VNPT sẽ bán 35% vốn khi IPO vào năm 2019

Lê Nguyễn - 25/01/2018 20:28 (GMT+7)

(VNF) - Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cho biết cuối năm 2019, VNPT sẽ tiến hành IPO. Khi đó, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 65% vốn chủ sở hữu. 35% còn lại sẽ được chào bán cho nhà đầu tư.

VNF
Nhà nước sẽ bán 35% vốn tại VNPT

Theo ông Liêm, VNPT đặt ra mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số số 1 Việt Nam vào năm 2025 và trung tâm dịch vụ số của khu vực vào năm 2030.

Trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyến thống được dự báo không tăng trưởng mạnh trong những năm tới, các công ty viễn thông trên thế giới đều phải tìm hướng đi mới. Và để đạt được mục tiêu này, VNPT cần phải đảm bảo doanh thu tăng trưởng 8 - 12% hàng năm.

Trong đó, dịch vụ số, dịch vụ công nghệ thông tin phải chiếm tỷ trọng từ 25% - 30% trong tổng doanh thu. VNPT cũng đã đề nghị thành lập Công ty công nghệ thông tin VNPT-IT trực thuộc VNPT để tập trung phát triển dịch vụ số.

Ông Liêm cho biết có hai kịch bản cho tăng trưởng. Nếu dịch vụ số tăng trưởng 41% và chiếm 23% tổng doanh thu, mức tăng trưởng của Tập đoàn đạt 8,3%. Còn ở kịch bản thứ hai, VNPT sẽ tăng trưởng 12,3% khi mảng dịch vụ số chiếm 33% tổng doanh thu.

Theo ông Liêm, VNPT sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột. Một là phát triển công nghiệp liên quan đến các thiết bị đầu cuối do VNPT Technology thực hiện. Hai là các công ty sản xuất thiết bị vật tư, sản xuất công nghiệp sẽ được nhóm lại. Và ba là mảng dịch vụ tích hợp viễn thông, công nghệ thông tin.

Ngoài ra, về hệ thống sự nghiệp, VNPT sẽ sáp nhập Bệnh viện phục hồi chức năng Bưu Điện (tại Hải Phòng) vào Bệnh viện Bưu điện (tại Hà Nội). Các doanh nghiệp mà VNPT góp vốn cũng được cơ cấu lại theo hướng trở thành các doanh nghiệp phụ trợ cho Tập đoàn. Với các đơn vị nhỏ thì VNPT đang tập trung thoái vốn.

Ông Liêm cho biết tình hình thoái vốn của VNPT có một số vướng mắc. VNPT hy vọng việc thoái vốn ở một loạt doanh nghiệp thuận lợi hơn khi Nghị định 91/2015/NĐ-CP được sửa đổi trong thời gian tới. Đối với các công ty mà VNPT khó có thể thoái vốn thì sẽ được chuyển sang cho Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (SCIC) quản lý.

Được biết trong buổi họp mới đây với Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT đã đề xuất thuê tư vấn quốc tế. Tuy nhiên, đại diện VNPT cho hay, công ty tư vấn quốc tế sẽ phối hợp với công ty trong nước để thực hiện tư vấn cổ phần hóa cho VNPT. Công ty tư vấn sẽ xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm, xây dựng phương án cổ phần hóa và bán cổ phần...

Xem thêm >>> VNPT: Cơ cấu lại một loạt đơn vị trước khi cổ phần hóa vào năm 2019

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.