M&A

Vốn ngoại tìm gì ở doanh nghiệp Việt?

(VNF) - Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Chris Freund, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Mekong Capital, nhấn mạnh rằng đội ngũ lãnh đạo vững mạnh là tiêu chí quan trọng bậc nhất để quỹ ngoại này quyết định rót vốn vào doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, theo ông Chris Freund, các doanh nhân Việt Nam nên điều chỉnh kỳ vọng về định giá doanh nghiệp của mình.

Vốn ngoại tìm gì ở doanh nghiệp Việt?

Vua Nệm - một trong những khoản đầu tư của Mekong Capital

- Sau hàng chục năm có mặt ở thị trường Việt Nam, ông nhận thấy sự thay đổi như thế nào của nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam? Điều đó có dẫn đến sự thay đổi khẩu vị đầu tư tại Mekong Capital hay không, thưa ông?

Ông Chris Freund: Là một nhà đầu tư dài hạn tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng thị trường vốn Việt Nam ngày càng hấp dẫn. Việt Nam có một lộ trình tăng trưởng dài được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi về kinh tế vĩ mô mạnh mẽ, nhân khẩu học hấp dẫn, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

Khi đô thị hóa nhiều hơn, người tiêu dùng trung lưu tìm kiếm hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao hơn, các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội hấp dẫn trong lĩnh vực công nghệ, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, giáo dục và bán lẻ tiêu dùng.

Với chúng tôi, không có nhiều sự thay đổi. Chúng tôi vẫn rất thích lĩnh vực tiêu dùng. Hiện nay, danh mục của chúng tôi có nhiều công ty trong lĩnh vực bán lẻ như Pharmacity, Vua Nệm, HSV… Thực chất đây là mảng chúng tôi có nhiều chuyên gia, và sẽ luôn là một lĩnh vực trọng tâm trong danh mục đầu tư của chúng tôi. Nhưng gần đây chúng tôi cũng để ý nhiều đến các lĩnh vực liên quan đến y tế, với một số doanh nghiệp điển hình như Gene Solutions hay LiveSpo.

Chúng tôi không muốn mạo hiểm với bất kỳ mô hình kinh doanh nào mà chúng tôi chưa hiểu rõ. Dưới góc độ là nhà lãnh đạo và quản lý, tôi muốn tìm các mô hình chúng tôi hiểu cặn kẽ để đầu tư. Điều quan trọng hơn cả, là đội ngũ sáng lập có phù hợp với định hướng đầu tư của chúng tôi hay không.

- Mỗi giai đoạn phát triển của Mekong Capital có lẽ sẽ có một vài câu chuyện đầu tư điển hình. Ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện mà ông thấy ấn tượng ở mỗi giai đoạn phát triển hay không?

Mekong Capital là công ty tư vấn quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam được thành lập với mục tiêu tập trung đầu tư duy nhất vào các công ty tư nhân Việt Nam (thay vì các doanh nghiệp nhà nước và công ty liên doanh). Với mục tiêu tạo thêm nhiều giá trị hơn nữa cho các công ty trong danh mục, chủ yếu thông qua giới thiệu và áp dụng các phương pháp tốt nhất trên thế giới, chúng tôi đã kỳ vọng các công ty này sẽ phát triển thành các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Việt Nam khi thị trường bùng nổ.

Nhưng hành trình đã không diễn ra theo kế hoạch…

Trong 5 năm đầu tiên, Mekong Capital liên tục có những hướng đi sai lầm. Quỹ Mekong Enterprise Fund chủ yếu rót vốn vào các doanh nghiệp gia đình, theo định hướng sản xuất để xuất khẩu. Các công ty này thường quản lý theo phong cách cũ, chủ yếu quan tâm tới tính ổn định và lợi nhuận ngắn hạn hơn là hướng tới tăng trưởng và hiệu suất công việc để đạt được tầm nhìn dài hạn.

Do tập trung vào xuất khẩu, các công ty này phải chịu sự cạnh tranh, tính chu kỳ của nền kinh tế toàn cầu và thường không sở hữu các thương hiệu có giá trị, trong khi các công ty tập trung vào thị trường nội địa có lợi thế hơn trong việc tăng trưởng và phát triển giá trị thương hiệu và mạng lưới phân phối.

