởng 23% so với cùng kỳ và tỷ suất lợi tức cổ phần của VN-Index năm 2022 ở mức 1,4%.

Đáng chú ý, VNDirect nêu ra 4 luận điểm đầu tư cho năm 2022.

Đầu tiên là giá hàng hoá dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong năm tới.

Theo VNDirect, hiện chỉ số giá hàng hoá Bloomberg Commodity Index đã vượt mức cao nhất trong 10 năm và giá đã tăng ở hầu hết các mặt hàng, từ năng lượng, kim loại đến nông nghiệp do sự kết hợp của các yếu tố cung và cầu.

Giá của tất cả các mặt hàng đã tăng vọt trong năm nay và theo quan điểm của nhóm chuyên gia, các loại hàng hoá khác nhau sẽ có triển vọng khác nhau trong các giai đoạn tới. Cụ thể, giá năng lượng sẽ vẫn ở mức cao trong vài quý tới do cần thời gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thiếu hụt các khoản đầu tư mới, làm tăng áp lực lên giá các mặt hàng khác.

Đối với kim loại công nghiệp, VNDirect kỳ vọng giá kim loại (như thép) duy trì ở mức cao cho đến quý I/2022 do tình trạng thiếu hụt năng lượng và vận chuyển cần thời gian để trở lại trạng thái bình thường, sau đó giảm dần xuống mức trung bình dài hạn cho đến cuối năm 2022 khi tình trạng gián đoạn nguồn cung được giải quyết.

Đối với các mặt hàng nông nghiệp, giá được dự báo sẽ giảm nhẹ vào năm 2022 khi điều kiện nguồn cung cải thiện. Tuy nhiên, VNDirect nhận thấy rủi ro tăng giá đến từ giá nguyên vật liệu đầu vào cao (đặc biệt là phân bón) trong 6 tháng năm 2022, có khả năng đẩy lạm phát giá thực phẩm lên cao.

Về khuyến nghị cụ thể, VNDirect ưa thích QNS, PVD, GAS, STK và DGC.

Cổ phiếu của nhiều nhóm ngành như Thép, Xây dựng, Bán lẻ, Công nghệ thông tin, Chứng khoán tăng trưởng trên 50% từ đầu năm

Xu hướng đầu tư thứ hai, theo VNDirect, là tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm tới.

Cụ thể, nhóm chuyên gia nhận thấy Việt Nam đang đẩy mạnh bổ sung nguồn cung đất khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Trong 5 tháng năm 2021, Việt Nam thành lập mới 25 khu công nghiệp (KCN), bổ sung 7.300ha diện tích đất công nghiệp, mức tăng diện tích đất cao nhất kể từ năm 2015.

"Chúng tôi quan sát thấy nhiều nhà phát triển lớn cả trong nước và quốc tế đã và đang có kế hoạch gia nhập thị trường khu công nghiệp như Vingroup với hai KCN tại Hải Phòng và Tập đoàn phát triển công nghiệp WHA của Thái Lan, Fraser, Capitaland, khẳng định tiềm năng của thị trường này", VNDirect cho biết.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cảng biển cũng được tăng cường để phục vụ tăng trưởng thương mại.

Trên thực tế, trong 10 tháng năm 2021, bất chấp những khó khăn từ hai đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, tổng sản lượng container thông quan của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 12% so với cùng kỳ. Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 đã được phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến tổng sản lượng container thông quan sẽ đạt 47 triệu TEU trong năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8% trong giai đoạn 2021-2030. Để đáp ứng nhu cầu cho tốc độ tăng trưởng này, Bộ GTVT ước tính tổng mức đầu tư cho hệ thống cảng biển trong giai đoạn 2021-2030 là 312.440 tỷ đồng, trong đó phần lớn vốn đầu tư (95%) được huy động từ khối doanh nghiệp, phần còn lại là vốn ngân sách nhà nước.

Các dự án ưu tiên trong quy hoạch bao gồm: xây dựng các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, khởi công cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), di dời và chuyển đổi công năng các bến trên sông Cấm tại cụm cảng Hải Phòng và các bến trên sông Sài Gòn tại cụm cảng Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng sự phát triển của địa phương.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng năng lượng cũng được phát triển nhằm đảm bảo sản xuất công nghiệp.

"Chúng tôi cho rằng sự ổn định trong hệ thống điện hiện tại của Việt Nam có thể là lợi thế, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và hơn nữa, nó có thể làm tăng mức tiêu thụ điện trong tương lai. Bên cạnh đó, việc giảm công suất của một số nhà máy tại Trung Quốc có thể cho phép hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng lên do nhiều lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc ghi nhận sản lượng sụt giảm. Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tăng sản lượng xuất khẩu và gián tiếp giúp tăng tăng tiêu thụ điện năng khi các nhà máy hoạt động với công suất lớn", nhóm chuyên gia nhấn mạnh.

VNDirect cho hay các lựa chọn hàng đầu theo xu hướng này là KBC, PHR, SZC, GMD, POW, NT2.

Xu hướng đầu tư thứ ba là sự trỗi dậy của kinh tế số trong bối cảnh “bình thường mới”.

VNDirect nhận thấy đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa và tăng cường áp dụng công nghệ tại Việt Nam nhanh hơn gấp nhiều lần so với trước đây và vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong vài năm tới. Đặc biệt, nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm giai đoạn 2020-2025 để đạt mức 52 tỷ USD vào năm 2025.

"Chúng tôi tin rằng các công ty có vị thế nắm bắt các cơ hội từ sự trỗi dậy của kinh tế số cũng như các công ty có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu “digital” của người tiêu dùng sẽ vượt trội hơn so với các đối thủ khác. Do đó, chúng tôi ưa thích FPT, VTP và MWG cho cơ hội đầu tư dài hạn này", nhóm chuyên gia nêu quan điểm.

Xu hướng đầu tư thứ tư đến từ sự hồi phục của cầu nội địa kéo theo sự hồi phục của ngành dịch vụ. VNDirect kỳ vọng tất cả các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số. Nhóm chuyên gia cũng kỳ vọng sức tiêu thụ sẽ tăng trở lại mạnh mẽ với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2022.

"Chúng tôi cho rằng ngành hàng không, bán lẻ, sản xuất thực phẩm và nước giải khát sẽ là những đối tượng hưởng lợi chính từ khả năng phục hồi tiêu dùng. Chúng tôi kỳ vọng ngành dịch vụ ăn uống (F&B) của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững vào năm 2021 nhờ thu nhập của người dân cao hơn và tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng. Chúng tôi cũng tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tốt hơn của ngành bán lẻ trong năm 2022 nhờ nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ, thời kỳ dân số trẻ và sự thay đổi lối sống của người tiêu dùng theo hướng bán lẻ hiện đại hơn truyền thống. Với luận điểm này, chúng tôi ưa thích ACV, MWG, VRE và VNM", VNDirect khuyến nghị.

Cùng chuyên mục
Tin khác