Khi đó, chúng tôi cũng cố gắng tạo giá trị bằng cách chia sẻ các phương pháp quản trị tốt nhất, nhưng đa số các ý tưởng đều không được triển khai hoặc đôi khi được áp dụng nhưng lại không mang lại tác động đáng kể đến hiệu suất lâu dài của công ty. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết rằng cách tiếp cận chưa hiệu quả, nhưng chưa tìm ra căn nguyên của sai lầm.

Năm 2006, với khoản đầu tư vào ICP (công ty sản xuất sản phẩm chăm sóc cá nhân với thương hiệu X-Men), chúng tôi bắt đầu chạm ngõ vào ngành tiêu dùng. Mặt khác, chúng tôi cũng thử nghiệm một số lĩnh vực khác như bất động sản hay công nghệ thông tin. Ba năm sau đó, chúng tôi tiếp tục đạt được một số khoản đầu tư thành công với Thế giới Di Động, Golden Gate, Masan, Traphaco, PNJ và Trường Quốc tế Việt Úc (VAS).

Khoảng giữa năm 2007, tôi gần như tuyệt vọng và muốn từ bỏ vị trí CEO vì nghĩ rằng có lẽ tôi không có tố chất của một nhà lãnh đạo. Giữa lúc đang bế tắc thì tôi tình cờ biết đến và đăng ký tham gia vào một khóa học chuyển hóa bản thân kéo dài 3,5 ngày ở Singapore có tên gọi Landmark Forum.

Sau khi hoàn tất chương trình chuyển hóa, tôi quyết định hợp tác với Landmark Education tổ chức các khóa học tương tự như vậy cho toàn bộ đội ngũ của Mekong Capital, với sự dẫn dắt của Jerome Downes - người đứng đầu Landmark ở châu Á. Quá trình chuyển hóa của Mekong Capital lúc đầu không diễn ra suôn sẻ khi có nhiều thành viên không đồng thuận. Cứ đinh ninh rằng chuyển hóa là điều tất yếu, tôi đã không nghĩ tới việc phải nỗ lực truyền cảm hứng cho các thành viên chủ chốt về lý do vì sao Mekong cần chuyển hóa, do đó nhiều nhân viên không hiểu và họ cũng không muốn tham gia. Nhưng đến khi Mekong bước đầu xác định được những giá trị cốt lõi nào là quan trọng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên những giá trị cốt lõi đó, ngày càng nhiều thành viên chủ động tham gia, nhìn thấy được hiệu quả và ủng hộ hành trình chuyển hóa này.

Đúc kết từ kinh nghiệm chuyển hóa tại Mekong và sau nhiều lần tinh chỉnh, hoàn thiện, chúng tôi đã phát triển mô hình mang tính bản thể học gọi là Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng (VDI). Đó không phải là một bộ giải pháp hay thông lệ tốt nhất mà chúng tôi áp đặt vào bất kỳ công ty nào. Mà ngược lại, đây là không gian mỗi công ty có cơ hội tự khám phá và lựa chọn cách thức phù hợp để đạt được tầm nhìn.

Thời gian đầu sau khi quá trình chuyển đổi kết thúc, thành tích chúng tôi đạt được vẫn chưa đủ rõ ràng để có thể thành lập một quỹ mới. Doanh thu tích lũy giảm dần trong khi chúng tôi không có nguồn doanh thu mới. Mỗi năm, Mekong đều thâm hụt chi phí và rơi vào tình trạng khủng hoảng dòng tiền liên tục. Lúc này, chúng tôi bắt đầu gặp phải áp lực cần giảm số lượng nhân viên.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chọn duy trì và tiếp tục phát triển đội ngũ hướng tới hoàn thành tầm nhìn, bất kể trở ngại nào. Vì vậy, chúng tôi vẫn kiên trì và liên tục tìm các giải pháp đổi mới để hạn chế chi phí, giúp công ty tiếp tục vận hành.

Đến năm 2014, với bề dày thành tích, chúng tôi biết rằng đây là cơ hội để thành lập một quỹ mới. Vì vậy, vào năm 2015, chúng tôi đã hoàn thành đợt gọi vốn đầu tiên của quỹ Mekong Enterprise Fund III, tạo tăng trưởng doanh thu lần đầu tiên cho Mekong kể từ năm 2007 và tiếp tục đạt được các thành tựu lớn, làm tiền đề để chúng tôi ra mắt các quỹ khác sau đó.

Ông Chris Freund

- Hiện nay, Mekong Capital đang tìm kiếm những điều gì ở doanh nghiệp Việt, thưa ông?

Khi tiếp cận với một công ty tiềm năng, đầu tiên, chúng tôi sẽ hỏi xem họ có ý định xây dựng một ban lãnh đạo mạnh mẽ hay không. Nhiều công ty nói rằng có thể làm được điều đó, nhưng sau cùng lại không xảy ra.

Mekong Capital có khả năng trong việc tìm ra những công ty nào sẽ thực sự xây dựng được đội ngũ lãnh đạo vững mạnh. Từ những kinh nghiệm của chúng tôi trong 20 năm qua đội ngũ quản lý là yếu tố số một làm nên các khoản đầu tư thành công.

Thứ hai, chúng tôi sẽ xem họ cam kết với việc chuyển đổi như thế nào. Cụ thể là việc chuyển đổi từ người “quản lý” trở thành một người “lãnh đạo” và việc học những cách điều hành mới, cách giao tiếp mới trong công ty. Vì vậy, Mekong Capital tìm kiếm các doanh nghiệp cởi mở. Một số người nghĩ rằng họ đã có tất cả câu trả lời cho mọi vấn đề, hoặc không hứng thú với việc phát triển cá nhân, sẽ không phù hợp với chúng tôi.

Hiện nay chúng tôi đang rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ sinh học. Rất nhiều người Trung Quốc học tiến sĩ ở Mỹ hoặc châu Âu đã về nước và phát triển các sản phẩm, chế phẩm sinh học và dược phẩm đẳng cấp thế giới. Họ đã phát triển những sản phẩm này ở Trung Quốc, nơi có chi phí thấp hơn và tốc độ phát triển nhanh hơn. Chúng tôi bắt đầu nhận thấy xu hướng tương tự ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện 2 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực này trong những năm qua. Một là LiveSpo. Công ty chuyên sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe tiêu dùng về lợi khuẩn. Nhà sáng lập đã đi du học và hoàn thành bằng tiến sĩ tại Nhật Bản, sau đó trở về Việt Nam và chọn Việt Nam để thử nghiệm phát triển sản phẩm. Một công ty khác là Gene Solutions. Đó là một công ty xét nghiệm gen di truyền. Hai trong số những nhà sáng lập đã lấy bằng tiến sĩ tại Mỹ, và sau đó họ quyết định quay trở lại Việt Nam để phát triển các xét nghiệm gen di truyền mới hoặc tận dụng những xét nghiệm hiện có để sản xuất với giá thành phải chăng.

Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng để họ phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học. Chúng tôi rất hào hứng với xu hướng này. Chúng tôi rất vui mừng khi có một thế hệ doanh nhân mới với nền tảng giáo dục vững chắc và kỹ năng khoa học cao. Họ lựa chọn Việt Nam để nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp như vậy.

- Theo ông, điều gì ở doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi để hoạt động hiệu quả hơn, bền vững hơn, thu hút vốn ngoại dễ dàng hơn?

Tôi nghĩ các nhà sáng lập có thể nên điều chỉnh kỳ vọng về định giá công ty trên thị trường hiện tại. Chúng tôi thường gặp gỡ các công ty mới mà chúng tôi có hứng thú với hoạt động kinh doanh và muốn thảo luận việc đầu tư. Một trong những điều mà chúng tôi nhận thấy khá thường xuyên là các nhà sáng lập có kỳ vọng rất cao về định giá công ty. Tôi nghĩ điều này đặc biệt đúng với những công ty đã nhận đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trước đây. Những công ty này đã tăng trưởng và có lẽ họ đang ở giai đoạn cần gọi vốn từ nhà đầu tư tư nhân như Mekong Capital. Giai đoạn 2020-2021, rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đã rót vốn vào startup Việt Nam và nhiều công ty trong số đó hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đang thu hẹp. Kỳ vọng của họ về giá trị công ty cao hơn nhiều so với khoản đầu tư mà chúng tôi sẵn sàng chi ra.

Ngoài ra, nhiều công ty chưa sinh lời. Họ vẫn chưa tìm ra cách kinh doanh hiệu quả ở tất cả các địa điểm. Có thể đó là một chuỗi nhà hàng với 10 hoặc 20 địa điểm nhưng chỉ có 2-3 nơi sinh lời, những địa điểm khác đang lỗ. Như vậy, có quá nhiều việc phải làm, bởi vì trên thực tế bạn chỉ có một công việc kinh doanh với 3 cửa hàng. Chúng tôi nhận thấy đây là một thách thức khi nhiều công ty mở rộng quy mô trước khi thực sự tìm ra cách tạo ra lợi nhuận ổn định.

Tin mới lên